Hàng viện trợ của Nga được vận chuyển đến khu vực Nagorny-Karabakh

Chính quyền ở Nagorny-Karabakh đã cho phép xe chở hàng viện trợ nhân đạo của Nga vào vùng lãnh thổ này trong bối cảnh thiếu lương thực, nhiên liệu và thuốc men trầm trọng.
Hàng viện trợ của Nga được vận chuyển đến khu vực Nagorny-Karabakh ảnh 1Xe tải chở hàng viện trợ. (Nguồn: armenpress)

Chính quyền khu vực Nagorny-Karabakh cho biết ngày 12/9, hàng viện trợ nhân đạo của Nga đã được vận chuyển đến khu vực này thông qua lãnh thổ do Azerbaijan kiểm soát.

Đây là lần đầu tiên trong 35 năm qua, chính quyền khu vực Nagorny-Karabakh cho phép tiếp cận vùng lãnh thổ theo hướng này.

Tổ chức Trăng Lưỡi liềm Đỏ của Azerbaijan đã xác nhận thông tin trên và cho biết xe tải chở hàng viện trợ thuộc Hội Chữ thập Đỏ của Nga đã đến thành phố Stepanakert ở vùng lãnh thổ Nagorny-Karabakh thông qua tuyến đường Aghdam nối khu vực này với phần còn lại của Azerbaijan.

Hôm 9/9, chính quyền ở Nagorny-Karabakh đã quyết định cho phép xe chở hàng viện trợ nhân đạo của Nga vào vùng lãnh thổ này theo tuyến đường trên trong bối cảnh thiếu lương thực, nhiên liệu và thuốc men trầm trọng, đồng thời đáp ứng yêu cầu của Azerbaijan về việc mở cửa trở lại tuyến đường vốn bị đóng cửa từ năm 1988.

Hiện chưa rõ liệu Azerbaijan có cho phép viện trợ nhân đạo từ Armenia qua Hành lang Lachin như đã cam kết trong thỏa thuận đạt được hôm 9/9 hay không. Azerbaijan cho biết nước này có ý định duy trì trạm kiểm soát trên hành lang Lachin.

[Armenia-Nga thảo luận tình hình nhân đạo tại khu vực Nagorny-Karabakh]

Hồi 12/2022, một số người Azerbaijan tự nhận là các nhà hoạt động môi trường đã chặn hành lang Lachin, nơi lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga được triển khai.

Sau đó, Azerbaijan thiết lập một trạm kiểm soát trên tuyến đường bộ duy nhất đi qua lãnh thổ Azerbaijan và nối Armenia với khu vực tranh chấp Nagorny-Karabakh này. Động thái này đã khiến quan hệ giữa Azerbaijan và Armenia leo thang căng thẳng.

Khu vực Nagorny-Karabakh nằm sâu trong lãnh thổ phía Tây Nam của Azerbaijan, song có đa số dân cư là người gốc Armenia và muốn sáp nhập vào nước này. Điều này đã gây ra tranh chấp chủ quyền giữa hai nước láng giềng mà đỉnh điểm là xung đột kéo dài từ tháng 2/1988 đến tháng 5/1994.

Azerbaijan và Armenia đã tiến hành nhiều cuộc gặp cấp cao để giải quyết vấn đề này, song chưa tìm được biện pháp lâu dài bất chấp những nỗ lực hòa giải của Nga, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục