Dịch COVID-19: Cơ hội cho tiền điện tử lên ngôi ở Nhật Bản?

Sau khi dịch COVID-19 bùng phát, nhiều ý kiến cho rằng đây là cơ hội cho sự bùng nổ của các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, trong đó có tiền điện tử, ở Nhật Bản.
Dịch COVID-19: Cơ hội cho tiền điện tử lên ngôi ở Nhật Bản? ảnh 1Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: ANR)

Nhật Bản là một trong những quốc gia phát triển nhất thế giới nhưng lại tụt hậu so với nhiều quốc gia láng giềng khác như Hàn Quốc và Trung Quốc trên phương diện thanh toán không dùng tiền mặt. Sau khi dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 bùng phát, nhiều người cho rằng đây là cơ hội cho sự bùng nổ của các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, trong đó có tiền điện tử, ở quốc gia này.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy một sự bùng nổ như vậy chưa diễn ra, ít ra là tại thời điểm hiện nay.

Đi đầu nhưng lại tụt hậu

Thanh toán không dùng tiền mặt là việc sử dụng các phương tiện thanh toán như thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ, thẻ thông minh và tiền điện tử trên điện thoại thông minh và các thiết bị di động khác thay cho tiền mặt trong các giao dịch thanh toán. Đây được coi là một trong những nền tảng quan trọng cho sự phát triển của các công cụ tài chính hiện đại trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, và là một trong những công cụ hữu hiệu giúp giảm chi phí và tăng năng suất lao động xã hội.

Tuy nhiên, tại Nhật Bản, tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt trong tổng giao dịch thanh toán vào năm 2017 chỉ là 17%, thấp hơn rất nhiều so với các nước láng giềng khác. Đáng chú ý, tỷ lệ thanh toán bằng tiền điện tử hiện chưa đến 2%.

Đây là một điều khá bất ngờ khi mà Nhật Bản chính là nước tiên phong trong việc sử dụng tiền điện tử vào khoảng năm 2000, là quốc gia đầu tiên đưa vào sử dụng hệ thống thanh toán trên điện thoại di động (hay còn gọi là ví di động) vào năm 2004, và là nơi sản sinh ra mã QR được sử dụng trong nhiều giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt hiện nay.

Xuất phát từ thực tế đó, trong nhiều năm qua, Chính phủ Nhật Bản đã thực hiện hàng loạt biện pháp nhằm khuyến khích người dân sử dụng các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt. Đáng chú ý, vào tháng 6/2016, Quốc hội Nhật Bản đã thông qua Luật cải tổ Luật ngân hàng nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý cho sự tham gia của các công ty công nghệ vào lĩnh vực này.

Năm 2017, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) đã công bố Sách Trắng về chính sách fintech, trong đó đặt mục tiêu nâng tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt từ 18% năm 2017 lên 40% vào năm 2025. Tháng 9/2018, Cơ quan Dịch vụ Tài chính (FSA) của Nhật Bản đã công bố Chiến lược Số hóa Tài chính, trong đó đưa ra 11 biện pháp nhằm thúc đẩy quá trình số hóa trong lĩnh vực tài chính.

Cùng với việc hoàn thiện hành lang pháp lý, tháng 10/2019 – thời điểm Nhật Bản bắt đầu tăng thuế tiêu dùng lần 2 từ 8% lên 10% - Chính phủ đã triển khai chương trình hoàn tiền cho người tiêu dùng dưới dạng điểm khi họ sử dụng một trong 40 hệ thống thanh toán điện tử đã được chấp thuận để mua hàng tại gần 500.000 cửa hàng được chỉ định.

Chương trình này hướng tới hai mục đích gồm: khuyến khích việc sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt và giảm thiểu tác động của việc tăng thuế tiêu dùng. Trong chương trình kéo dài 9 tháng này, người tiêu dùng có thể được hoàn từ 2% đến 5% trong tổng số tiền chi tiêu tùy thuộc vào địa điểm mua hàng thông qua ứng dụng tiền điện tử mà người tiêu dùng sử dụng khi mua sắm.

Các chính sách hỗ trợ của chính phủ là cơ hội tốt cho các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt ở Nhật Bản. Không ít người cho rằng các “ông lớn” ngân hàng sẽ có lợi thế lớn khi tham gia vào thị trường thanh toán không dùng tiền mặt. Tuy nhiên, chính các công ty công nghệ mới là những người đi tiên phong trong lĩnh vực này. Các công ty công nghệ lớn như Yahoo Japan, Softbank hay LINE Corp. đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội và cho ra đời các dịch vụ thanh toán không sử dụng tiền mặt.

Một trong những lợi thế của các công ty này là họ đã có cơ sở khách hàng khá lớn cùng với hệ thống dữ liệu về thói quen chi tiêu và mối quan tâm của các khách hàng này. Nhờ vậy, họ có thể tiếp cận khách hàng một cách dễ dàng hơn.

[Công nghệ - ''cửa thoát hiểm'' của doanh nghiệp trong thời COVID-19]

LINE Corp., công ty quản lý dịch vụ nhắn tin LINE rất phổ biến ở Nhật Bản, là một ví dụ điển hình. Tháng 12/2014, LINE Corp. đã cho ra mắt dịch vụ LINE Pay trên toàn cầu. Dịch vụ này cho phép người dùng nạp tiền vào ví điện tử LINE Pay từ tài khoản ngân hàng, nhận và gửi tiền giữa những người dùng, và thanh toán không dùng tiền mặt ở các cửa hàng chấp nhận. Với cơ sở dữ liệu khách hàng rất lớn từ dịch vụ nhắn tin LINE và sự tiện dụng của việc thanh toán không dùng tiền mặt, LINE Pay đã nhanh chóng được nhiều người biết đến và sử dụng.

Để quảng bá rộng rãi và thu hút người dùng dịch vụ ví điện tử của mình, hầu hết các công ty công nghệ đều đưa ra rất nhiều chương trình khuyến mãi như chiết khấu khi mua hàng hay thưởng điểm trung thành… Cùng với sự hỗ trợ của Chính phủ như chương trình thưởng điểm khi sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt để mua hàng, các chương trình khuyến mãi này đã giúp tăng số người sử dụng của các dịch vụ này trong thời gian rất ngắn. Chẳng hạn, số lượng thành viên sử dụng hệ thống thanh toán điện tử của Công ty Đường sắt Đông Nhật Bản (JR East) đã tăng hơn 1 triệu người chỉ trong gần 2 tháng lên 11 triệu người vào cuối tháng 11/2019.

Trước thành công của các công ty công nghệ, những “ông lớn” ngân hàng đã bắt đầu bước chân vào lĩnh vực này. Tháng 3/2019, Tập đoàn Tài chính Mizuho đã tung ra dịch vụ J-Coin Pay, một hệ thống thanh toán dựa trên mã QR, với sự tham gia của 60 tổ chức tài chính khác. Trong khi đó, Tập đoàn Tài chính Mitsubishi UFJ đã phát triển tiền điện tử và dự định sẽ cho ra mắt đồng tiền ảo này vào cuối năm nay.

Tiền mặt vẫn là “vua”

Các số liệu thống kê của Lawson Inc., tập đoàn quản lý chuỗi các cửa hàng tiện ích cùng thương hiệu ở Nhật Bản, cho thấy tỷ lệ doanh thu bán hàng không dùng tiền mặt trên tổng doanh thu đã tăng từ 20% trước đó lên 25% vào tháng 10/2019. Kết quả này một phần nhờ chương trình của Chính phủ hoàn tiền dưới dạng điểm cho người tiêu dùng sử dụng các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.

Mặc dù vậy, cho đến nay, chưa có dấu hiệu nào cho thấy có một bước tiến lớn nào trên thị trường này, ngay cả khi dịch COVID-19 bùng phát. Một trong những rào cản lớn cho các nỗ lực thu hút người dùng các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt ở Nhật Bản là tình trạng già hóa dân số. Theo thống kê của Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản (MIC), vào đầu tháng 10/2019, số người ở độ tuổi từ 65 trở lên, những người chậm thích nghi với công nghệ mới, ở nước này tăng lên 35,89 triệu, chiếm 28,4% dân số và cao nhất từ trước tới nay, cho dù trong thời kỳ này, dân số ở nước này đã giảm năm thứ 9 liên tiếp xuống còn 126,17 triệu người.

Việc thuyết phục các đối tượng này chuyển sang sử dụng các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt không phải là công việc dễ dàng. Bà Remi Meguro, một phụ nữ 65 tuổi ở Tokyo, nói: “Tôi không biết rõ cách thức sử dụng các dịch vụ thanh toán điện tử. Tôi cũng không quan tâm tới việc sử dụng phương tiện thanh toán đó bởi vì, tôi sợ rằng nếu mất điện thoại, mọi thứ sẽ trở nên rất phức tạp.

Bên cạnh đó, một rào cản lớn khác cho nỗ lực chuyển đổi sang xã hội không dùng tiền mặt ở Nhật Bản đó là thói quen sử dụng tiền mặt của người dân nước này. Các số liệu thống kê cho thấy tại thời điểm hiện nay, vẫn có tới hơn 50% hộ gia đình ở Nhật Bản giữ tài sản dưới dạng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng. Tỷ lệ này thậm chí cao hơn trong số những người già, những người có thói quen giữ tiền mặt để hạn chế chi tiêu hoang phí.

Mặt khác, cùng với tỷ lệ tội phạm thấp và lãi suất tiền gửi cực thấp, mạng lưới ATM rộng khắp và sự đa dạng của các dịch vụ ngân hàng truyền thống cũng khiến nhiều người ở Nhật Bản chưa sẵn lòng chuyển sang sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt.

Ngoài ra, các sự cố liên quan tới các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt 7Pay của tập đoàn Seven & i Holdings và J-Coin Pay của Mizuho đã tác động không nhỏ tới tâm lý của người tiêu dùng ở Nhật Bản./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục