Đại sứ Trung Quốc tại EU lạc quan về quan hệ song phương

Ngay sau chuyến thăm cấp nhà nước thành công của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mới đây tới Italy, Monaco và Pháp, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường sẽ tới châu Âu từ ngày 8-12/4.
Quầy hàng bán đồ điện tử do Trung Quốc sản xuất tại thủ đô Bắc Kinh. (Ảnh: AFP/TTXVN.)
Quầy hàng bán đồ điện tử do Trung Quốc sản xuất tại thủ đô Bắc Kinh. (Ảnh: AFP/TTXVN.)

Ngay sau chuyến thăm cấp nhà nước thành công của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mới đây tới Italy, Monaco và Pháp, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường sẽ tới châu Âu từ ngày 8-12/4.

Trước chuyến công du của Thủ tướng Trung Quốc tới Brussels (Bỉ) tham dự cuộc họp thượng đỉnh với các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) lần thứ 21, thăm chính thức Croatia và tham dự cuộc họp lần thứ 8 giữa Trung Quốc với các nước Trung và Đông Âu (CEEC), Đại sứ Trung Quốc tại EU Trương Minh khẳng định một "mùa Xuân ấm áp" cho sự phát triển của quan hệ Trung Quốc-EU đang đến.

Đại sứ Trương Minh đánh giá chuyến thăm sắp tới của Thủ tướng Trung Quốc tới Brussels là dấu mốc chứng tỏ mối quan hệ Trung Quốc-EU đang trong "thời khắc nổi bật," điều này sẽ tạo cơ hội cho hai bên xem xét kết quả hợp tác trong 5 năm qua và lên kế hoạch hợp tác trong giai đoạn tới.

Ông nhấn mạnh nhân dịp này, một lần nữa những tín hiệu tích cực về sự củng cố niềm tin chính trị, thúc đẩy hợp tác hiệu quả và quan điểm ủng hộ chủ nghĩa đa phương được cả Trung Quốc và EU phát đi.

[Trung Quốc đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực với EU]

Trong một bài viết của Thủ tướng Lý Khắc Cường đăng trên tờ Handelsblatt (Thương mại) của Đức số ra ngày 7/4, nhà lãnh đạo Trung Quốc khẳng định nước này muốn tăng cường hợp tác với EU trong nhiều lĩnh vực, từ biến đổi khí hậu đến thương mại.

Thủ tướng Lý Khắc Cường nhấn mạnh Bắc Kinh hoàn toàn ủng hộ tiến trình hội nhập châu Âu với hy vọng về một châu Âu thống nhất và thịnh vượng. Ông cũng bác bỏ các cáo buộc cho rằng Bắc Kinh đang cố chia rẽ EU bằng cách tập trung đầu tư vào các nước Đông Âu.

Ông khẳng định sự hợp tác chặt chẽ của Trung Quốc đối với các nước khu vực Đông Âu là tạo thuận lợi cho sự phát triển cân bằng trong toàn EU.

Thủ tướng Lý Khắc Cường cũng nhấn mạnh Bắc Kinh sẵn sàng đẩy mạnh hợp tác chặt chẽ với châu Âu trong việc duy trì Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, hỗ trợ phát triển bền vững, duy trì thỏa thuận hạt nhân quốc tế với Iran và chống khủng bố.

Bên cạnh đó, ông cũng cho biết Trung Quốc cũng muốn trao đổi quan điểm về cải tổ Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Dự kiến, các nhà lãnh đạo cao nhất của EU và Thủ tướng Lý Khắc Cường sẽ tiến hành những cuộc đối thoại vào ngày 9/4 tới.

Nhiều nhà ngoại giao ở Brussels cho rằng tình hình căng thẳng về thương mại, đầu tư... như hiện nay giữa hai bên có thể khiến Trung Quốc và EU thất bại trong việc đạt được một tuyên bố chung tại Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc-EU.

Hiện EU đang cố gắng thuyết phục Trung Quốc mở cửa thị trường cũng như xóa bỏ những gì mà Brussels coi là rào cản không công bằng đối với thương mại.

Điều này có thể dập tắt những hy vọng về việc hội nghị thượng đỉnh song phương sẽ mang lại một bước đột phá trong quan hệ phức tạp giữa châu Âu với "người khổng lồ" châu Á.

EU đang nỗ lực theo đuổi việc xây dựng "các điểm chung" với Trung Quốc, đối tác thương mại lớn thứ hai của liên minh, song lại vô cùng do dự trước chủ nghĩa bảo hộ, chính sách thương mại của Bắc Kinh.

Một nguồn tin giấu tên cho biết Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk đã đề nghị các nước thành viên bác dự thảo tuyên bố chung với lý do Trung Quốc đã không đáp ứng được những kỳ vọng và yêu cầu quan trọng của EU, trong đó có việc đảm bảo tiếp cận thị trường và một sân chơi công bằng cho các doanh nghiệp EU hoạt động tại Trung Quốc.

Nguồn tin cũng nhận định Trung Quốc đang thiếu cam kết đối với việc cải cách WTO, bao gồm việc trợ cấp các ngành công nghiệp. Đây là một yêu cầu then chốt của EU, vốn luôn cho rằng Trung Quốc trợ cấp không công bằng cho các ngành công nghiệp của nước này.

Một quan chức ngoại giao cấp cao của EU cũng xác nhận nếu Trung Quốc không thay đổi quan điểm đàm phán và hợp tác có ý nghĩa hơn, hai bên sẽ khó đạt được sự đồng thuận về tuyên bố chung tại hội nghị sắp tới.

Trung Quốc hiện là nhà nhập khẩu lớn nhất của EU, đồng thời cũng là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của khối này. Theo thống kế, trung bình cả hai bên giao dịch trên 1 tỷ euro/ngày (khoảng 1,16 tỷ USD)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục