Chứng khoán châu Á biến động trái chiều trong phiên giao dịch 3/6

Số liệu việc làm được công bố ngày 4/6 của Mỹ sẽ là tín hiệu mới nhất từ nền kinh tế lớn nhất thế giới, trong đó có nhiều dự đoán rằng số việc làm sẽ tăng mạnh khi các công ty hoạt động trở lại.
Chứng khoán châu Á biến động trái chiều trong phiên giao dịch 3/6 ảnh 1Các thị trường chứng khoán châu Á biến động trái chiều trong phiên giao dịch 3/6. (Nguồn: wsj.com)

Các thị trường chứng khoán châu Á biến động trái chiều trong phiên giao dịch 3/6, giữa lúc thị trường đang tập trung sự chú ý vào số liệu việc làm sắp được công bố của Mỹ để tìm kiếm manh mối cho thời điểm mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể cân nhắc lại chính sách tiền tệ siêu nới lỏng của mình.

Khép lại phiên này, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 111,97 điểm, hay 0,39%, lên 29.058,11 điểm, khi tiến trình tiêm vaccine ngừa COVID-19 nhanh đã làm gia tăng kỳ vọng về sự phục hồi của nền kinh tế.

Chứng khoán Australia cũng tăng lên các mức cao kỷ lục khi giới đầu tư hoan nghênh số liệu tăng trưởng kinh tế cao hơn dự đoán được công bố ngày 2/6.

[Chứng khoán châu Á diễn biến trái chiều trong khi đồng USD ở mức yếu]

Sắc xanh cũng được ghi nhận tại nhiều thị trường khác trong khu vực như Seoul, Singapore, Mumbai, Jakarta và Đài Bắc.

Trong khi đó, tâm lý thận trọng trước khi số liệu việc làm của Mỹ được công bố đã chi phối thị trường chứng khoán Hong Kong và Thượng Hải (Trung Quốc).

Chỉ số Hang Seng giảm 331,59 điểm, hay 1,13% xuống còn 28.966,03 điểm, trong khi chỉ số Shanghai Composite để mất 12,93 điểm, hay 0,36% và đóng phiên ở mức 3.584,21 điểm,

Số liệu việc làm được công bố ngày 4/6 của Mỹ sẽ là tín hiệu mới nhất từ nền kinh tế lớn nhất thế giới, trong đó có nhiều dự đoán rằng số việc làm sẽ tăng mạnh khi các công ty hoạt động trở lại và người dân quay lại cuộc sống bình thường.

Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát cho rằng sự phục hồi của thị trường việc làm sẽ không dễ dàng như dự đoán, khi nhiều người lựa chọn không quay trở lại làm việc do một loạt các yếu tố như lo ngại về dịch bệnh và các khoản trợ cấp trước đó từ chính phủ.

Bên cạnh đó, nhu cầu lao động cao đẩy tiền lương tăng lên cũng đang gây thêm áp lực lạm phát. Điều này sẽ là một vấn đề đối với Fed, khi ngân hàng này cam kết duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng nhưng vẫn phải đảm bảo lạm phát nằm trong tầm kiểm soát.

Tại Việt Nam, khép lại phiên này, chỉ số VN-Index tăng 23,50 điểm, hay 1,75%, lên 1.364,28 điểm, trong khi chỉ số HNX-Index ghi thêm 7,90 điểm, hay 2,45% và khép phiên ở mức 329,95 điểm./

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục