Bài 5: Phòng, chống oan sai trong hoạt động tư pháp, bảo vệ Quyền con Người

Giám sát tình hình oan sai - Bảo vệ Công lý và Quyền con Người (P5)

Việc truy bức nhục hình vẫn xảy ra dưới hình thức này hình thức khác, vi phạm pháp luật nghiêm trọng, xâm phạm đến quyền con người, quyền công dân của người bị tình nghi thực hiện tội phạm.

Giám sát tình hình oan sai - Bảo vệ Công lý và Quyền con Người (P5) ảnh 1Tử tù Hàn Đức Long tại buổi công khai xin lỗi tại xã Phúc Sơn, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang. (Ảnh: Tùng Lâm/TTXVN)

Ở các vụ án oan sai, bên trong là nỗi khổ chịu oan ức của bị can, bị cáo, bên ngoài là sự tủi nhục đeo bám người nhà của họ. Nhiều người bị xã hội lên án, sỉ nhục khi có người thân đang bị tù tội..., khiến họ chỉ muốn bỏ đi nơi khác sống.

Vụ án của “tử tù” Hàn Đức Long còn nặng nề hơn nhiều lần khi ông Long bị kết án về cả 2 tội "giết người" và "hiếp dâm trẻ em."

Trong suốt quá trình ông Long bị oan sai, gia đình ông luôn bị xã hội dè bửu, miệt thị. Vợ con ông đi đâu cũng bị bêu riếu là vợ, con của kẻ hiếp dâm, giết cháu bé 5 tuổi.

Nhiều năm phải sống tủi nhục trong sự xa lánh, khinh rẻ của hàng xóm và xã hội, các thành viên trong gia đình ông Long sa sút tinh thần, không dám ra đường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý và sức khỏe.

Vì việc ông bị bắt oan mà 2 con chưa thành niên của ông không nhận được sự quan tâm, chăm sóc đầy đủ của bố mẹ khiến cho ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý, phát triển. Đến trường, bị bạn bè tẩy chay, kỳ thị, dẫn đến việc 2 cháu phải bỏ học giữa chừng.

Đến tuổi lao động, các cháu không xin được công việc ổn định, cuộc sống luôn thiếu thốn, khó khăn và phải chịu sự khinh miệt của mọi người, mang tiếng là bố có tiền án về tội "giết người," "hiếp dâm trẻ em."

Vợ và người nhà ông Long phải bỏ công bỏ việc trong hơn 11 năm để gửi đơn đi kêu oan khắp nơi. Ban ngày, họ đều đặn gõ cửa kêu oan tới các cơ quan pháp luật từ Trung ương đến địa phương, tối về làm thuê làm mướn để có tiền ăn và trang trải kinh phí đi kêu oan. Cuộc sống bấp bênh, không thu nhập, vất vả bộn bề…, vợ ông và chị gái ông kiệt sức, đổ bệnh, đau yếu.

[Chống oan sai, bỏ lọt tội phạm là nhiệm vụ hàng đầu của ngành kiểm sát]

Chia sẻ nỗi niềm này của những người bị kết án oan và cuộc sống khốn khó của những người thân của họ, Trung tướng Trần Văn Độ (nguyên Phó Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương, đại biểu Quốc hội khóa XII, khóa XIII) nhấn mạnh việc kết án oan một người là rất nặng nề đối với họ và gia đình. Việc này không chỉ làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của người đó mà còn khiến người thân trong gia đình họ, thậm chí cả dòng họ bị xã hội miệt thị, khinh rẻ, coi thường… dẫn đến những suy sụp nghiêm trọng về tinh thần và thể chất.

Với kinh nghiệm nhiều năm trong công tác xét xử, Trung tướng Trần Văn Độ cho rằng không nên cố tình khép tội khi chứng cứ yếu, non, thiếu thuyết phục, tuyệt đối không tuyên án tử hình đối với những trường hợp này. Bởi lẽ khi án tử hình đã tuyên và thi hành án, không có đường lui, không có khả năng làm lại khi mọi việc quá muộn.

Các hành vi vi phạm nên xem xét xử lý về mặt kinh tế, hành chính trước, sau đó mới xét đến trách nhiệm hình sự. Hành vi vi phạm nào mà việc xử lý hình sự không đạt hiệu quả giáo dục, trừng phạt thì có thể xử lý được về hành chính, kinh tế, phạt tiền thật nặng sẽ có tác dụng răn đe và phòng ngừa chung. Làm được điều này sẽ giúp giảm các vụ án oan sai, tránh người vô tội bị oan.

Thêm vào đó, nếu xác định có oan sai thì phải đình chỉ vụ án, minh oan cho người đó ngay, đồng thời sớm có phương án hợp lý bồi thường oan sai cho họ, không thể bắt họ chờ lâu hơn nữa.

Trong vụ án Hàn Đức Long, ban đầu tại cơ quan điều tra, ông Long nhận tội nhưng khi ra phiên tòa xét xử, ông Long chối tội và khai do bị đánh đập, bức cung, dùng nhục hình và bị ép phải nhận tội.

Ông nói: “Tôi nhận tội thì mới có ngày hôm nay ra tòa để kêu oan, nếu không tôi đã chết trong trại giam rồi." Điều này đòi hỏi cần sửa đổi toàn diện cả về hình thức, cơ sở hạ tầng, công nghệ, nhân sự và cách thức tổ chức quản lý... trong các trại tạm giam, tạm giữ. Nếu không, tình trạng nạn phạm nhân bị bức cung, nhục hình, chết trong trại giam sẽ khó được khắc phục.

Trên thực tế, việc truy bức nhục hình vẫn xảy ra dưới hình thức này hình thức khác, vi phạm pháp luật nghiêm trọng, xâm phạm đến quyền con người, quyền công dân của người bị tình nghi thực hiện tội phạm và dễ dẫn đến oan sai.

Phòng, chống oan sai trong hoạt động tư pháp, bảo vệ quyền con người, quyền công dân luôn là vấn đề quan trọng và cần thiết trong công tác cải cách tư pháp.

Ở Việt Nam, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm bảo vệ quyền con người trên mọi phương diện. Để bảo vệ bị can, bị cáo, Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 đã có quy định đảm bảo quyền im lặng cho bị can, bị cáo. Bị can, bị cáo được quyền giữ im lặng hoặc chỉ đồng ý khai báo khi việc lấy lời khai có sự tham gia của luật sư bào chữa. Đây cũng là quy định văn minh tiến bộ mà tố tụng hình sự nhiều nước đã quy định.

Tuy nhiên, các quy định của pháp luật ghi nhận quyền im lặng là “điều kiện cần” nhưng việc các cơ quan tư pháp bảo đảm quyền này thực hiện trong thực tiễn mới là “điều kiện đủ."

Chủ trương của Quốc hội, đại biểu Quốc hội luôn theo dõi, giám sát đến cùng việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, nâng cao trách nhiệm của người bị chất vấn, đặc biệt là người đứng đầu; thông qua việc giám sát oan sai để xác định oan sai, phòng ngừa, ngăn chặn và đôn đốc việc khắc phục, bồi thường oan sai.

Đại biểu Quốc hội giám sát triệt để, đến cùng việc xử lý sau oan sai, trách nhiệm của những người để xảy ra oan sai, từ đó, ngăn chặn và phòng ngừa oan sai, những người tham gia tố tụng không dám lơ là. Việc giám sát này đòi hỏi phải được thực hiện một cách khách quan, minh bạch, có tinh thần trách nhiệm, năng lực trình độ cao và có cơ sở pháp lý.

Giám sát tình hình oan sai - Bảo vệ Công lý và Quyền con Người (P5) ảnh 2Toàn cảnh một buổi lễ xin lỗi khai khai người bị kết án oan do Tòa án Nhân dân tỉnh Hà Giang tổ chức. (Ảnh: Minh Tâm/TTXVN)

Theo Trung tướng Trần Văn Độ, nâng cao hiệu quả công tác giám sát, trong đó có giám sát oan sai, đại biểu Quốc hội cần chọn vấn đề vĩ mô để chất vấn tại các kỳ họp Quốc hội.

Đối với những việc nhỏ, vấn đề vi mô, đại biểu Quốc hội nên gửi câu hỏi chất vấn tới các cơ quan, đơn vị liên quan để họ nghiên cứu, trả lời lại bằng văn bản. Điều này vừa giúp đẩy nhanh tiến độ giải quyết hiệu quả công việc, vừa không làm loãng, làm mất thời gian chất vấn tại nghị trường.

Trung tướng Trần Văn Độ cũng cho rằng các đại biểu Quốc hội nên cung cấp công khai số điện thoại của mình cho cử tri được biết, trực tiếp tiếp nhận thông tin từ người dân để thực hiện chức năng giám sát xã hội. Qua đó, tạo tin tưởng cho người dân vào Quốc hội, cho họ được thấy họ có nơi để bày tỏ nguyện vọng, mong muốn và hy vọng sẽ được giải đáp thỏa đáng những đề nghị của mình.

Hoạt động giám sát của Quốc hội trong oan sai nói riêng, trong giám sát pháp luật nói chung như một ngọn đèn để người dân soi chiếu, tin tưởng, gửi gắm và bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, từ đó tiếp thêm cho họ niềm tin vào công lý, vào Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa./.

Bài 1: Ánh sáng cuối đường hầm của những tù nhân bị án oan

Bài 2: Đề cao nguyên tắc suy đoán vô tội trong tố tụng hình sự

Bài 3: Ngăn chặn hình thành các 'điểm nóng,' phòng ngừa oan sai

Bài 4: 'Sợi chỉ đỏ' phòng chống oan sai, bảo vệ quyền và lợi ích của dân

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục