Cyprus có thể bị trì hoãn các khoản cứu trợ quốc tế

Cyprus có nguy cơ bị trì hoãn các khoản cứu trợ quốc tế do không thông qua được dự luật bán các doanh nghiệp nhà nước theo yêu cầu của các chủ nợ quốc tế.

Ngày 27/2, Quốc hội Cyprus đã không thông qua được dự luật bán các doanh nghiệp nhà nước theo yêu cầu của các chủ nợ quốc tế, điều này khiến Cyprus có nguy cơ bị trì hoãn các khoản cứu trợ quốc tế.

Việc thông qua dự luật này là điều kiện bắt buộc đối với Cyprus trước khi nhóm Bộ trưởng Tài chính Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), còn gọi là Eurogroup, đồng ý giải ngân 150 triệu euro vào ngày 10/3 tới theo Cơ chế hỗ trợ của châu Âu (ESM) và sau đó khoản giải ngân hơn 86 triệu euro từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho quốc đảo này.

Trước cuộc bỏ phiếu, người phát ngôn Chính phủ Cyprus, Christos Stylianides đã cảnh báo rằng nếu dự luật không được thông qua, Cyprus có nguy cơ sẽ "bỏ lỡ" phần giải ngân tiếp theo trong gói cứu trợ quốc tế và mất khả năng trả lương và các khoản trợ cấp cho người lao động nước này.

Tuy nhiên, các đảng đối lập đã phản đối dự luật, trong khi đảng cầm quyền cánh hữu DISY không có được sự ủng hộ từ đối tác liên minh trước đây là đảng Dân chủ trung hữu DIKO vì năm nghị sỹ của đảng Diko đã bỏ phiếu trắng.

Truyền thông nhà nước Cyprus nhận định trong trường hợp này, Quốc hội có thể tiến hành bỏ phiếu lại trong vài ngày tới hoặc Tổng thống Nicos Anastasiades có thể phải đàm phán lại thỏa thuận tư nhân hóa với "bộ ba" chủ nợ quốc tế, gồm Ủy ban châu Âu (EC), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và IMF.

Để phản đối dự luật trên, hàng trăm người biểu tình đã bao vây bên ngoài tòa nhà Quốc hội, dựng các rào chắn và hô các khẩu hiệu yêu cầu quốc hội rút lại kế hoạch cải cách.

Khoảng 200 cảnh sát chống bạo động đã được huy động để kiểm soát tình hình.

Trước đó, hôm 21/2, hàng trăm công nhân ngành điện lực cũng đã bao vây tòa nhà quốc hội và đụng độ với cảnh sát.

Tư nhân hóa các doanh nghiệp có vốn nhà nước là một trong những điều kiện bắt buộc mà Cộng hòa Cyprus cam kết thực hiện để đổi lấy gói cứu trợ trị giá 10 tỷ euro (13,68 tỷ USD) từ "bộ ba" chủ nợ.

Theo đánh giá của các định chế cho vay quốc tế, chương trình cổ phần hóa sẽ phải đem lại cho đất nước 1,4 tỷ euro trong giai đoạn 2016-2018./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục