Cuộc bầu cử Tổng thống hé lộ một nước Pháp chia rẽ

Nước Pháp bị chia rẽ bởi sự phân chia lãnh thổ sâu sắc giữa các trung tâm đô thị và các khu du lịch nổi tiếng, và những nơi nghèo khó bao gồm các thị trấn nhỏ, vùng nông thôn và vùng ngoại ô nghèo.
Cuộc bầu cử Tổng thống hé lộ một nước Pháp chia rẽ ảnh 1(Nguồn: AFP)

Khi hãng sản xuất trò chơi điện tử Ubisoft tìm kiếm địa điểm cho một studio mới, Giám đốc điều hành Julien Mayeux đã chọn Bordeaux, thành phố nhộn nhịp miền Tây Nam nước Pháp, vì ông biết tại đây sẽ dễ dàng tuyển dụng nhân viên.

Là đô thị lớn thứ năm của Pháp, nơi có thời tiết tốt, giá nhà rẻ hơn Paris và công nghệ phát triển mạnh, Bordeaux là lựa chọn số 1 của Mayeux, người đang điều hành một văn phòng với khoảng 400 kỹ sư và nhà thiết kế trò chơi tại khu vực cảng hiện đại gần Bordeaux.

Chỉ cách Bordeaux hơn một giờ ôtô hoặc tàu hỏa, Sainte-Foy-la-Grande hoàn toàn trái ngược. Thị trấn nhỏ cổ kính bên sông Dordogne từng thịnh vượng nhờ sản xuất rượu vang, hiện là một trong những xã nghèo nhất của Pháp.

Các khu ổ chuột với giá thuê phòng rẻ mạt cho những người lao động nhập cư và những người nhận phúc lợi không có khả năng thuê trọ tại bất kỳ nơi nào khác. Gần một nửa trong tổng số 2.600 người dân sống trong cảnh nghèo đói và tỷ lệ thất nghiệp cao gấp khoảng năm lần mức trung bình của cả nước.

Theo tờ Financial Times, hai thái cực trong cùng tỉnh Gironde là minh họa cho nước Pháp hiện tại khi cử tri lựa chọn vị tổng thống tiếp theo. Đất nước bị chia rẽ bởi sự phân chia lãnh thổ sâu sắc giữa những nơi dân cư làm ăn tốt, dẫn đầu là các trung tâm đô thị và các khu du lịch nổi tiếng, và những nơi nghèo khó bao gồm các thị trấn nhỏ, vùng nông thôn và vùng ngoại ô nghèo.

Ứng viên cực hữu Marine Le Pen đã giành chiến thắng trước các cử tri thuộc tầng lớp lao động nông thôn tại nơi mà bà gọi là "nước Pháp bị lãng quên" trong nỗ lực nhằm đánh bại Tổng thống đương nhiệm Emmanuel Macron.

Tập trung chủ yếu vào vấn đề giá cả sinh hoạt, chiến dịch vận động của bà nhắm vào các khu vực bên ngoài các thành phố lớn với các cuộc mít tinh nhỏ và các chuyến thăm tới các chợ địa phương, vẽ nên hình ảnh Tổng thống Macron thuộc giới tinh hoa không có mối liên hệ với những người đang phải vật lộn hàng ngày để mưu sinh.

Mặc dù sự bất bình đẳng giữa các tỉnh thường được coi là nguyên nhân dẫn đến sự giàu có và tập trung quyền lực ở Paris, các kịch bản tương tự đang tái hiện trên khắp đất nước. Các thành phố hạng trung như Bordeaux, Lyon, Toulouse và Nantes đã có hơn một thập kỷ tăng trưởng kinh tế và nhân khẩu học.

[Ông Emmanuel Macron tái đắc cử Tổng thống Pháp nhiệm kỳ 2]

Có nhiều nguyên nhân, đầu tiên, giống như nhiều nền kinh tế lớn phương Tây, lực lượng kinh tế được giải phóng bởi toàn cầu hóa đã xóa bỏ cơ sở công nghiệp và nông nghiệp của Pháp và thay thế chúng bằng nền kinh tế dựa vào dịch vụ và du lịch, vốn ưa chuộng các thành phố và người lao động có trình độ học vấn cao.

Jérôme Fourquet, nhà phân tích chính trị và tác giả của cuốn sách gây ảnh hưởng Quần đảo Pháp (The French Archipelago), cho biết tỉnh Gironde là biểu tượng của kiểu tổ chức lãnh thổ mới. Theo ông Fourquet, việc  sống gần các thành phố hoặc các địa danh du lịch hấp dẫn là yếu tố tác động lớn tới quan điểm của cử tri và tình trạng kinh tế của họ, vì vậy ảnh hưởng tới cách họ bỏ phiếu.

Năm 2017, những người sống gần các thành phố hoặc được kết nối với các thành phố bằng đường sắt, đã bỏ phiếu áp đảo cho ông Macron so với bà Le Pen. Ông Fourquet cho rằng ngày nay việc bỏ phiếu không còn là lựa chọn giữa các đảng truyền thống cánh tả và cánh hữu mà địa lý đã trở thành ranh giới của nước Pháp mới.

Đây chính là sự chia rẽ mà bà Le Pen đang tìm cách khai thác. Khi đến Gironde vào cuối tháng Ba, bà đã không dừng lại ở Bordeaux trước khi đến thị trấn nhỏ Saint-Martin-Lacaussade để tổ chức một cuộc mít tinh. Đó là một quyết định có tính toán.

Những người thân cận với chiến dịch tranh cử của bà Le Pen cho biết chiến lược của bà là kích hoạt lại cuộc bỏ phiếu dựa trên giai cấp thông qua việc chống lại "nhóm tinh hoa" ủng hộ ông Macron bằng "nhóm bình dân" của bà.

Việc tập trung vào khu vực nông thôn cũng phù hợp với lập trường chống di cư của bà bởi hầu hết những người nước ngoài tại Pháp sống tập trung ở Paris và các thành phố khác. Kêu gọi "phi đô thị hóa", bà Le Pen cho biết sẽ chấm dứt các chính sách khiến các vùng nông thôn "bị các thành phố bóc lột," nhấn mạnh "đây là công lý tôi sẽ trả lại cho các bạn tại những vùng bị lãng quên của nước Pháp."

Thông điệp này đã được ông Jean-Luc Broussat, một nông dân nghỉ hưu đã lái xe hai giờ từ nhà thuộc phía Nam Bordeaux để nghe bà Le Pen thuyết trình, hưởng ứng. Ông cho biết: "Ở khu vực chúng tôi sống, không có bác sỹ, và vợ tôi phải lái xe một giờ để điều trị bệnh tim. Kiếm được thu nhập tốt từ nghề nông cũng ngày càng khó hơn. Nếu thắng cử, (bà) Marine sẽ làm điều gì đó cho chúng tôi."

"Lưỡi liềm nghèo đói"

Sự giàu có của tỉnh Gironde tập trung ở Bordeaux và các cộng đồng mà thành phố này hỗ trợ, cũng như khu vực dọc theo bờ  Đại Tây Dương như Cap Ferret và Arcachon, nơi những người giàu có và về hưu sở hữu những ngôi nhà bên bờ biển.

Ngược lại, nằm trong khu vực  mà các quan chức gọi là "lưỡi liềm nghèo đói", chạy theo đường vòng cung từ vùng sản xuất rượu vang Médoc ở phía Bắc qua Sainte-Foy-La Grande đến rìa Đông Nam của tỉnh này, bao gồm các thị trấn nổi tiếng với các thương hiệu rượu đắt tiền nhất của Pháp như Saint-Estèphe và Saint-Julien. Tuy nhiên, các thị trấn này giống như những chiếc thùng rỗng.

Người dân ở các khu vực nông thôn và thị trấn nhỏ này ngày càng cảm thấy bị bỏ rơi khi thương mại địa phương bị thu hẹp và các dịch vụ công như bệnh viện, tòa án và các ga tàu địa phương đóng cửa. Điều này khiến số lượng phiếu bầu cho phía cực hữu và cực tả, cũng như tỷ lệ phiếu trắng gia tăng.

Cùng với bà Le Pen, đối thủ cực hữu của bà là Éric Zemmour và nhà chống tư bản chủ nghĩa cánh tả Jean-Luc Mélenchon đã giành được 50%-70% phiếu bầu tại khu vực "lưỡi liềm nghèo đói". Phe cực hữu thực sự nhận được sự ủng hộ ở những khu vực nghèo này so với cuộc bầu cử năm 2017.

Trong khi đó, tại các khu vực giàu có hơn của Gironde, tỷ lệ phiếu bầu trái ngược. Ở Bordeaux, 33% cử tri ủng hộ ông Macron trong vòng đầu tiên; 29% ủng hộ ông Mélenchon. Tỷ lệ này là 8% đối với bà Le Pen và ông Zemmour, 7%. Khu vực dọc bờ biển Arcachon, con số này là 40% cho ông Macron; 28% cho bà Le Pen và ông Zemmour cộng lại, và chỉ 9% cho ông Mélenchon.

Địa lý không phải là yếu tố duy nhất dẫn đến các kết quả trên. Mức độ lạc quan của cử tri cũng ảnh hưởng đến lựa chọn của họ. 43% những người rất hài lòng với cuộc sống của họ chọn ông Macron, trong khi 46% rất không hài lòng với cuộc sống chọn bà Le Pen. Khoảng 37% những người phần nào không hài lòng với cuộc sống ủng hộ ông Mélenchon.

Bordeaux thịnh vượng

Nền kinh tế phát triển, được thúc đẩy bởi ngành công nghiệp hàng không dân dụng và quân sự đã có mặt ở đây từ lâu, và tăng trưởng du lịch đã biến Bordeaux thành một trung tâm văn hóa và cửa ngõ vào đất nước của rượu vang. Số việc làm ở Bordeaux tăng 15% trong giai đoạn 2008-2018, mức tăng trưởng cao thứ ba trong số các thành phố của Pháp với dân số hơn 100.000 người.

Tuy nhiên, tăng trưởng phát sinh những vấn đề mới. Khi giá nhà trở nên đắt đỏ hơn, người có thu nhập thấp và sinh viên buộc phải di chuyển ra các khu vực mở rộng xa hơn của thành phố. Tình trạng tắc đường ngày càng trầm trọng. Tỷ lệ tội phạm cũng gia tăng, điều mà các quan chức dân cử địa phương thuộc Đảng tập hợp quốc gia của Le Pen không bao giờ bỏ lỡ cơ hội chỉ ra và đổ lỗi cho người di cư.

Theo các quan chức địa phương, sự phát triển bùng nổ của Bordeaux đã thúc đẩy phong trào biểu tình "Áo vàng" (Gilets Jaunes) vào cuối năm 2018, đặc biệt ở khu vực "lưỡi liềm nghèo đói."

Phong trào Gilets Jaunes bắt đầu từ việc tăng thuế nhiên liệu, sau đó nhanh chóng lan rộng thành một cuộc phản đối lớn về những khó khăn tầng lớp lao động phải đối mặt dưới thời Tổng thống Macron. 

Phong trào là cách để người dân thể hiện sự tức giận đối với chi phí nhà ở và giao thông ngày càng tăng, thuế phí quá cao và chính phủ quá cồng kềnh, cũng như quan điểm, đặc biệt  ở nhóm người cao tuổi, rằng họ đã làm việc cả đời chỉ để nhận đồng lương hưu quá ít ỏi.

Trong nỗ lực dập tắt sự tức giận này, ông Macron đã tổ chức cuộc thảo luận quốc gia (Grand Débat National), theo đó trong hai tháng liền, các phiên họp lấy ý kiến công chúng về thuế và chi tiêu công cũng như cách thức để chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp được tổ chức trên khắp đất nước.

Tổng thống Macron mô tả chương trình này như một hình thức dân chủ mới và đã dự hàng chục cuộc họp kéo dài hàng giờ để tranh luận với người dân. Sau đó, người dân đã đưa ra ý kiến của mình tại hơn 16.000 bản kiến nghị  từ mỗi thị trấn.

Dominique Colombo, một giáo viên nghỉ hưu ở Sainte-Foy-La-Grande, đã tham gia một phiên tranh luận như vậy, song ông rất thất vọng ""Họ lắng nghe nhưng sau đó không có gì xảy ra. Không có phản ứng chính trị nào đối với phong trào Gilets Jaunes."

Phản ứng của bà Le Pen đối với các cuộc biểu tình đổ thêm dầu vào lửa, cho rằng chính phủ của ông Macron đã phớt lờ vùng nông thôn để xây dựng các tuyến đường sắt cao tốc đến Paris, giảm thuế và trợ cấp để thu hút giới kinh doanh.

Trên thực tế, Pháp vẫn phân phối lại một phần đáng kể của cải cho các khu vực nghèo thông qua hỗ trợ thu nhập, các công trình công cộng và các chương trình xã hội, nhiều hơn so với ở Mỹ hoặc Anh. Ví dụ, Sainte-Foy-La-Grande được hưởng lợi từ một nhà ga xe lửa nối với Bordeaux, một mạng cáp quang băng thông rộng do nhà nước tài trợ, và nhận được hỗ trợ từ chương trình 3 tỷ euro (3,23 tỷ USD) do chính phủ của Macron khởi xướng nhằm giúp các thị trấn nhỏ.

Các quan chức được bầu ở Gironde, nhiều người trong số đó theo chủ nghĩa xã hội, nói rằng họ đang cố gắng giải quyết sự mất cân đối trong tỉnh nhằm ngăn ngừa nguy cơ gia tăng của một cuộc bỏ phiếu cực đoan. Thị trưởng Sainte-Foy-La-Grande, Christelle Guionie, dự định sửa sang trường tiểu học mới và cố gắng thu hút người mua nhà bằng việc giảm thuế. 

Chủ tịch tỉnh Gironde, Jean Luc Gleyze, cũng đang dành kinh phí để cải thiện các tuyến đường sắt ngoại ô và địa phương trong khu vực. Tuy nhiên, những nỗ lực này dường như chẳng có ý nghĩa gì đối với nhiều người trong thị trấn và cả tình Gironde, nơi mà ông Gleyze cho biết sự không hài lòng của phong trào Gilets Jaunes vẫn rất mạnh mẽ, và "điều này có thể được thấy tại nơi bỏ phiếu hoặc trên đường phố."

Ở Gironde cũng như những nơi khác, những kiến nghị phản ánh mong muốn, ước mơ và khiếu nại của người Pháp, thường được gửi đích danh Tổng thống Macron, đã được lập danh mục và lưu trữ trong hồ sơ của tỉnh. Một kiến nghị viết tay của một cư dân ở một thị trấn nghèo gần Sainte-Foy, cảnh báo: "Đã đến lúc ngài tổng thống phải thay đổi cách làm của mình trước khi quá muộn"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục