Căng thẳng Mỹ-Iran có châm ngòi cho Chiến tranh Thế giới III?

Điều mà giới quan sát khu vực quan tâm vào lúc này là những kịch bản tiếp theo có thể xảy ra trong cuộc đối đầu dai dẳng Tehran-Washington trong thời gian tới.
Căng thẳng Mỹ-Iran có châm ngòi cho Chiến tranh Thế giới III? ảnh 1Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Tổng thống Iran Hassan Rouhani. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Cuộc đối đầu giữa Tehran và Washington đang leo thang nghiêm trọng, với căng thẳng lên đến đỉnh điểm mới khi ngày 8/1, Iran phóng các tên lửa đạn đạo nhằm vào 2 cơ sở quân sự Mỹ tại Iraq là cơ sở tại thành phố Erbil ở miền Bắc Iraq và căn cứ không quân Ain al Asad ở miền Tây nước này.

Theo truyền thông Iran, Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) tuyên bố cuộc tấn công nhằm vào căn cứ tại Iraq là một phần chiến dịch trả đũa của Iran nhằm đáp trả vụ Mỹ sát hại thiếu tướng Qasem Soleimani - chỉ huy đơn vị tinh nhuệ Quds của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) ngày 2/1.

Điều mà giới quan sát khu vực quan tâm vào lúc này là những kịch bản tiếp theo có thể xảy ra trong cuộc đối đầu dai dẳng Tehran-Washington trong thời gian tới.

Nhìn lại các dấu mốc nổi bật trong quan hệ Mỹ-Iran

Mỹ rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân: Trong khi cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama từng làm mọi cách để cải thiện mối quan hệ giữa Washington và Tehran thì Tổng thống đương nhiệm Donald Trump lại quyết định rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, còn được gọi là Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện (JCPOA) ngày 8/5/2018.

Thỏa thuận này, được ký một cách khó khăn cách đây 3 năm giữa Iran, Nga, Trung Quốc, Pháp, Đức và Anh, nhằm mục đích hạn chế chương trình hạt nhân của Tehran để đổi lấy việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế.

Theo đánh giá của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Iran theo quan điểm ôn hòa Hassan Rouhani, thỏa thuận này đã được Tehran tôn trọng.

Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế nhằm vào Iran: Bất chấp các báo cáo thường xuyên và tích cực từ IAEA, ông Trump đã khôi phục các lệnh trừng phạt kinh tế nặng nề đối với Iran.

Sau thời gian chuyển tiếp 90 ngày kể từ khi Mỹ rút khỏi JCPOA, giai đoạn trừng phạt kinh tế đầu tiên - bắt đầu từ tháng 8/2018 - đã nhắm vào các lĩnh vực ngân hàng, nguyên liệu thô, ô tô và hàng không dân dụng.

Vào tháng 11/2018, các biện pháp trừng phạt tiếp tục mở rộng sang lĩnh vực dầu khí và ngân hàng trung ương. Giá trị của đồng rial Iran đã giảm 3, thậm chí là 4 lần, trong vòng vài tháng. Sự trợ giúp của châu Âu nhằm duy trì thỏa thuận không thể bù đắp cho sự suy sụp kinh tế của nước Công hòa Hồi giáo này.

Iran vi phạm JCPOA: Bị dồn vào chân tường, Tehran tuyên bố không tiếp tục tôn trọng thỏa thuận hạt nhân. Iran dần bắt đầu không tuân thủ các quy định. Một tháng sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận, lần đầu tiên Tehran tuyên bố về kế hoạch tăng số lượng máy ly tâm, vốn cho phép nước này gia tăng lượng urani đã làm giàu.

[Vụ sát hại tướng Soleimani: Tổng thống Iran cảnh báo Mỹ phải trả giá]

Tháng 7/2019, Chính quyền Iran tuyên bố sẽ tiếp tục làm giàu urani vượt quá tỷ lệ cho phép là 3,67%, để đạt tới 4,5%, tuy nhiên, mức độ này còn rất xa mới đủ để sản xuất một quả bom nguyên tử.

Sau đó, Tehran công nhận rằng trữ lượng urani làm giàu thấp của họ vượt hơn 300 kg cho phép. Theo các chuyên gia phân tích, những vi phạm nhỏ này, nhưng lặp đi lặp lại nhiều lần, không nhằm mục đích nối lại chương trình hạt nhân quân sự, mà là một "tiếng kêu cứu đối với các đối tác" của Iran.

Dầu mỏ - trung tâm của cuộc chiến kinh tế: Để tồn tại về mặt kinh tế, Iran cũng tiến hành phá vỡ sự phong tỏa mà Washington áp đặt đối với ngành xuất khẩu dầu mỏ, cho dù các lệnh trừng phạt tiếp tục được thắt chặt vào tháng 5/2019 theo lệnh của Tổng thống Trump.

Các công ty vận chuyển dầu của Iran đăng ký biển kiểm soát tàu của họ ở nước ngoài và kể từ tháng 10/2018, các tàu chở dầu bị cắt các tín hiệu định vị GPS để che giấu các hoạt động. Sau đó, các sự cố tàu chở dầu liên tục xảy ra.

Tháng 6/2019, hai tàu của Na Uy và Nhật Bản là mục tiêu của một cuộc tấn công chưa được xác định, mà Mỹ đổ lỗi cho Iran. Đầu tháng 7/2019, nhà chức trách Anh đã bắt giữ tàu chở dầu Grace 1 của Iran ngoài khơi Gibraltar, với cáo buộc cung cấp hàng cho Syria đang bị cấm vận. Đáp lại, IGRC đã bắt giữ một tàu chở dầu của Thụy Điển, sau đó chiếm giữ một tàu treo cờ của Anh.

Cuộc chiến máy bay không người lái: Mùa Hè năm 2019, tình hình trở nên căng thẳng trên biển cũng như trên không. Ngày 20/6, Tehran đã bắn hạ một máy bay không người lái của Mỹ mà họ tuyên bố là vi phạm không phận nước Iran.

Để đáp trả, Tổng thống Mỹ đã ra lệnh bắn tên lửa vào các mục tiêu trên đất Iran, tuy nhiên, cuộc tấn công này đã được hoãn lại chỉ 10 phút trước giờ đã định.

Một tháng sau, Mỹ cho biết đã bắn hạ một máy bay không người lái Iran đến quá gần một con tàu của Mỹ ở eo biển Hormuz, trong khi Tehran tuyên bố rằng tất cả các máy bay không người lái của họ đã quay trở lại.

Căng thẳng gia tăng hơn nữa vào giữa tháng Chín sau vụ tấn công vào 2 cơ sở khai thác dầu mỏ của Saudi Arabia. Sản lượng của Aramco - công ty dầu quốc gia Saudi Arabia - đã bị giảm một nửa. Washington nhanh chóng lên tiếng cáo buộc Tehran, vài ngày sau đó, Paris, Berlin và London cũng chỉ trích Tehran kịch liệt.

Các cuộc không kích: Sau vụ tấn công trên, các hành vi bạo lực trong khu vực liên tục gia tăng. Tháng 11/2019, Israel ném bom nhiều cơ sở của Iran ở Syria. Sau đó, vào cuối tháng 12/2019, Mỹ phát động các cuộc không kích, giết chết 25 người thuộc phong trào Hezbollah thân Iran ở Iraq và Syria.

Hai ngày sau, hàng nghìn người ủng hộ Hachd Al-Chaabi - một liên minh của dân quân theo dòng Shi’ite thân Iran - tấn công Đại sứ quán Mỹ tại Iraq.

Đến ngày 2/1/2020, việc Tổng thống Trump ra lệnh tấn công tiêu diệt Thiếu tướng Qassem Soleimani của Iran càng làm tăng thêm lo ngại rằng sự leo thang này sẽ biến thành một cuộc đối đầu quân sự trực tiếp giữa hai quốc gia.

Ngày 8/1/2020, Iran đã phóng hơn 10 tên lửa đạn đạo nhằm vào quân đội Mỹ và các lực lượng liên quân tại Iraq đồng thời cảnh báo sẽ có thêm các cuộc tấn công tên lửa nhằm vào Mỹ và yêu cầu Mỹ rút quân khỏi Iraq để tránh có thêm thương vong.

Tuy nhiên, hãng tin Fox News cho biết Mỹ không có kế hoạch sơ tán các binh sỹ tại Iraq sau các vụ tấn công bằng tên lửacủa Iran. Phóng viên của Fox News dẫn một số nguồn tin cho biết, hiện Mỹ đang trong tư thế phòng thủ và sẽ sớm đưa ra biện pháp đáp trả mạnh mẽ.

Điều này làm dấy lên lo ngại cuộc chiến tranh Thế giới thứ III mà ngòi nổ là sự căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Iran.

Căng thẳng Mỹ-Iran có châm ngòi cho Chiến tranh Thế giới III? ảnh 2Rocket được phóng từ Iran xuống căn cứ quân sự Mỹ ở Ein-al Asad, Iraq. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Các kịch bản đối đầu hậu Soleimani

Theo bài bình luận trên mạng tin Arab News, trước khi vụ sát hại tướng Iran diễn ra, các hành động bạo lực "ăn miếng trả miếng" đã leo thang liên tục ngay trên lãnh thổ Iraq.

Lực lượng bán quân sự Iraq do Iran hậu thuẫn đã tấn công bằng tên lửa nhằm vào một căn cứ quân sự của Washington khiến một nhà thầu người Mỹ thiệt mạng. Mỹ đáp trả bằng các đợt không kích nhằm vào nhóm bán quân sự Kataib Hezbollah thân Iran, tiêu diệt ít nhất 25 thành viên của lực lượng này.

Tổng thống Mỹ Donald Trump lên tiếng cảnh báo "Iran sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm cho những thiệt hại về người và cơ sở vật chất của Mỹ."

Đáp lại, lãnh tụ tối cao Iran - Đại giáo chủ Ali Khamenei - nói: "Mỹ sẽ không thể làm gì được." Vụ tấn công bằng máy bay không người lái nhằm vào người đàn ông quyền lực thứ hai Iran và là cánh tay đắc lực của Khamenei đã cho thấy Tổng thống Trump quyết đoán như thế nào.

Câu hỏi cấp bách nhất hiện nay liên quan đến những kịch bản tương lai có thể xảy ra trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa Iran và Mỹ.

Kịch bản tồi tệ nhất là Iran tiếp tục thực hiện các cuộc tấn công quân sự bằng việc sử dụng kho vũ khí tên lửa đạn đạo của họ chống lại các lợi ích của Mỹ, Israel hoặc Saudi Arabia trong khu vực - một động thái có nguy cơ gây ra xung đột toàn diện.

Naysan Rafati, nhà phân tích cấp cao về Iran của ICG, nói: "Kịch bản tồi tệ nhất sẽ giống như một khoảnh khắc năm 1914," mường tượng về các cuộc đụng độ giữa một bên là Mỹ và các đồng minh, và bên còn lại là Iran và các lực lượng ủy nhiệm ở Syria, Syria hoặc Iraq.

Tuy nhiên, ông Rafati cho biết các nhà phân tích tin rằng bất kỳ hành động nào mà Tehran thực hiện sẽ không gây nguy hiểm cho sự sống còn của Mỹ.

Ngoài việc tấn công bằng quân sự, các nhà quan sát nhận định Iran có thể thực hiện một cuộc tấn công mạng để đáp trả Mỹ. Các nhà phân tích tin rằng Tehran đã tăng cường khả năng tấn công cơ sở hạ tầng không gian mạng quan trọng của phương Tây và thậm chí đã xây dựng cái được gọi là "đội quân mạng," cam kết trung thành với Cộng hòa Hồi giáo Iran.

Loic Guezo, người đứng đầu tập đoàn an ninh thông tin Pháp Clusif, cho biết, tất cả các cuộc tấn công mạng của Iran đều tìm cách hủy hoại các mục tiêu công nghiệp như đập hoặc nhà máy điện.

Ông nói với AFP: "Điều đáng sợ ở đây là tác động của điều này đến xã hội như mất điện, ngộ độc, rò rỉ khí gas, gây nổ, hỗn loạn giao thông và bệnh viện quá tải."

Giá dầu ngay lập tức đã tăng hơn 4% vì những lo ngại rằng việc Mỹ giết hại ông Soleimani có thể dẫn đến một sự gián đoạn nguồn cung dầu từ Trung Đông.

Nỗi sợ lớn hơn cả là việc Iran có thể chặn đứng việc vận chuyển dầu ở Eo biển Hormuz - một trong những điểm trung chuyển tấp nập nhất thế giới.

Những kẻ thù phương Tây của Iran đã báo buộc Iran đứng sau một cuộc tấn công nhằm vào các cơ sở lọc dầu của Saudi Arabia, và Iran trong những tháng gần đây cũng liên tục bắt giữ các tàu chở dầu đang hoạt động ở vùng Vịnh. Jean Charles Brisard, người đứng đầu Trung tâm nghiên cứu khủng bố ở Pháp, nói: "Iran đã cho thấy họ có thể tấn công và chặn tàu, nhưng còn việc phong tỏa nguồn cung dầu thì sao?"

Có thể thấy, sự đáp trả tiếp theo của Tehran phần lớn sẽ phụ thuộc vào những đánh giá về cuộc khủng hoảng, các lựa chọn sẵn có và năng lực của Iran trong bối cảnh nước Cộng hòa Hồi giáo cũng đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng chính trị và kinh tế nội địa. 

Từ việc huy động các đồng minh ở Trung Đông đến việc chặn đứng tuyến đường thủy chiến lược hoặc thậm chí là tiến hành một cuộc tấn công mạng vượt biên giới, Iran không thiếu các lựa chọn để trả đũa Mỹ vì đã tiêu diệt viên tướng hàng đầu của Iran.

Xung đột Mỹ và Iran sẽ leo thang đến đâu?

Khi nói về thế đối đầu hiện nay giữa Mỹ và Iran, người ta có thể cho rằng đó là một điều nực cười bởi xét về bất kỳ khía cạnh nào, Iran đều quá nhỏ bé so với Mỹ. Dân số Iran chỉ bằng 1/4 dân số Mỹ, nền kinh tế của Iran chỉ tương đương 2% nền kinh tế Mỹ. Kho vũ khí lỗi thời của họ cũng chẳng phải là đối thủ của lực lượng quân sự mạnh nhất thế giới hiện nay.

Thế nhưng, như phát biểu của Hillary Mann Leverett - cựu quan chức cấp cao của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ - trên kênh Al Jazeera hồi tuần trước, Mỹ đang phải đối mặt với đối thủ lớn nhất kể từ sau Chiến tranh Thế giới II, đó là Iran. Bà đã bỏ qua cả một Liên Xô sở hữu hạt nhân thời Chiến tranh Lạnh và mối đe dọa Trung Quốc hiện nay. Thế nhưng, nếu tìm hiểu kỹ hơn có thể thấy bà Hillary Mann có lý khi nhận định như vậy.

Iran có một quân đội, một chương trình hạt nhân lớn, có vị trí địa chính trị mang tính then chốt ở Trung Đông, tiếp giáp với Eo biển Hormuz - một trong những điểm có tầm quan trọng bậc nhất trên thế giới - và có tài nguyên dồi dào.

Iran là thế lực Hồi giáo dòng Shi’ite thống trị trên thế giới. Kể từ khi lên cầm quyền trong cuộc cách mạng năm 1979, chế độ thần quyền của Iran đã trụ vững trước hàng loạt cuộc chiến tranh, nổi dậy và những lệnh trừng phạt kinh tế hà khắc. Iran sẽ không đầu hàng nhanh như Iraq của Saddam Hussein hay Libya của Muammar Gaddafi.

Mỹ có sẵn sàng dấn thân vào một cuộc chiến tranh mới? Nhìn lại lịch sử, chúng ta có thể thấy di sản chất đầy của chủ nghĩa phiêu lưu quân sự Mỹ thời hậu Chiến tranh Thế giới II: thất bại nặng nề và rút khỏi Việt Nam; thi thể của các binh lính Mỹ trải đầy trên các đường phố ở Mogadishu; sự đình trệ trong cuộc chiến dai dẳng nhất của Mỹ ở Afghanistan; một Lybia chia rẽ với một chính phủ chao đảo trước sự tấn công dữ dội của thủ lĩnh quân phiệt Khalifa Hafta.

Lần lượt từng quân cờ đô-mi-nô đã đổ xuống ở Trung Đông kể từ cuộc chiến tranh Iraq: mùa Xuân Arập; các nhà độc tài bị sụp đổ, cuộc chiến ở Syria, sự trỗi dậy của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS), hàng triệu người mất nhà cửa, con số thương vong không đếm xuể, và một "cơn lũ" người tị nạn…

Thế kỷ XXI chưa trải qua đủ một năm thì đã phải chứng kiến Osama bin Laden thực hiện một vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 nhằm vào Mỹ. Một thập kỷ mới đã bắt đầu bằng vụ Mỹ tiêu diệt Qasem Soleimani và Iran đang đe dọa sẽ “trả thù khắc nghiệt”. Thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah đã đe dọa sẽ phát động một cuộc chiến tử vì đạo nhằm vào các mục tiêu Mỹ. Quốc hội Iraq đã bỏ phiếu quyết định trục xuất các lực lượng của Mỹ ra khỏi mảnh đất của họ. Và từ khóa #WorldWarThree (nghĩa là Chiến tranh Thế giới III) trên Twitter đang ngày càng trở nên phổ biến hơn.

Vậy một cuộc Chiến tranh Thế giới III sẽ như thế nào? Một cái nhìn toàn cảnh thế giới có thể cho chúng ta thấy những gì chúng ta có thể trải qua. Đó là chúng ta còn chưa kể đến cuộc chiến trên không gian mạng, nơi các nước đánh cắp các bí mật quân sự của nhau và can thiệp vào các cuộc bầu cử của nhau. Nếu chỉ xung đột với một mình Iran thì thế kỷ của sự thống trị của Mỹ sẽ chưa chấm dứt, Mỹ vẫn là nền kinh tế lớn nhất thế giới và cho đến nay vẫn sở hữu một quân đội mạnh nhất thế giới. Thế nhưng, chúng ta vẫn chưa bước vào thế giới thời hậu Mỹ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục