Ngày 24/3, Ủy ban châu Âu (EC) cho biết đã thông qua kế hoạch cứu trợ của chính phủ Đức để đảm bảo khoản vay cho các doanh nghiệp chịu tác động của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Phó Chủ tịch EC Margrethe Vestager cho biết mục đích của các biện pháp này là cung cấp thanh khoản cho các công ty để bảo vệ việc làm cho người lao động và duy trì hoạt động trong thời gian khó khăn này.
Kế hoạch của chính phủ Đức dành cho tất cả các công ty, cung cấp bảo lãnh cho các khoản vay với điều kiện ưu đãi nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trang trải vốn hoạt động và đầu tư.
[Đức quay lại chính sách 'thắt lưng buộc bụng' hậu khủng hoảng COVID-19]
Trước đó một ngày, Berlin đã thông qua gói cứu trợ trị giá 750 tỷ euro (khoảng 811,13 tỷ USD) để giảm thiểu các tác động của dịch bệnh COVID-19.
Đây cũng là lần đầu tiên kể từ năm 2013, chính phủ liên bang Đức phải gánh một khoản nợ mới.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Kinh tế Đức Peter Altmaier cho biết gói cứu trợ mới được thông qua này chỉ là bước khởi đầu để giải quyết cuộc khủng hoảng do dịch bệnh COVID-19 gây ra đối với nền kinh tế Đức.
Chính phủ Đức dự đoán đại dịch lần này sẽ khiến nền kinh tế rơi vào suy thoái.
Bên cạnh đó, ông Altmaier cũng để ngỏ khả năng sử dụng Cơ chế bình ổn châu Âu (ESM) khi nhấn mạnh sự đoàn kết giữa các nước châu Âu có ý nghĩa rất quan trọng cho mục tiêu đạt được sự phục hồi kinh tế.
Cũng trong ngày 24/3, Nhóm các Bộ trưởng Tài chính khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurogroup) đã ủng hộ ý tưởng các chính phủ có thể đề nghị hạn mức tín dụng phòng ngừa ở mức tương đương 2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) từ quỹ cứu trợ của ESM để ứng phó với tác động của đại dịch COVID-19.
Hiện quỹ ESM có 410 tỷ euro (442 tỷ USD) vốn cho vay chưa sử dụng đến.
Quyết định cuối cùng về việc sử dụng quỹ này như thế nào sẽ được các lãnh đạo châu Âu thống nhất trong hội nghị trực tuyến vào ngày 26/3.
Bước đầu, các bộ trưởng thống nhất công cụ tín dụng ESM (ECCL) sẽ sẵn sàng cho tất cả các quốc gia trong eurozone, kể cả khi không phải mọi quốc gia đều sẽ đề nghị được sử dụng hoặc cuối cùng thực sự sử dụng đến vốn trong cơ chế này.
Chủ tịch Eurogroup Mario Centeno cho biết nhóm này ủng hộ rộng rãi việc sử dụng một công cụ phòng ngừa hiện có từ ESM để hỗ trợ các biện pháp bảo vệ trước tác động của đại dịch.
Công cụ này có thể cung cấp hạn mức tín dụng tương đương 2% GDP của các thành viên.
Về cơ bản, các bộ trưởng đã thống nhất ý tưởng này nhưng cần xây dựng các chi tiết cụ thể hơn để các lãnh đạo EU có thể đưa ra quyết định trong cuộc họp sắp tới.
Các quan chức eurozone lo ngại khi đại dịch lan rộng và khu vực đồng tiền chung rơi vào khủng hoảng trong năm nay, các thị trường tài chính có thể bắt đầu đưa ra mức giá cao với những khoản cho vay dành cho các chính phủ, gây sức ép lớn lên một số quốc gia đang nợ nần như Italy.
Khi có hạn mức tín dụng từ ESM, các quốc gia sẽ có thể duy trì lợi tức trái phiếu chính phủ, công cụ huy động vốn của các chính phủ trên thị trường tài chính, ở mức có thể kiểm soát được vì các nhà đầu tư hiểu rằng các chính phủ có nguồn vay tài chính chi phí thấp hơn từ ESM./.