Ngày 22/11, Tòa án quốc tế xét xử tội phạm chiến tranh tại Nam Tư cũ (ICTY) đã ra phán quyết cuối cùng, tuyên án tù chung thân đối với tướng Ratko Mladic, cựu Tư lệnh quân đội Serbia tại Bosnia - Herzegovina do phạm tội ác diệt chủng và chống loài người trong cuộc chiến tranh kéo dài từ năm 1992-1995.
Tướng Mladic bị cáo buộc ra lệnh thảm sát 8.000 đàn ông và bé trai Hồi giáo tại thị trấn Srebrenica (phụ nữ và bé gái được tách riêng, chuyển tới các khu vực người Hồi giáo), ngoài ra Mladic còn bị cáo buộc phạm tội ác chống loài người khi vây hãm thị trấn Sarajevo, khiến 11.000 dân thường thiệt mạng do bị trúng pháo và đạn trong suốt 43 tháng. Phán quyết của ICTY cho biết Mladic phạm 10 trong tổng số 11 tội danh mà ông bị cáo buộc với mức án chung là tù chung thân.
Tại phiên tòa, bị cáo vẫn một mực cho rằng không phạm bất cứ tội danh nào trong số các cáo buộc, thậm chí tuyên bố sẽ kháng cáo. Phiên tòa đã phải dừng lại 45 phút và các nhân viên buộc phải đưa bị cáo ra ngoài sau khi ông la hét phản đối. Mặc dù luật sư biện hộ cho tướng Mladic nói rằng theo các tổ chức y tế của Anh và Mỹ, nếu phiên tòa vẫn tiếp tục diễn ra, bị cáo có thể tử vong do bị cao huyết áp. Tuy nhiên, thẩm phán chủ tọa phiên tòa không đồng tình và từ chối hoãn phiên tòa.
Tướng Mladic, 74 tuổi bị ICTY cáo buộc phạm các tội ác diệt chủng chống loài người, bị bắt tại Serbia ngày 26/11/2011 sau 16 năm lẩn trốn và ngay lập tức bị chuyển sang La Hay (Hà Lan) để giao nộp cho ICTY. Tòa này từng mời hơn 400 nhân chứng để xác nhận những cáo buộc đối với tướng Mladic. Tuy nhiên, nhiều năm qua, Mladic vẫn bác bỏ mọi cáo buộc của ICTY. Ngoài tướng Mladic, ICTY còn cáo buộc 160 quan chức khác của Nam Tư cũ phạm tội ác chiến tranh, trong đó đa số vụ án đã được xét xử xong thời gian qua.
Cùng ngày, Liên minh châu Âu (EU) kêu gọi các nước Balkan hãy vì những nạn nhân trong cuộc chiến Bosnia mà hợp tác theo hướng hòa giải. Mặc dù không đưa ra bình luận chi tiết về phán quyết của ICTY, song EU cho rằng châu Âu đã vượt qua được những ngày đen tối và bi kịch nhất trong lịch sử. EU tin tưởng rằng tất cả các nước trong khu vực đều quyết tâm và cam kết cùng nhau hòa giải, hợp tác khu vực vì các mối quan hệ láng giềng tốt đẹp./.