Đắk Nông, Quảng Ninh thực hiện nghiêm giãn cách và tăng phòng dịch

Thành phố Gia Nghĩa (Đắk Nông) bắt đầu áp dụng Chỉ thị 16 để khoanh vùng, phòng, chống dịch; trong khi Quảng Ninh tăng kiểm soát dịch trên tuyến biển, các cảng, bến thủy nội địa.
Đắk Nông, Quảng Ninh thực hiện nghiêm giãn cách và tăng phòng dịch ảnh 1Chốt chặn phòng, chống dịch COVID-19 tại phường Nghĩa Tân (Gia Nghĩa). (Ảnh: Nguyên Dung/TTXVN)

Tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các địa phương đang thực hiện chỉ thị này nhận được sự ủng hộ của người dân.

Đắk Nông: Thành phố Gia Nghĩa bắt đầu áp dụng Chỉ thị 16

Kể từ 12 giờ ngày 23/7, thành phố Gia Nghĩa (tỉnh Đắk Nông) bắt đầu áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ trên phạm vi toàn thành phố để khoanh vùng, phòng, chống dịch COVID-19. Sau một ngày thực hiện giãn cách, phần lớn người dân đã chấp hành nghiêm túc các quy định phòng, chống dịch.

Tại khu vực chợ Gia Nghĩa, nơi tập trung buôn bán của thành phố, ngày 24/7 đã không còn cảnh người dân chen chúc mua hàng tích trữ. Thay vào đó, mọi người thực hiện nghiêm việc mua bán có trật tự, giữ khoảng cách khi tiếp xúc. Đường phố ở các tuyến trung tâm thành phố đều thông thoáng, người dân hạn chế ra đường. Người dân ra đường chỉ khi thật sự cần thiết theo Chỉ thị 16/CT-TTg và đều đeo khẩu trang, thực hiện nghiêm Thông điệp 5K của Bộ Y tế.

Các hoạt động công cộng, cơ sở vui chơi, giải trí… đều bị dừng. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu vẫn hoạt động bình thường, bảo đảm yêu cầu phục vụ người dân. Các dịch vụ ăn uống, giải khát thực hiện giao hàng tận nhà hoặc bán mang về.

Tại khu vực phong tỏa thuộc phường Nghĩa Tân, thành phố Gia Nghĩa (khu vực đã phát hiện ca nhiễm SARS-CoV-2), lực lượng phòng, chống dịch lập các chốt chặn suốt ngày đêm. Tại các trạm kiểm soát, lực lượng phòng, chống dịch thường xuyên kiểm tra, tuyên truyền người dân trên địa bàn thực hiện nghiêm Chỉ thị 16.

Người dân chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu không bị đóng cửa… Những trường hợp không chứng minh được lý do đi ra ngoài thì sẽ được cán bộ kiểm soát nhắc nhở và yêu cầu quay về.

Để hạn chế người dân ra khỏi nhà, Ủy ban Nhân dân thành phố Gia Nghĩa đề ra phương án đảm bảo lưu thông, cung ứng hàng hóa phục vụ nhu cầu. Theo đó, thành phố Gia Nghĩa sẽ tổ chức phát phiếu đi chợ, siêu thị cho người dân trên địa bàn. Mỗi hộ gia đình sẽ được ủy ban nhân dân các phường trực thuộc phát 7 phiếu đi chợ trong 14 ngày (thời gian giãn cách xã hội).

Lực lượng vũ trang kết hợp với Phòng Giáo dục Đào tạo thành phố chuẩn bị ba khu cách ly cho những đối tượng từ các địa phương có dịch COVID-19 diễn biến phức tạp về lại Gia Nghĩa. Nhìn chung, các cơ sở cách ly đảm bảo được những yêu cầu về phòng, chống dịch; ý thức của các đối tượng cách ly đã được nâng cao.

Ông Đỗ Tấn Sương, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Gia Nghĩa, cho biết, việc chuẩn bị sẵn sàng các nhu yếu phẩm cần thiết đã được thành phổ hoàn tất từ trước khi xuất hiện ca mắc COVID-19 trên địa bàn. Ủy ban Nhân dân thành phố đã chỉ đạo các lực lượng tiến hành truy vết, phong tỏa, khử khuẩn các khu vực có liên quan các ca bệnh, hạn chế đến mức thấp nhất các ca nhiễm trong cộng đồng.

Tính đến tối 24/7, tỉnh Đắk Nông đã ghi nhận 33 ca dương tính với virus SARS-COV-2, trong đó, thành phố Gia Nghĩa ghi nhận 12 ca mắc COVID-19.

Hậu Giang: Chỉ còn từ 30-40% số người làm việc tại cơ quan, đơn vị

Tối 24/7, tại buổi họp báo trực tuyến của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Hậu Giang, ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, Trưởng ban Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID -19 tỉnh, yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị tiếp tục giảm tối đa người làm việc tại cơ quan, chỉ còn từ 30% đến 40% số người làm việc tại cơ quan, đơn vị trong thời gian tới.

Giám đốc sở, thủ trưởng các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện, thị xã, thành phố quyết định số lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc tại cơ quan đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ được giao; tăng cường tổ chức họp trực tuyến và hạn chế các cuộc họp không cần thiết; đồng thời, giám sát theo dõi tiến độ công việc, nhiệm vụ được giao và chịu trách nhiệm về việc để cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc quyền quản lý lây nhiễm dịch bệnh do không chấp hành nghiêm quy định phòng, chống dịch tại công sở.

[Phòng chống COVID-19 tại Đà Nẵng, Hải Phòng, Quảng Ninh, Cần Thơ]

Ngày 24/7, tỉnh Hậu Giang cũng có công văn đề nghị Công ty Cổ phần cấp thoát nước - Công trình đô thị Hậu Giang, Công ty Cổ phần Cấp nước và Vệ sinh môi trường nông thôn Hậu Giang tạm thời không đến nhà khách hàng để ghi chỉ số đồng hồ đo nước, không thu tiền nước, phí thu gom rác thải sinh hoạt. Đồng thời, các công ty cần xây dựng phương án, quản lý điều phối để các công nhân thu gom rác, xử lý sự cố cung cấp nước theo nguyên tắc người lao động ở địa bàn nào thì làm việc tại địa bàn đó, hạn chế di chuyển qua lại giữa các địa phương; thông báo cho khách hàng được biết, khuyến khích triển khai không dùng tiền mặt trong thanh toán tiền nước, phí thu gom rác thải sinh hoạt.

Đắk Nông, Quảng Ninh thực hiện nghiêm giãn cách và tăng phòng dịch ảnh 2Các quầy bán hàng hóa không thiết yếu tại chợ truyền thống Vị Thanh, thành phố Vị Thanh đã được đóng cửa nhằm phòng chống, dịch bệnh COVID-19 (ảnh chụp ngày 24/7). (Ảnh: Duy Khương/TXVN)

Cũng trong ngày 24/7, ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Hậu Giang, đã ký Công văn số 1265/SNNPTNT-VP, hướng dẫn thu hoạch, thu mua và vận chuyển nông sản trong thời gian phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh.

Chủ máy thu hoạch, tài xế, tài công, lơ xe, nhân công bốc dỡ nông sản di chuyển vào vùng thu hoạch phải có giấy kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 không quá 72 giờ kể từ khi có kết quả xét nghiệm, kể cả khi có giấy xác nhận đã tiêm đủ hai mũi vaccine phòng COVID-19; người thu hoạch khi thu hoạch nông sản phải đảm bảo biện pháp phòng, chống dịch và không được đi nơi khác ngoài khu vực thu hoạch nông sản đã đăng ký. Các phương tiện thu hoạch trước khi vào điểm thu hoạch phải được thực hiện sát khuẩn.

Công văn cũng yêu cầu tài xế phương tiện có giấy cam kết và được cơ quan, công ty, doanh nghiệp xác nhận nơi đi, tuyến đi, nơi đến. Và trong quá trình thu hoạch, tất cả mọi người tham gia phải đảm bảo Thông điệp 5K, luôn đeo khẩu trang và giữ khoảng cách trên 2m,...

Quảng Ninh tăng kiểm soát dịch trên tuyến biển, các cảng, bến thủy nội địa

Ngày 24/7, trước nguy cơ cao COVID-19 xâm nhập vào địa bàn, Tỉnh ủy Quảng Ninh ban hành văn bản số 460-CV/TU về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống, kiểm soát dịch COVID-19 trên tuyến biển, các cảng, bến thủy nội địa trên địa bàn tỉnh.

Văn bản nêu rõ, để giữ vững thành quả phòng, chống dịch, giữ vững địa bàn “An toàn - Ổn định trong trạng thái bình thường mới," Thường trực Tỉnh ủy tỉnh Quảng Ninh yêu cầu các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung triển khai ngay các công việc cụ thể: siết chặt công tác quản lý nhà nước và tăng cường các biện pháp kiểm soát, phòng, chống dịch COVID-19 ở mức cao nhất trên vùng biển Quảng Ninh.

Các cảng, bến, các phương tiện thủy đến, đi và hoạt động trên địa bàn tỉnh phải đảm bảo mục tiêu vừa tạo điều kiện giao thương, xuất nhập khẩu hàng hóa, vừa đảm bảo an toàn dịch bệnh, không để mầm bệnh xâm nhập vào địa bàn tỉnh dưới bất kỳ hình thức nào liên quan đến tàu vận chuyển hàng hóa của nước ngoài, tỉnh ngoài được phép hoạt động trên địa bàn.

Nếu để xảy ra dịch bệnh, ca nhiễm làm lây lan ra cộng đồng do lỗi chủ quan của các cơ quan quản lý, lực lượng chức năng (Cảng vụ, biên phòng, kiểm dịch y tế...) thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 cấp tỉnh và phải xem xét trách nhiệm những người trực tiếp thực thi công vụ liên quan.

Đắk Nông, Quảng Ninh thực hiện nghiêm giãn cách và tăng phòng dịch ảnh 3Cảnh sát giao thông công an thành phố Uông Bí (Quảng Ninh) kiểm tra các thủ tục của lái xe container trước khi qua chốt cầu Đá Bạc. (Ảnh: Thanh Vân/TTXVN)

Cấp ủy, chính quyền, trực tiếp là người đứng đầu những địa phương có các cảng, bến thủy nội địa phải tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm soát, giám sát việc tuân thủ các quy định và hướng dẫn phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh, của các cơ quan chức năng đối với các chủ tàu, thuyền trưởng, thuyền viên, người điều khiển phương tiện.

Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh có trách nhiệm chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Cảng vụ hàng hải Quảng Ninh, Sở Y tế (trực tiếp là Trung tâm Kiểm dịch Y tế quốc tế), các cơ quan và chính quyền các địa phương liên quan tăng cường các phương án, biện pháp cụ thể, rà soát, hoàn thiện quy trình, cơ chế phối hợp nhằm thực hiện triệt để việc xét nghiệm SARS-CoV-2 cho toàn bộ thuyền viên trên tàu khi các tàu biển đến vùng biển Quảng Ninh (bao gồm cả các tàu chuyển cảng) để bốc xếp hàng hóa, sửa chữa hoặc thực hiện các hoạt động kinh tế khác trước khi giải quyết các thủ tục theo quy định; việc lấy mẫu, xét nghiệm và trả kết quả đảm bảo thuận tiện, nhanh chóng, hiệu quả, chính xác, thời gian tối đa không quá 12 giờ kể cả ban ngày và ban đêm.

Nếu phát hiện có thuyền viên hoặc người trên tàu dương tính với COVID-19 thì các lực lượng chức năng, các cơ quan, địa phương liên quan phải phối hợp chặt chẽ, nhanh chóng có phương án tổ chức cách ly, khoanh vùng, dập dịch triệt để, điều trị tích cực, hỗ trợ y tế hiệu quả… theo đúng các quy định của pháp luật.

Bí thư cấp ủy, chủ tịch ủy ban nhân dân các địa phương chịu trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan chức năng địa phương, phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, ngành y tế và các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường tầm soát chủ động, xét nghiệm sàng lọc ngẫu nhiên thường xuyên, hằng ngày trong cộng đồng theo đúng quy định của Trung ương và chủ trương của tỉnh, tập trung vào những đối tượng có nguy cơ cao, bảo đảm tuyệt đối không để bị động, bất ngờ về mầm bệnh ca bệnh, bảo vệ thành quả công tác phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục