Ủy ban Kinh tế Xã hội châu Á-Thái Bình Dương của Liên hợp quốc (ESCAP) ngày 14/5 đã công bố báo cáo mới nhất về tình hình kinh tế, xã hội của khu vực, trong đó nhấn mạnh tăng trưởng kinh tế toàn diện hơn là chìa khóa để đảm bảo sự thịnh vượng bền vững cho các nước.
Các nền kinh tế đang phát triển trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương tiếp tục hoạt động khá tốt so với phần còn lại của thế giới, song những yếu kém về cơ cấu vẫn kiềm chế triển vọng tăng trưởng.
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ở các nước đang phát triển trong khu vực sẽ chỉ tăng nhẹ từ 5,8% năm 2014 lên 5,9% năm 2015 và dự kiến sẽ không thay đổi đáng kể trong năm 2016.
Lạm phát được dự báo sẽ tiếp tục sụt giảm và đứng ở mức thấp, chủ yếu do giá dầu thô thế giới thấp hơn dẫn đến việc cắt giảm lãi suất trong nhiều nền kinh tế của khu vực.
Theo dự báo của ESCAP, giá dầu thế giới sẽ biến động trong khoảng 60-70 USD/thùng trong năm 2015.
Tiềm năng tăng trưởng của các nền kinh tế đang phát triển châu Á-Thái Bình Dương bị hạn chế do sự thiếu hụt cơ sở hạ tầng và sự phụ thuộc quá mức vào hàng hóa của một số nước. Đà phục hồi kinh tế toàn cầu còn mong manh đặt ra thêm những thách thức đối với thương mại toàn cầu.
Thư ký điều hành ESCAP, kiêm Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc Shamshad Akhtar đã nhấn mạnh đến sự cần thiết phải thúc đẩy chất lượng tăng trưởng và sự thịnh vượng chung trong khu vực, kêu gọi các nhà hoạch định chính sách trong khu vực lồng ghép tăng trưởng toàn diện qua việc áp dụng một loạt biện pháp phối hợp nhằm đạt được kết quả xã hội và môi trường tốt hơn, tăng cường mảng phúc lợi công.
ESCAP cho rằng các nền kinh tế đang phát triển trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương cũng cần phải đạt được sự tiến bộ trong việc đảm bảo sự bình đẳng về cơ hội cho tất cả mọi người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái, bằng cách mở rộng tiếp cận đối với giáo dục có chất lượng và chăm sóc sức khỏe đầy đủ.
ESCAP cũng ủng hộ các quốc gia thúc đẩy cơ hội bình đẳng, tạo việc làm thông qua sự phát triển của các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như công nghiệp hóa nông thôn, với việc khu vực tư nhân tham gia giữ vai trò quan trọng trong việc phát triển toàn diện hơn.
Ngoài ra, ESCAP cũng nhấn mạnh đến các vấn đề chính sách quan trọng cho các tiểu vùng, bao gồm tình trạng phụ thuộc thái quá vào nguồn tài nguyên thiên nhiên và các khoản kiều hối của người lao động để thúc đẩy tăng trưởng kinh, cũng như các thách thức liên quan đến việc làm và biến đổi khí hậu.
Sự mất cân bằng kinh tế vĩ mô và tình trạng thiếu điện năng trầm trọng là mối quan tâm chính tại khu vực phía Nam và Tây Nam Á, cùng với những yếu kém trong cơ sở hạ tầng và thiếu hụt lao động có tay nghề cao ở Đông Nam Á.
Theo ESCAP, những trận động đất gần đây ở Nepal là lời nhắc nhở mới cho thấy thiên tai có thể làm đảo ngược lợi ích kinh tế và xã hội, với sự mất mát to lớn về cuộc sống và kế sinh nhai./.