Hội nghị xúc tiến đầu tư vào khu vực Tây Bắc sẽ được tổ chức tại tỉnh Sơn La vào ngày 4/4 tới đây. Ngành ngân hàng tiếp tục đồng hành cùng sự kiện này.
Bên lề cuộc họp báo giới thiệu hội nghị sáng 1/4 vừa qua tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xung quanh những nội dung liên quan đến hội nghị này.
- Thưa Phó Thống đốc, vì sao trong mấy năm trở lại đây, ngành ngân hàng luôn đồng hành cùng các hội nghị xúc tiến đầu tư? Và tại hội nghị xúc tiến đầu tư vào khu vực Tây Bắc lần này, ngành ngân hàng có kế hoạch gì?
Phó Thống đốc Đào Minh Tú: Trong mấy năm vừa qua, Hội nghị xúc tiến đầu tư và an sinh xã hội có sự đồng hành của Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại.
Trước đây, tại hội nghị xúc tiến đầu tư, thông thường các nhà đầu tư quan tâm tìm hiểu lựa chọn dự án và sau đó có những quyết định đầu tư. Nhiều khi quyết định đầu tư rồi mới lo đến vốn, mới tìm các nguồn tài trợ, hay đúng hơn lúc đó mới tìm đến ngân hàng để vay. Nếu ngân hàng từ chối thì dự án bất thành.
Chính vì vậy, các Hội nghị xúc tiến đầu tư, nhất là 3 khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ, Ngân hàng Nhà nước đều chỉ đạo các ngân hàng thương mại chủ động tham gia.
Các ngân hàng thương mại và nhà đầu tư cùng tìm hiểu dự án, nếu có hiệu quả thì cùng cam kết thực hiện dự án với những hình thức tài trợ vốn phù hợp. Giữa ngân hàng-doanh nghiệp-chính quyền địa phương cùng gắn kết với nhau thực hiện thì các dự án sẽ hiệu quả và khả thi.
Năm 2013, tại hội nghị xúc tiến đầu tư vào khu vực Tây Bắc tổ chức tại Tuyên Quang, các ngân hàng đã chủ động cùng các doanh nghiệp ký cam kết cho vay 20.116 tỷ đồng đầu tư vào các dự án lớn trên địa bàn.
Đến cuối tháng 12/2014, các ngân hàng đã giải ngân đầy đủ, kịp thời khoảng 5.000 tỷ đồng theo tiến độ của dự án. Một số dự án đã hoàn thành và đưa vào vận hành, đang phát huy hiệu quả và đã bắt đầu trả nợ ngân hàng. Qua đó cho thấy nguồn vốn cam kết của ngân hàng thương mại là khả thi, đã cam kết là giải ngân và giải ngân đủ theo tiến độ dự án.
Tại Hội nghị lần này, ngành ngân hàng tiếp tục đầu tư vốn tín dụng cho các dự án tại khu vực Tây Bắc với số tiền ký kết cho vay hơn 4.700 tỷ đồng, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực thế mạnh của khu vực như thủy điện, khai khoáng, công nghiệp chế biến, vận tải, nông sản. Đây là số liệu thống kê tạm thời đến ngày 2/4, sau đó có thể còn lớn hơn.
- Vậy thời gian qua ngành ngân hàng đã có những chính sách về tín dụng như thế nào để khuyến khích phát triển sản xuất kinh doanh giảm bớt khó khăn cho vùng Tây Bắc, thưa Phó Thống đốc?
Phó Thống đốc Đào Minh Tú: Toàn bộ hoạt động của ngành ngân hàng trong những năm qua đối với vùng Tây Bắc được thể hiện rõ ở mấy nội dung trọng tâm: Tập trung vốn cũng như tích cực đưa vốn lên vùng Tây Bắc.
Có thể nói rằng, cứ có dự án hiệu quả, các ngân hàng cố lo đủ vốn, một ngân hàng không đủ vốn thì nhiều ngân hàng đồng tài trợ. Điều này cũng rất cần thiết vì nhu cầu vốn, lớn nhưng huy động tại chỗ mới đạt 75%, nghĩa là trung ương vẫn phải điều vốn lên khu vực này tương đối lớn.
Ngoài việc tài trợ các dự án lớn, các ngân hàng thương mại cùng với các hình thức tín dụng truyền thống trước đây, nay đã có nhiều chương trình tín dụng gắn vào những chương trình phát triển kinh tế xã hội của mỗi địa phương cũng như của cả vùng.
Những chương trình nào cần vốn, có ý nghĩa về mặt kinh tế, xã hội, phù hợp với tính chất nguồn vốn tín dụng ngân hàng thì đều có các ngân hàng thương mại tham gia.
Ngành ngân hàng cũng đã và đang triển khai khắp cả nước các chương trình cho vay phục vụ cho các mục tiêu liên kết vùng, liên kết ngành nghề, liên kết theo chuỗi giá trị, bao tiêu sản phẩm…
Các chương trình tín dụng này đang phát huy khá tốt hiệu quả đầu tư, giúp các doanh nghiệp gắn kết nhau hơn, vốn luân chuyển nhanh hơn, gắn kết sản xuất và tiêu thụ, ngân hàng cho vay và thu nợ tốt hơn. Với Tây Bắc, các chương trình tín dụng này cũng đã và đang được thực hiện tích cực.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đã chỉ đạo nhiều giải pháp quyết liệt trong giải quyết những khó khăn hiện nay cho các doanh nghiệp.
Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức hơn 40 cuộc đối thoại ngân hàng với doanh nghiệp tại các tỉnh khu vực Tây Bắc trong 2 năm qua để tháo gỡ vướng mắc khó khăn, cơ cấu lại các khoản nợ, thông thoáng hơn các điều kiện tín dụng cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu vốn tín dụng ngắn hạn sang trung và dài hạn bởi nếu chỉ chủ yếu cho vay ngắn hạn sẽ rất khó khăn cho đầu tư trung và dài hạn.
Tôi cho rằng, trong mấy năm gần đây, vốn trung và dài hạn từ mức khoảng 25% trước đây đã tăng lên xấp xỉ 57% tổng dư nợ cả vùng. Đó là điều đáng mừng, nó cho thấy các ngân hàng thương mại đã thể hiện được tinh thần hợp tác chia sẻ hỗ trợ với doanh nghiệp Tây Bắc.
Ngành ngân hàng cũng tăng cường mở hệ thống mạng lưới và phát triển dịch vụ ngân hàng trên vùng này. Nếu như ở thành phố việc mở nhiều chi nhánh, phòng giao dịch cần hạn chế thì ở những nơi vùng sâu vùng xa như vậy lại được khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi nhất.
Có thể nói, mạng lưới hiện nay về cơ bản tại các tỉnh đã đáp ứng nhu cầu các giao dịch và dịch vụ ngân hàng. Cũng cần phải nói thêm rằng, nếu vì lợi nhuận, chắc nhiều ngân hàng ngại mở chi nhánh tại đây. Nhưng cũng vì trách nhiệm xã hội, vì trách nhiệm cộng đồng, đặc biệt Tây Bắc là vùng có nhiều khó khăn cần phải có sự chung tay, chung sức, chung lòng của tất cả chúng ta.
- Phó Thống đốc nhận xét như thế nào về chất lượng tín dụng ở khu vực Tây Bắc hiện nay ? Và trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước có thêm chính sách ưu đãi cho vùng này không?
Phó Thống đốc Đào Minh Tú: Nếu nói chất lượng tín dụng, có thể nói ở vùng Tây Bắc là rất tốt, tỷ lệ nợ xấu thấp, thấp hơn cả mức mà hiện nay mục tiêu đang đặt ra.
Nhiều địa phương mặc dù doanh số cho vay khá cao, dư nợ khá cao nhưng tỷ lệ nợ xấu dưới 3%, đặc biệt hệ thống ngân hàng chính sách xã hội nợ xấu chưa đến 1%, thậm chí có những vùng chỉ có 0,3-0,4%. Như vậy chất lượng tín dụng ở những vùng kinh tế khó khăn như Tây Bắc lại rất đáng mừng.
Còn đối với lãi suất ưu đãi thì từ trước đến nay đã có nhiều chính sách ưu đãi rồi. Ví dụ như cho vay đối với hộ nghèo, cho vay đồng bào dân tộc, cho vay xuất khẩu lao động…
Đối với một số huyện thuộc diện 30A, lãi suất cho vay một số chương trình rất thấp, không đáng kể, các doanh nghiệp thuộc 5 đối tượng ưu tiên cũng được vay các mức lãi suất ưu đãi.
Tùy điều kiện thực tế và cũng có một số ngân hàng thương mại đã chủ động có những chương trình tín dụng cụ thể với những lãi suất ưu đãi đã và đang được triển khai tại một số địa phương.
Ngân hàng Nhà nước trong thời gian tới sẽ vẫn tiếp tục có những chính sách ưu đãi một cách tích cực và khuyến khích các ngân hàng thương mại tạo điều kiện có những mức lãi suất cho vay thấp ở những khu vực mà kinh tế hàng hóa chưa phát triển, tỷ suất lợi nhuận thấp, để hỗ trợ cho việc đầu tư cũng như sản xuất kinh doanh của người dân và doanh nghiệp vùng Tây Bắc./.