Bulgaria tiếp tục lún sâu vào cuộc khủng hoảng chính trị

Nhiều khả năng Tổng thống Bulgaria Rumen Radev sẽ phải giải tán quốc hội, chỉ định chính phủ tạm quyền và triệu tập tổ chức bầu cử trong vòng 2 tháng.
Bulgaria tiếp tục lún sâu vào cuộc khủng hoảng chính trị ảnh 1Tòa nhà Quốc hội Bulgaria tại thủ đô Sofia. (Ảnh: AFP/ TTXVN)

Bulgaria đối mặt với nguy cơ phải tổ chức một cuộc bầu cử trước thời hạn thứ 4 trong vòng 18 tháng sau khi nỗ lực mới nhất nhằm thành lập một chính phủ tại nước này không mang lại kết quả.

Diễn biến này đẩy nước thành viên nghèo nhất Liên minh châu Âu (EU) lún sâu vào cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài suốt thời gian qua.

Sau nhiều lần nỗ lực, hai đảng lớn nhất tại Bulgaria là đảng PP của Thủ tướng mãn nhiệm Kiril Petkov và đảng bảo thủ GERB của cựu Thủ tướng Boyko Borisov đều không thể có được thế đa số tại quốc hội 240 ghế của nước này để đứng ra thành lập chính phủ.

[Thủ tướng Bulgaria Kiril Petkov đệ đơn từ chức của chính phủ]

Tổng thống Bulgaria Rumen Radev ngày 1/7 đã trao nhiệm vụ thành lập liên minh cầm quyền cho ông Asen Vassile để tránh rơi vào cảnh phải tổ chức tổng tuyển cử một lần nữa.

Tuy nhiên, ngày 27/7, Quốc hội Bulgaria đã từ chối bỏ phiếu về đề xuất chương trình làm việc 6 tháng cho chính phủ liên minh mới.

Động thái này nhiều khả năng dẫn tới Tổng thống Radev sẽ phải giải tán quốc hội, chỉ định chính phủ tạm quyền và triệu tập tổ chức bầu cử trong vòng 2 tháng. 

Các nhà phân tích dự báo kết quả bầu cử sẽ vẫn dẫn tới một quốc hội treo mà ở đó không đảng nào giành được thế đa số và các nỗ lực thành lập chính phủ mới sau đó cũng sẽ không dễ dàng hơn lần này.

Các kết quả khảo sát gần đây cũng chỉ ra cuộc bầu cử mới sẽ vẫn dẫn tới một quốc hội chia lẻ cho 7 đảng, trong đó GERB dẫn đầu với 21,5-23,6% số phiếu và PP về nhì với khoảng 20,2-21,5% số phiếu.

Bất ổn chính trị tiếp diễn có thể sẽ càng khiến cuộc khủng hoảng kinh tế tại Bulgaria thêm trầm trọng trong bối cảnh lạm phát đã lên tới mức cao nhất trong 24 năm và nội các sắp mãn nhiệm đang chật vật tìm kiếm nguồn cung khí đốt thay thế sau khi Nga ngừng cung khí đốt cho nước này.

Việc thiếu một cơ quan lập pháp hoạt động hiệu quả cũng cản trở Bulgaria tiếp cận gói cứu trợ trị giá 5,7 tỷ euro từ EU cũng như kế hoạch của nước này tham gia Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) vào năm 2024./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục