Hải Dương: Rươi cho thu nhập cao hơn 2-3 lần so với trồng lúa

Đặc sản rươi trở thành nguồn thu nhập chính của người dân Tứ Kỳ

Con rươi trở thành thu nhập chính của người dân ở Tứ Kỳ, Hải Dương, ước tính thu nhập một vụ rươi cao hơn từ 2-3 lần so với trồng lúa.

Cùng với bánh gai Ninh Giang, bánh đậu xanh, vải Thanh Hà, một trong những đặc sản nổi tiếng khác của Hải Dương là rươi ở thôn An Định, An Lão, xã An Thanh, huyện Tứ Kỳ.

Mùa rươi hàng năm bắt đầu từ tháng 9 đến tháng 11 âm lịch. Những ngày này người dân trong thôn rất phất khởi để chuẩn bị cho mùa thu hoạch đặc sản nổi tiếng này.

Dẫn chúng tôi ra ngoài đê của thôn An Định, ông Phạm Văn Đỗ, Bí thư chi bộ thôn phấn khởi cho biết, những ngày này là đầu vụ rươi. Mới đầu vụ nhưng nhiều hộ đã thu được nhiều rươi, có những hộ một ngày thu được gần 1 tạ, giá bán từ 450.000-500.000 đồng/kg, là nguồn thu nhập chính của người dân nơi đây.

Các gia đình đánh bắt rươi chủ yếu bằng phương pháp truyền thống truyền. Trung bình mỗi ruộng thu hoạch rươi có diện tích từ vài sào đến vài mẫu.

Vào thăm nhà chị Phạm Thị Hòa, thôn An Định, chị cho biết, gia đình có 3 mẫu ruộng thu hoạch rươi. Con rươi chỉ nổi lên vào ngày 20 tháng 9 âm lịch, mùng 5 tháng 10 và mùng 5 tháng 11. Khi thủy triều lên từ sông Thái Bình chảy ngập vào các ruộng ở ngoài bãi, khi nước rút con rươi từ dưới đất chui lên, nổi theo nước chảy ra ngoài. Tại ruộng các gia đình đều xây dựng để một đường nước thoát ra ngoài để hớt rươi hiệu quả nhất.

Theo chị Hòa, ngày xưa rươi nhiều, hớt một lúc có thể đầy thuyền, nhưng hiện nay rươi giảm nhiều, ruộng rươi nhà nào nhiều cũng chỉ được trên dưới một tạ.

Trong khi đó, anh Phạm Văn Thắng có hàng chục mẫu ruộng thu hoạch rươi cho rằng, để thu hoạch được nhiều rươi gia đình phải chăm sóc thửa ruộng này trong một năm. Theo đó, ruộng phải luôn sạch sẽ, chỉ được cấy một vụ trong năm. Sau mỗi vụ thu hoạch người dân phải cày cho đất tơi xốp để trồng lúa, lúa được trồng và thu hoạch vào tháng 5 năm sau.

Lúa trồng không được sử dụng hóa chất vì sử dụng hóa chất các ấu trùng rươi trong đất sẽ chết và thửa ruộng năm đó sẽ không có rươi. Sau khi thu hoạch lúa người dân phải rải rơm rạ trên ruộng và cày cho tơi xốp, xung quanh ruộng phải đào thành rãnh thoát nước để cho ruộng khô ráo. Nhà nào làm không đúng quy trình đến cuối năm sẽ thu được ít rươi.

Anh Phạm Đức Đồng, thôn An Đinh cho biết, kỹ thuật làm mặt bằng ruộng cũng đòi hỏi yêu cầu theo đúng quy trình như các cụ xưa truyền lại. Mặt bằng ruộng không được quá cao hay quá thấp, mặt ruộng phải có độ cao sao cho con nước thủy triều thứ 2 phải vào được ruộng. Vào thời điểm chính vụ, nước trong ruộng phải có độ sâu từ mặt ruộng lên khoảng 80 phân thì ruộng mới cho rươi nhiều.

Ông Nguyễn Văn Thiệp, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã An Thanh, huyện Tứ Kỳ chia sẻ, từ nhiều năm nay con rươi đã trở thành nguồn thu nhập chính của người dân ở 2 thôn này. Ước tính thu nhập một vụ rươi cao hơn từ 2-3 lần so với trồng lúa.

Hiện toàn xã có khoảng 150 ha đất ngoài bãi sông ở thôn An Định và An Lão, để khai thác có hiệu quả xã đã tổ chức dồn điền đổi thửa cho 2 thôn này. Sau khi dồn điền đổi thửa, số thửa lớn nhất trên 22.000 m2, thửa nhỏ cũng gần 1.500 m2, các gia đình đã tự xây dựng mương máng để thuận tiện cho việc thu hoạch rươi.

Theo ông Thiệp, để con rươi có thương hiệu, một mặt hàng có giá trị cao rất cần được sự đầu tư của nhà nước quy hoạch thành vùng. Đồng thời cần có sự vào cuộc của các nhà khoa học trong nghiên cứu đặc điểm, tập tính và chu kỳ phát triển của con rươi, từ đó đưa ra các biện pháp chăm sóc, nuôi trồng và chế biến rươi tốt hơn. Có như vậy, thu hoạch rươi ở Tứ Kỳ mới trở thành một nghề cho thu nhập bền vững của người dân nơi đây./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục