ASEAN-Ấn Độ: Cơ hội hợp tác mới trong nền kinh tế xanh

Các nước ASEAN và Ấn Độ sẽ hướng tới chuyển đổi nền kinh tế đại dương truyền thống sang nền kinh tế xanh bền vững, đổi mới và bao trùm, trong đó vai trò của các đại dương được đa dạng hóa.
ASEAN-Ấn Độ: Cơ hội hợp tác mới trong nền kinh tế xanh ảnh 1Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Báo Jakarta Post số ra mới đây có đăng bài viết với tựa đề: "ASEAN-Ấn Độ: Cơ hội hợp tác mới trong nền kinh tế xanh."

Theo bài viết, kinh tế xanh là một vấn đề xuyên biên giới, cần được giải quyết chung ở cấp khu vực và tiểu vùng để quản lý tốt hơn các nguồn tài nguyên đại dương và đảm bảo lợi ích cho tất cả người dân trong khu vực.

Để thực hiện định hướng này, các nước ASEAN và Ấn Độ sẽ hướng tới chuyển đổi nền kinh tế đại dương truyền thống sang nền kinh tế xanh bền vững, đổi mới và bao trùm, trong đó vai trò của các đại dương được đa dạng hóa từ vai trò cổ điển như một phương tiện vận tải sang trở thành nguồn tài nguyên kinh tế.

Vai trò của tài nguyên biển

Sự giàu có về kinh tế của các đại dương được thể hiện thông qua sự đa dạng đáng kinh ngạc của các nguồn sống (cá và thảm thực vật biển cung cấp protein cho con người, thức ăn cho các loài khác), công nghệ sinh học biển (bao gồm dược phẩm biển, phụ gia thực phẩm, mỹ phẩm biển và nhiên liệu sinh học), hàng hóa vật chất (khoáng sản, cát sỏi sa khoáng), hàng hóa và dịch vụ (vận tải biển, vận tải thủy nội địa, cảng, đóng tàu và sửa chữa tàu biển, công nghệ thông tin và truyền thông hàng hải, đánh bắt cá, du lịch, sản xuất và thương mại dịch vụ hàng hải khác), năng lượng không tái sinh (hydrocarbon, hydrua…) và năng lượng tái tạo (gió, sóng, thủy triều, nhiệt, chuyển đổi nhiệt năng lượng biển và sinh khối).

Ngoài ra, đại dương cũng là "chất xúc tác" cho sự phát triển của một số ngành công nghiệp, cả trên đất liền và trên biển. Trong đó, giá trị của các tài sản đại dương quan trọng được ước tính đạt ít nhất 24.000 tỷ USD.

Biển trong lành là rất quan trọng đối với cuộc sống và sinh kế. Do đó, việc khai thác kinh tế không kiểm soát tại các đại dương trong nhiều thế kỷ qua cần được kiểm soát.

Người ta ngày càng nhận ra rằng sự giàu có về tài nguyên của các đại dương không phải là vô tận và tất cả các hoạt động khai thác kinh tế cần phải tuân theo một mô hình phát triển bền vững.

[Ấn Độ khẳng định ASEAN là cốt lõi của chính sách Hành động hướng Đông]

Năm 2015, cộng đồng toàn cầu đã công bố cam kết thực hiện 17 Mục tiêu Phát triển Bền vững 2030, trong đó Mục tiêu 14 (SDG-14) liên quan đến phát triển bền vững tài nguyên đại dương: "Cuộc sống dưới nước - Bảo tồn và sử dụng bền vững đại dương, biển và các nguồn tài nguyên biển cho bền vững phát triển."

Trong bối cảnh đó, việc hoàn thành các mục tiêu của SDG-14 sẽ là nền tảng của nền kinh tế xanh mặc dù vẫn còn một số nhiệm vụ chưa được giải quyết để hoàn thành các mục tiêu chính của chiến lược kinh tế xanh toàn diện khu vực.

Vai trò của các dự án biển trong khu vực ASEAN-Ấn Độ

Giai đoạn sau đại dịch COVID-19, hợp tác khu vực sẽ đóng vai trò xúc tác to lớn trong việc xây dựng một khuôn khổ kinh tế xanh tích hợp nhằm thúc đẩy nghiên cứu và phát triển đại dương, cùng các biện pháp chống chịu với khí hậu.

Trong đó, bảo vệ tài nguyên biển của mỗi quốc gia là một trong những nhu cầu cấp thiết đối với việc thúc đẩy du lịch bền vững, trong khi việc lập bản đồ toàn diện khu vực về các dự án biển trong khu vực ASEAN-Ấn Độ sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai hiệu quả du lịch biển và ven biển bền vững.

Tại Hội nghị thượng đỉnh kỷ niệm ASEAN-Ấn Độ vào ngày 25/1/2018, lãnh đạo các nước ASEAN và Ấn Độ đã vạch ra tầm nhìn cho tương lai quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN-Ấn Độ, trong đó coi hợp tác ASEAN-Ấn Độ trong lĩnh vực hàng hải là một trong những trọng điểm.

Ấn Độ xác nhận "nền kinh tế xanh" như một trụ cột mới và trung tâm của hoạt động kinh tế đất nước. Khái niệm này bao gồm cả các khu vực ven biển và vùng nội địa được liên kết. "Nền kinh tế xanh" là một khía cạnh quan trọng của quan hệ đối tác chiến lược ASEAN-Ấn Độ.

Khái niệm về nền kinh tế xanh đương đại nêu bật an ninh và an toàn hàng hải, kết nối hàng hải và nhận thức về lĩnh vực hàng hải, cũng như việc khai thác bền vững các nguồn tài nguyên đại dương. Mục tiêu là thúc đẩy tăng trưởng thông minh, bền vững và bao trùm, nhằm tối đa hóa cơ hội việc làm trong khu vực ASEAN-Ấn Độ, tập trung cụ thể vào các hoạt động kinh tế hàng hải.

Về vấn đề này, các "doanh nghiệp vừa và nhỏ xanh" công nghệ cao có thể tạo ra một số lượng lớn việc làm trong khu vực. Để tăng cường quan hệ đối tác ASEAN-Ấn Độ trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, ASEAN và Ấn Độ sẽ tham gia tìm phương thức và phương tiện để tăng cường an toàn hàng hải ở cấp độ hoạt động và giúp hiện thực hóa tầm nhìn của Sáng kiến Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và Triển vọng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Dự báo rằng sự phát triển của nền kinh tế xanh ở cấp độ toàn khu vực sẽ được tăng cường hơn nữa với sự ra đời của Khuôn khổ Kinh tế Xanh ASEAN-Ấn Độ (AIBEF). Việc thành lập AIBEF bắt nguồn từ Tuyên bố Delhi năm 2018, được thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo diễn ra vào ngày 25/1/2018 tại Delhi.

Ấn Độ là một nguồn hợp tác tuyệt vời để phát triển các nền kinh tế xanh trong nước và khu vực. Ấn Độ có các công nghệ tiên tiến để tăng cường năng lực khám phá các nguồn tài nguyên xanh như sa khoáng và khoáng sản biển, hydrocarbon biển sâu và siêu bền (như dầu, khí tự nhiên và khí hydrat), năng lượng tái tạo (như gió, sóng, dòng chảy, nhiệt năng), khử mặn nước ngọt và điều tra sinh học biển, trong số những hoạt động khác.

Với sự phụ thuộc chung vào các đại dương và biển, và sự hiểu biết chung về tầm quan trọng của việc khai thác bền vững các nguồn tài nguyên đại dương, ASEAN và Ấn Độ là những đối tác lý tưởng trong việc thúc đẩy chương trình nghị sự của nền kinh tế xanh.

Để tiếp tục tầm nhìn này của các nhà lãnh đạo ASEAN và Ấn Độ, đồng thời ghi nhận sự xuất hiện của nền kinh tế xanh như một chủ đề trọng tâm sắc nét và bền vững trong diễn đàn quốc tế về các vấn đề hàng hải, Bộ Ngoại giao Ấn Độ (MEA) hợp tác với Trung tâm ASEAN-Ấn Độ (AIC), Nghiên cứu và Hệ thống thông tin cho các nước đang phát triển (RIS) và Quỹ Hàng hải Quốc gia (NMF) có kế hoạch tổ chức Hội thảo ASEAN-Ấn Độ lần thứ tư về nền kinh tế xanh vào tháng 5 hoặc tháng 6/2021 tại Ấn Độ.

Trước đó, MEA đã tiến hành 3 hội thảo về nền kinh tế xanh ASEAN-Ấn Độ vào năm 2017 tại Việt Nam, năm 2018 tại New Delhi và năm 2019 tại Bangkok. Do đại dịch COVID-19, hội thảo thứ tư đã bị hoãn lại đến năm 2021.

Trong hội thảo thứ ba, các đại biểu khuyến nghị thiết kế một kế hoạch hành động để thực hiện Tầm nhìn Kinh tế Xanh. Các nước ASEAN và Ấn Độ có thể xem xét mở rộng hỗ trợ kỹ thuật và tài chính để thực hiện kế hoạch hành động.

Hội thảo cũng khuyến nghị ASEAN và Ấn Độ tiếp tục hợp tác trong việc chống lại các mảnh vỡ trên biển, đặc biệt là từ các hoạt động trên đất liền và tăng cường các hành động hợp tác để thúc đẩy công nghệ và quản lý lành mạnh về môi trường./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục