Hợp tác Iran-Trung Quốc: Yếu tố thay đổi cuộc chơi ở Trung Đông

Hợp tác sâu rộng hơn giữa Trung Quốc và Iran - đặc biệt khi xét trong bối cảnh hai nước có quan hệ chặt chẽ với Nga, đồng thời cả ba nước đều có quan hệ đối địch với Mỹ- làm thay đổi cục diện khu vực.
Hợp tác Iran-Trung Quốc: Yếu tố thay đổi cuộc chơi ở Trung Đông ảnh 1Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (phải) và người đồng cấp Iran Mohammad Javad Zarif. (Nguồn: AP)

Bài viết của Giáo sư Amin Saikal (Đại học Tây Australia) trên trang của Viện Chính sách Chiến lược Australia (ASPI) đã phân tích nguy cơ từ sự hợp tác giữa Trung Quốc và Iran ảnh hưởng đến Mỹ và đồng minh tại khu vực Trung Đông, nội dung như sau:

Thỏa thuận hợp tác kéo dài 25 năm được ký kết hôm 27/3 giữa Iran- quốc gia giàu dầu mỏ và có ảnh hưởng tại Trung Đông - và cường quốc toàn cầu Trung Quốc sẽ tạo ra một gọng kìm chiến lược mới ở Trung Đông trước Mỹ và đồng minh.

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump là người phải chịu phần lớn trách nhiệm về diễn biến này trong khi Tổng thống đương nhiệm Joe Biden sẽ phải sớm tìm ra biện pháp tháo gỡ.

Thỏa thuận này là kết quả cao nhất của mối quan hệ kinh tế, thương mại và quân sự ngày càng tăng giữa hai nước kể từ khi chế độ Hồi giáo Iran ra đời sau cuộc cách mạng lật đổ chế độ quân chủ thân phương Tây của Vua Shah cách đây 41 năm.

Mặc dù nội dung của thỏa thuận chưa được tiết lộ đầy đủ, nhưng chắc chắn sẽ liên quan đến đầu tư lớn của Trung Quốc vào các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, công nghiệp, kinh tế và hóa dầu của Iran.

Thỏa thuận cũng sẽ tăng cường hợp tác quân sự, tình báo và chống khủng bố, đồng thời liên kết Iran về cơ bản với Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc như một công cụ tạo ảnh hưởng toàn cầu.

Thương mại Trung Quốc-Iran đạt khoảng 31 tỷ USD vào năm 2016 sau khi Iran ký kết thỏa thuận hạt nhân mang tính bước ngoặt, được gọi là Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung (JCPOA).

[Trung Quốc tiếp tục mở rộng ảnh hưởng ở Trung Đông]

Tuy nhiên, kim ngạch thương mại hai bên sụt giảm sau khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump rút khỏi thỏa thuận vào tháng 5/2018 bất chấp sự phản đối từ các bên ký kết khác (Anh, Pháp, Đức, Nga và Trung Quốc) đồng thời áp đặt các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt đối với Iran.

Tuy nhiên, tỷ trọng giao dịch Trung Quốc-Iran hiện sắp đạt được tầm cao mới. Việc nâng tầm quan hệ song phương theo cấp số nhân này là lợi ích chung của hai bên trong việc chống lại Mỹ và đồng minh của Mỹ.

Hợp tác sâu rộng hơn giữa Trung Quốc và Iran - đặc biệt khi xét trong bối cảnh hai nước có quan hệ chặt chẽ với Nga, đồng thời cả ba nước đều có mối quan hệ đối địch với Mỹ- có tiềm năng lớn làm thay đổi cục diện chiến lược khu vực.

Cho đến nay, Trung Quốc đã thận trọng không hợp tác với Iran đến mức có thể gây nguy hiểm cho các mối quan hệ với Saudi Arabia giàu dầu mỏ (đối thủ trong khu vực của Iran) và các đồng minh Arập của Saudi Arabia.

Năm 2019, Trung Quốc đã nhập khẩu khoảng 17% nhu cầu dầu của mình từ Saudi Arabia, 10% từ Iraq, một lượng nhỏ hơn từ Kuwait, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Oman trong khi con số đó chỉ là 3% từ Iran trong bối cảnh Iran đang bị Mỹ trừng phạt.

Trung Quốc cũng đồng thời có mối quan hệ hợp tác quân sự và tình báo hợp lý với Israel, một đối thủ chính khác trong khu vực của Iran.

Tuy nhiên, việc Bắc Kinh ký kết thỏa thuận với Tehran, đã được khởi động từ năm 2016, chắc chắn sẽ gây lo ngại sâu sắc cho các quốc gia Arập ở vùng Vịnh, Israel và đặc biệt là Mỹ.

Các quốc gia này rất quan ngại về mối đe dọa từ Iran do ảnh hưởng ngày càng lớn của Tehran trên khắp khu vực Levant (Iraq, Syria và Liban) và Yemen cũng như sự ủng hộ của họ dành cho công cuộc đấu tranh của Palestine nhằm chống lại sự chiếm đóng của Israel.

Mỹ cũng lo ngại về ảnh hưởng của Iran ở Afghanistan, nơi các lực lượng Mỹ và đồng minh đã chiến đấu chống lại lực lượng nổi dậy do Taliban lãnh đạo trong hai thập kỷ qua mà không đạt được nhiều thành công, và do đó Washington muốn có được các giải pháp giữ thể hiện càng sớm càng tốt.

Khi kết hợp với mối quan hệ chặt chẽ của Iran với Nga, thỏa thuận Trung Quốc-Iran có khả năng tạo ra một trục hợp tác mạnh mẽ góp phần nâng cao vị thế khu vực và khả năng thương lượng của Tehran trong bất kỳ cuộc đàm phán nào với chính quyền ông Biden về JCPOA.

Tổng thống Biden đã ủng hộ việc Mỹ quay trở lại JCPOA, nhưng với điều kiện Iran khôi phục một số cam kết mà nước này đã từ bỏ để trả đũa việc ông Trump rút khỏi thỏa thuận. Tuy nhiên, Tehran đã bác bỏ điều kiện này và yêu cầu Mỹ trước tiên phải gỡ bỏ tất cả các lệnh trừng phạt. Mặc dù hai bên vẫn giữ thái độ cứng rắn, nhưng việc Tehran vẫn tỏ ra cứng đầu chờ đợi Washington xuống nước trước là điều không hề bất ngờ.

Người Iran theo truyền thống luôn cảnh giác trước một liên minh với bất kỳ cường quốc nào trên thế giới, mặc dù trong thời kỳ Shah cai trị, đất nước này đã trôi vào quỹ đạo của Mỹ.

Tuy nhiên, việc Mỹ liên tục gây áp lực và cô lập chế độ Hồi giáo, đặc biệt là dưới thời Trump đã khiến Tehran dần dần hướng về phía Đông và kết quả là ký kết thỏa thuận hợp tác với Trung Quốc.

Với việc Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang dần rời xa Mỹ để nghiêng về phía Trung Quốc và Iran, bất chấp sự khác biệt của Ankara và Tehran trong vấn đề Syria, các liên minh trên thực tế nổi lên ở một khu vực quan trọng về mặt kinh tế và chiến lược trên thế giới đang đặt ra thách thức lớn hơn đối với chính quyền ông Biden so với dự đoán.

Nếu Tổng thống Biden nghĩ rằng các mục tiêu chính sách đối ngoại chính của ông sẽ là Nga và Trung Quốc thì Trung Đông đang dần trở thành một mục tiêu khó xử lý khác./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục