Cyprus mở thêm tuyến đường tại khu vực chia cắt quốc đảo

Lần đầu tiên trong 8 năm trở lại đây, lãnh đạo hai cộng đồng tại Cyprus đã nhất trí mở thêm các tuyến đường qua lại mới tại khu vực chia cắt trên quốc đảo này.
Cyprus mở thêm tuyến đường tại khu vực chia cắt quốc đảo ảnh 1

Lần đầu tiên trong 8 năm trở lại đây, lãnh đạo hai cộng đồng tại Cyprus đã nhất trí mở thêm các tuyến đường qua lại mới tại khu vực chia cắt trên quốc đảo này.

Động thái được kỳ vọng sẽ giúp cải thiện bầu không khí bế tắc trong quá trình hòa đàm hiện nay.

Tuyên bố ngày 26/10 của Liên hợp quốc cho biết Tổng thống Cyprus Nicos Anastasiades đã gặp lãnh đạo cộng đồng người Cyprus gốc Thổ Nhĩ Kỳ ở miền Bắc Mustafa Akinci tại khu vực được Liên hợp quốc bảo vệ ở thủ đô Nicosia nhằm tìm cách nối lại hòa đàm.

Đây là cuộc gặp đầu tiên giữa lãnh đạo hai cộng đồng người Cyprus kể từ khi các vòng đàm phán do Liên hợp quốc bảo trợ tại Thụy Sĩ đổ vỡ hồi tháng 7/2017.

Theo thỏa thuận hai bên vừa đạt được, hai tuyến đường Lefka/Aplici (phía Tây Bắc) và Dherynia/Derinya (phía Đông) qua lại khu vực chia cắt đảo Cyprus và hiện do Liên hợp quốc giám sát sẽ được mở cửa từ 12/11.

[Videographics] Tìm hiểu tình trạng chia cắt của Cộng hòa Cyprus

Việc mở cửa hai tuyến đường nói trên nhằm hiện thực hóa thỏa thuận mà hai bên đã đạt được hồi năm 2015, trong đó nhất trí mở thêm các điểm qua lại tại khu vực chia cắt nói trên.

Ngoài ra, quyết định này còn được xem là một yếu tố cần thiết để xây dựng lòng tin giữa hai cộng đồng đồng người Cyprus gốc Thổ Nhĩ Kỳ và gốc Hy Lạp.

Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 7 tuyến đường qua lại chính thức tại khu vực chia cắt giữa phần khu vực phía Bắc hiện do người Cyprus gốc Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát và khu vực miền Nam do người Cyprus gốc Hy Lạp nắm giữ.

Các tuyến đường qua lại được mở gần đây nhất tại khu vực này là vào năm 2010.

Cũng tại cuộc gặp nói trên, thủ lĩnh hai bên đã trao đổi quan điểm về đường hướng trong tương lai, đồng thời khẳng định sẵn sàng phối hợp với đặc phái viên của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Jane Holl Lute, người có kế hoạch tới Cyprus ngày 31/10 tới, để thúc đẩy tiến trình hòa đàm tại đây.

Đảo Cyprus bị chia cắt sau cuộc đảo chính của những người Cyprus gốc Hy Lạp vào năm 1974 dẫn đến việc Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân chiếm nửa phía Bắc của hòn đảo này và hậu thuẫn thành lập "Cộng hòa miền Bắc đảo Cyprus." 

Tuy nhiên, đến nay cộng đồng quốc tế chỉ cộng nhận Cộng hòa Cyprus do người gốc Hy Lạp quản lý ở miền Nam.

Sự chia cắt của hòn đảo từng là thuộc địa của Anh là nguyên nhân chủ yếu gây căng thẳng giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ từ nhiều thập kỷ qua, và từng đẩy hai quốc gia láng giềng bên bờ Địa Trung Hải này vào bờ vực chiến tranh.

Đến nay, hàng nghìn binh sỹ Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đồn trú ở phía Bắc của hòn đảo và Nicosia vẫn là thủ đô duy nhất trên thế giới vẫn còn bị chia cắt./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục