Hạ viện Tây Ban Nha thông qua dự luật hợp pháp hóa "cái chết nhân đạo"

Dự luật cho phép người "mắc bệnh nặng vô phương cứu chữa," hoặc rơi vào "tình trạng suy nhược mãn tính" và cảm thấy "không thể chịu đựng," sẽ được sử dụng biện pháp hỗ trợ để kết thúc cuộc sống.
Hạ viện Tây Ban Nha thông qua dự luật hợp pháp hóa "cái chết nhân đạo" ảnh 1Một phiên họp Quốc hội Tây Ban Nha. (Nguồn: AP)

Ngày 17/12, Hạ viện Tây Ban Nha đã thông qua dự luật hợp pháp hóa "cái chết nhân đạo" với những điều kiện nghiêm ngặt.

Dự luật do chính phủ thiểu số của Thủ tướng Pedro Sanchez đề xuất, đã nhận được 198 phiếu thuận, 138 phiếu chống và hai phiếu trắng. Dự kiến đầu năm 2021, dự luật này sẽ được đưa ra bỏ phiếu tại Thượng viện.

Dự luật trên cho phép những người "mắc bệnh nặng vô phương cứu chữa," hoặc rơi vào "tình trạng suy nhược mãn tính" và cảm thấy "không thể chịu đựng," sẽ được sử dụng các biện pháp hỗ trợ để kết thúc cuộc sống của mình.

Theo quy định trong dự luật, đề nghị hỗ trợ chết nhân đạo phải được làm bằng văn bản và xác nhận thêm một lần nữa hai tuần sau đó. Đề nghị này phải nhận được sự đồng ý của hai bác sỹ và được ủy ban đặc trách kiểm tra trước khi được thực hiện. Chi phí cho toàn bộ quá trình này sẽ do hệ thống y tế công cộng chi trả.

[Quốc hội Bồ Đào Nha thông qua dự luật hợp pháp hóa cái chết nhân đạo]

Phát biểu tại Quốc hội, Bộ trưởng Y tế Salvador Illa cho biết: “Chúng ta không thể làm ngơ trước những đau khổ không thể chịu đựng được của một số người."

Tuy nhiên, nghị sỹ Jose Ignacio Echuniz của đảng Nhân dân (PP - đảng bảo thủ đối lập) cho rằng dự luật cho phép cái chết nhân đạo là "sự thất bại" đối với cả hệ thống y tế và xã hội Tây Ban Nha. Thay vào đó, ông đề xuất sử dụng các biện pháp giảm đau cho những người bị bệnh nặng.

Trong khi đó, đảng cực hữu Vox cảnh báo sẽ đưa dự luật ra Tòa án Hiến pháp. Đảng PP và Vox đã bỏ phiếu chống.

Theo luật pháp Tây Ban Nha, hành động tự sát và hỗ trợ tự sát có thể bị phạt tù từ 2-10 năm, nhưng có thể giảm án nếu người tự sát bị bệnh nan y hoặc đang phải chịu đựng những cơn đau dày vò và đề nghị được chết.

Cuộc bỏ phiếu nói trên diễn ra 23 năm sau cái chết của thợ máy tàu thủy Ramon Sampedro bị liệt tứ chi, người đã phải đấu tranh suốt nhiều thập kỷ để giành quyền được chết có hỗ trợ.

Câu chuyện của Sampedro đã được dựng thành phim ''The Sea Inside'' của đạo diễn Alejandro Amenabar, đoạt giải Oscar cho phim nước ngoài hay nhất năm 2005./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục