Canada và Liên minh châu Âu (EU) ngày 26/9 đã hoàn tất đàm phán về Hiệp định Thương mại và Kinh tế Toàn diện (CETA), một thỏa thuận thương mại hứa hẹn mang lại nhiều cơ hội và lợi ích cho các bên tham gia.
Các chi tiết trong văn bản CETA dài 1.600 trang đã được công bố rộng rãi.
Thủ tướng Canada Stephen Harper đã hoan nghênh thỏa thuận này, đồng thời đánh giá CETA là thỏa thuận thương mại lớn nhất từ trước đến nay của Ottawa, hứa hẹn tạo ra hàng chục nghìn việc làm mới, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Canada tiếp cận thị trường tiêu thụ mới đầy tiềm năng với khoảng nửa tỷ người tiêu dùng.
Tuy vậy, một số thành viên EU vẫn còn tồn tại quan ngại đối với thỏa thuận thương mại lớn nhất trong lịch sử giữa EU và Canada.
Đức đã nhiều lần hối thúc xóa bỏ một nội dung gây tranh cãi liên cho phép các nhà đầu tư tư nhân kiện chính phủ nếu họ cảm thấy luật pháp địa phương ảnh hưởng tới hoạt động đầu tư.
Trong khi đó, Romania và Bulgaria không hài lòng với việc công dân hai nước này bị yêu cầu phải có thị thực khi sang Canada.
Tại cuộc họp báo chung ở thủ đô Ottawa với sự tham dự của Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Herman Van Rompuy và Thủ tướng Canada Stephen Harper, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso khẳng định tất cả các quốc gia thành viên EU đều ủng hộ CETA.
Ủy viên Thương mại EU Karel De Gucht cảnh báo mọi thay đổi và đàm phán lại vào thời điểm hiện tại về nội dung CETA có thể "giết chết" thỏa thuận này.
Về phần mình, Chính phủ Canada cam kết sẽ xóa bỏ yêu cầu thị thực đối với công dân Bulgaria và Romania trong thời gian "sớm nhất có thể."
CETA sẽ giúp dỡ bỏ tới 98% biểu thuế áp với các sản phẩm và dịch vụ, thúc đẩy sự luân chuyển các nguồn nhân lực giữa các nền kinh tế thành viên, cũng như nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Giới chuyên gia kinh tế tính toán việc ký CETA với EU có thể giúp Canada tăng thu nhập thêm 12 tỷ USD/năm và cho phép kim ngạch thương mại hai chiều tăng thêm 20% và tạo ra 80.000 việc làm mới.
Việc ký CETA cũng được coi là bàn đạp giúp EU sớm kết thúc Hiệp định Đối tác thương mại xuyên Đại Tây Dương (TTIP) với Mỹ.
Theo kế hoạch, sau khi được dịch ra 23 thứ tiếng và được các luật sư xem xét kỹ lưỡng, CETA giữa EU và Canada sẽ được ký kết vào năm sau và có hiệu lực từ năm 2016./.