Hàn Quốc trục vớt mảnh vỡ từ vụ phóng vệ tinh của Triều Tiên

Sáng 31/5, quân đội Hàn Quốc xác định vật thể được cho là một phần của "phương tiện phóng không gian" mà Triều Tiên tuyên bố ở vùng biển cách đảo Eocheong 200km về phía Tây và "đang trục vớt chúng."
Hàn Quốc trục vớt mảnh vỡ từ vụ phóng vệ tinh của Triều Tiên ảnh 1Truyền thông Hàn Quốc đưa tin về vụ phóng vật thể được Triều Tiên gọi là "vệ tinh không gian" từ làng Dongchang-ri (Triều Tiên), ngày 31/5/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Hội đồng tham mưu trưởng liên quân (JCS) Hàn Quốc ngày 31/5 cho biết quân đội nước này đang tiến hành trục vớt các mảnh vỡ từ một phương tiện phóng vệ tinh mà Triều Tiên tuyên bố rơi xuống vùng biển ngoài khơi bờ biển phía Tây của Bán đảo Triều Tiên trước đó cùng ngày.

Theo các hãng tin Reuters và AFP, JCS ra thông cáo xác nhận: "Vào khoảng 8h05 ngày 31/5, quân đội của chúng tôi đã xác định được một vật thể được cho là một phần của 'phương tiện phóng không gian' mà Triều Tiên tuyên bố ở vùng biển cách đảo Eocheong 200km về phía Tây và đang trục vớt chúng."

Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ đang duy trì cảnh giác cao độ và đặt trong tình trạng khẩn cấp, đồng thời lên án vụ phóng sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo của Triều Tiên sáng 31/5 - theo nội dung một cuộc điện đàm ba bên Hàn-Mỹ-Nhật.

Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng An ninh Quốc gia vào sáng 31/5 để thảo luận về vụ phóng này.

Vụ phóng "tên lửa đạn đạo" của Triều Tiên vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc - Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno tuyên bố.

[Triều Tiên xác nhận vụ phóng vệ tinh quân sự Malligyong-1 thất bại]

Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Adam Hodge cho biết ngày 30/5 (theo giờ Mỹ), Nhà Trắng đã lên án vụ phóng vệ tinh sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo của Triều Tiên và đang phối hợp với các đồng minh đánh giá tình hình - theo Reuters.

Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) trước đó đưa tin Cơ quan Phát triển Hàng không Vũ trụ Quốc gia (NADA) của nước này đã phóng vệ tinh trinh sát quân sự Malligyong-1 gắn trên tên lửa đẩy kiểu mới Chollima-1.

Vụ phóng vệ tinh được thực hiện tại Bãi phóng vệ tinh Sohae ở quận Cholsan thuộc tỉnh Bắc Phyongan lúc 6h27 sáng 31/5 theo kế hoạch đã định, nhưng đã thất bại sau khi tầng thứ hai của tên lửa đẩy gặp trục trặc, khiến bộ phận tăng tốc và trọng tải rơi xuống biển.

NADA khẳng định sẽ điều tra kỹ lưỡng những hạn chế lớn bộc lộ trong vụ phóng lần này, thực hiện các biện pháp khoa học và công nghệ khẩn cấp để khắc phục và tiến hành vụ phóng thứ hai sớm nhất có thể.

Tokyo đã trao công hàm phản đối Triều Tiên thông qua các kênh ngoại giao ở Bắc Kinh, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Matsuno Hirokazu cho biết.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Yasukazu Hamada tuyên bố sẽ duy trì các hệ thống phòng thủ tên lửa của nước này ở tình trạng báo động như trong thời điểm Triều Tiên tiến hành vụ phóng vệ tinh.

Trước đó, hôm 29/5, Hàn-Mỹ-Nhật đã cảnh báo đáp trả cứng rắn nếu Triều Tiên phóng vệ tinh.

Trong một cuộc họp qua điện thoại, các đặc phái viên hạt nhân của Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản nhất trí ba nước sẽ hợp tác chặt chẽ để đảm bảo sẽ có một phản ứng "thống nhất, nghiêm khắc" từ cộng đồng quốc tế nếu Triều Tiên thực hiện vụ phóng.

Giới quan sát nhận định Triều Tiên dường như đang nỗ lực tăng cường năng lực giám sát tình báo và trinh sát, như một phần của những dự án quốc phòng quan trọng được công bố tại Đại hội lần thứ VIII Đảng Lao động Triều Tiên diễn ra hồi đầu năm 2021./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục