Bế tắc chính trị ở Thụy Điển có đẩy EU vào “một đêm đen tối nữa”?

Thụy Điển đã lâm vào tình trạng Quốc hội "treo" sau khi cuộc tổng tuyển cử ngày 9/9 vừa qua cho thấy sự ủng hộ đối với các đảng Dân chủ theo chủ nghĩa dân tộc ở Thụy Điển đã tăng.
Bế tắc chính trị ở Thụy Điển có đẩy EU vào “một đêm đen tối nữa”? ảnh 1Thủ tướng Thụy Điển Stefan Lofven (phải, phía trước) cùng phu nhân bỏ phiếu tại điểm bầu cử ở Stockholm ngày 9/9 vừa qua. (Ảnh: THX/TTXVN)

Reuters và AFP đưa tin, Thụy Điển đã lâm vào tình trạng Quốc hội "treo" sau khi cuộc tổng tuyển cử ngày 9/9 vừa qua cho thấy sự ủng hộ đối với các đảng Dân chủ theo chủ nghĩa dân tộc ở Thụy Điển đã tăng khi một trong những quốc gia tự do nhất của châu Âu này ngả sang phe cánh hữu do lo ngại vấn đề người nhập cư.

Theo thống kê của gần như toàn bộ các khu vực bỏ phiếu, liên minh gồm đảng Dân chủ Xã hội trung tả cầm quyền, đảng Xanh và Đảng Cánh tả đã giành được 40,6% số phiếu bầu.

Riêng đảng Dân chủ Xã hội của Thủ tướng Stefan Lofven, với 28,3% phiếu ủng hộ, vẫn chiếm đa số trong cuộc tổng tuyển cử, song giảm so với mức 31% đạt được trong cuộc tổng tuyển cử năm 2014. Trong khi đó, Liên minh trung hữu đối lập giành được 40,3%.

Đáng lưu ý là đảng Dân chủ Thụy Điển, với chủ trương ủng hộ người gốc da trắng, bài nhập cư và muốn đưa Thụy Điển theo gót Anh rời Liên minh châu Âu (EU), đã giành được 17,6%, tăng từ mức 12,9% trong cuộc tổng tuyển cử gần đây nhất cách đây 4 năm.

Liên minh cánh tả gồm 3 đảng của Thủ tướng Lofven và Liên minh trung hữu đối lập gồm 4 đảng đều giành được 143 ghế trong tổng số 349 ghế ở Quốc hội, song cả hai đều không đạt được đủ đa số cần thiết là 175 ghế để thành lập được chính phủ mới.

Trong bối cảnh không chắc chắn có huy động đủ tỷ lệ ủng hộ ở Quốc hội để thành lập một chính phủ hay không, Thủ tướng Lofven, người đứng đầu một trong những chính phủ cánh tả còn sót lại ở châu Âu, đã mời đảng đối lập Liên minh trung hữu tham gia đàm phán về hợp tác thành lập chính phủ.

Ông Lofven thừa nhận kết quả bầu cử này tạo ra "sự khai tử của nền chính trị phe cánh" ở Thụy Điển.

Trong khi đó, đảng Dân chủ Thụy Điển cực hữu có chủ trương chống nhập cư đã tuyên bố sẽ thực hiện "tầm ảnh hưởng thực sự" trong đời sống chính trị.

[Đảng Dân chủ Xã hội cầm quyền của Thủ tướng Thụy Điển đang dẫn đầu]

Reuters dẫn lời thủ lĩnh đảng Dân chủ Thụy Điển là Jimmie Akesson tuyên bố: "Chúng tôi sẽ giành được tầm ảnh hưởng to lớn đối với những gì sẽ xảy ra ở Thụy Điển trong những tuần tới, tháng tới và năm tới."

Đảng này cũng đã thề sẽ đánh bại bất kỳ thành phần nội các nào không trao cho họ tiếng nói về việc hoạch định chính sách quốc gia, đặc biệt là về vấn đề nhập cư.

Ông Akesson hy vọng đảng của mình có thể đóng một vai trò quyết định trong các cuộc đàmp phán thành lập chính phủ. Ông này cũng đã kêu gọi Ulf Kristersson, ứng cử viên cho chức Thủ tướng của Liên minh trung hữu, về lựa chọn giữa ủng hộ của đảng Dân chủ Thụy Điển để tiến tới thành lập một chính phủ liên minh hay chấp nhận Thủ tướng Stefan Lofven thuộc đảng Dân chủ Xã hội tiếp tục nắm quyền thêm 4 năm nữa.

Ứng viên Kristersson bác lời "mời gọi" của ông Akesson dù kêu gọi Thủ tướng Lofven từ chức.

Về phần mình, Thủ tướng Lofven tuyên bố không từ chức đồng thời kêu gọi sự hợp tác của các đảng. Quá trình thỏa hiệp để tiến tới thành lập một chính phủ mới có thể kéo dài nhiều tuần, AFP nhận định.

Theo Reuters, trên khắp châu Âu trong những năm gần đây, các đảng cựu hữu đã đạt được tỷ lệ ủng hộ ấn tượng giữa lúc lo ngại ngày càng gia tăng về bản sắc dân tộc và tác động của quá trình toàn cầu hóa và vấn đề nhập cư sau các cuộc xung đột vũ trang ở Trung Đông và Bắc Phi.

Ở Thụy Điển, năm 2015 đã chứng kiến làn sóng người tị nạn lên đến 163.000 người - con số cao nhất ở châu Âu khi xét trong mối tương quan về quy mô dân số 10 triệu người của nước này. Thực tế này đã làm phân cực giới cử tri và gây rạn nứt sự đồng thuận chính trị vốn có lâu nay.

Reuters bình luận cuộc tổng tuyển cử này sẽ làm gia tăng quan ngại ở Brussels trong bối cảnh EU bước vào một dạng thức chiến dịch vận động trước thềm cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vào tháng năm vừa qua; trong đó, các nhóm theo đường lối hoài nghi châu Âu sẽ có dịp "mạnh mồm" hơn và những nỗ lực nhằm hội nhập EU hơn nữa có khả năng bị cản trở.

Bế tắc chính trị ở Thụy Điển có đẩy EU vào “một đêm đen tối nữa”? ảnh 2Trong ảnh: Cử tri bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử tại một điểm bầu cử ở Stockholm, Thụy Điển ngày 9/9 vừa qua. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong khi đó, vấn đề nhập cư đã làm giới cử tri Thụy Điển ngày càng lo ngại về hệ thống phúc lợi xã hội mà nhiều người cho là đang ở tình trạng khủng hoảng.

Niềm tin của cử tri vào một "mô hình Thụy Điển" vốn dựa trên cam kết về việc thực thi chính sách an sinh xã hội toàn diện đã trở nên lung lay khi nước này gặp khó trong xử lý hàng loạt vấn đề liên quan nhập cư, ví dụ thiếu đội ngũ bác sỹ và giáo viên, hoặc cảnh sát không kịp trở tay trước tình trạng bạo lực băng nhóm xảy ra giữa lòng thành phố.

Đó là lý do mà ông Akesson đã "dán nhãn" cuộc tổng tuyền cử vừa qua là sự lựa chọn giữa vấn đề nhập cư và phúc lợi xã hội trong quá trình vận động tranh cử của mình.

Còn Thủ tướng Lofven kêu gọi cử tri "tẩy chay" đảng Dân chủ Thụy Điển vốn có tư tưởng phân biệt chủng tộc.

AFP dẫn lời Marine Le Pen, thủ lĩnh đảng National Rally từng biết đến là đảng Mặt trận Dân tộc, theo cánh cực hữu của Pháp, đã lên tiếng ca ngợi sự lớn mạnh của đảng Dân chủ Thụy Điển đồng thời dọa châu Âu trên Twitter về "một đêm đen tối nữa" đang bủa vây EU và rằng cuộc cách mạng dân chủ ở châu Âu đang tiến về phía trước.

Thủ tướng Lofven có thể sẽ tiếp tục nắm giữ quyền lực nếu Liên minh trung hữu không chấp nhận sự hậu thuẫn của đảng Dân chủ Thụy Điển với cái giá cho phép những người theo chủ nghĩa dân túy có tiếng nói lớn hơn về chính sách nhập cư.

Tuy nhiên, ông Lofven sẽ cần vượt qua sự đấu đá chính trị gay gắt kéo dài hàng chục năm qua giữa hai phe phái chính trị là cánh tả của ông và liên minh trung hữu nói trên.

Ông Lofven cũng cần giành được sự ủng hộ của các đảng phái thuộc phe trung hữu, điều mà họ đã gạt bỏ từ trước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục