Huy động hơn 2,47 triệu tỷ đồng trên thị trường trái phiếu Chính phủ

Mức huy động bình quân trên 206.000 tỷ đồng/năm, chiếm xấp xỉ 10% tổng vốn đầu tư của toàn xã hội năm 2020 và 28,3% tổng vốn đầu tư của khu vực Nhà nước năm 2020.
Huy động hơn 2,47 triệu tỷ đồng trên thị trường trái phiếu Chính phủ ảnh 1Ngân sách Nhà nước đã huy động 2,47 triệu tỷ đồng vốn trên thị trường sơ cấp. (Ảnh minh họa/Nguồn: TTXVN)

Ngày 24/9/2009, thị trường trái phiếu Chính phủ chuyên biệt chính thức khai trương và đi vào hoạt động tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX). Sau 12 năm, số liệu công bố từ HNX cho biết ngân sách Nhà nước đã huy động được 2,47 triệu tỷ đồng vốn trên thị trường sơ cấp, phục vụ cho nhu cầu đầu tư phát triển kinh tế đất nước.

Theo đó, mức huy động bình quân trên 206.000 tỷ đồng/năm, chiếm xấp xỉ 10% tổng vốn đầu tư của toàn xã hội năm 2020 và 28,3% tổng vốn đầu tư của khu vực Nhà nước năm 2020.

Khối lượng tăng, lãi suất giảm

Để huy động được khối lượng vốn trên, HNX cho biết tổ chức đã có hơn 2.600 phiên đấu thầu, với tỷ lệ huy động thành công bình quân đạt 60%-70% trên tổng khối lượng gọi thầu.

Đặc biệt, lãi suất huy động vốn trên thị trường trái phiếu Chính phủ đã giảm đáng kể trong 12 năm qua, điều này giúp tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước hàng nghìn tỷ đồng tiền trả lãi đồng thời hỗ trợ tích cực trong điều tiết kinh tế vĩ mô. Cụ thể, lãi suất huy động vốn trung bình đã giảm từ 4% đến 6%/năm trên tất cả các kỳ hạn; trong đó kỳ hạn 5 năm giảm mạnh nhất (từ 10,49%/năm 2009 xuống còn 1%/năm 2021) và kỳ hạn 10 năm (từ 9,7%/năm 2009 xuống còn 2,06%/năm 2021).

Huy động hơn 2,47 triệu tỷ đồng trên thị trường trái phiếu Chính phủ ảnh 2(Nguồn: HNX)

Bên cạnh đó, kỳ hạn phát hành của trái phiếu Chính phủ lại ngày càng tăng với kỳ hạn phát hành bình quân tăng từ 2-3 năm (trong năm 2009) lên 13,8 năm (trong năm 2020).

Trên thị trường thứ cấp, giao dịch trái phiếu Chính phủ cũng không ngừng tăng về quy mô và độ sâu, tiệm cận với các nước có thị trường trái phiếu Chính phủ phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Theo báo cáo của HNX, tổng dư nợ thị trường trái phiếu Chính phủ (tính đến hết tháng 8/2021) đạt 1,4 triệu tỷ đồng, gấp 8,7 lần quy mô năm 2009. Thanh khoản trái phiếu trong năm 2021 đạt mức 10.800 tỷ đồng/phiên và gấp 29,7 lần so với năm 2009. Giá trị giao dịch theo hình thức mua-bán lại tăng trưởng mạnh mẽ, từ quy mô khiêm tốn với tỷ trọng 6,5% trên tổng giá trị giao dịch (năm 2009) lên mức 33% tổng giá trị giao dịch toàn thị trường (năm 2021).

Sẽ tổ chức đấu thầu đa giá

Theo đại diện của HNX, thị trường trái phiếu Chính phủ đã trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho ngân sách Nhà nước, gắn công tác phát hành trái phiếu Chính phủ với tái cơ cấu nợ Chính phủ thông qua việc tập trung phát hành các kỳ hạn dài và đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư.

Về phương thức phát hành, đại diện Kho bạc Nhà nước cho biết đã tập trung phát hành theo phương thức đấu thầu để tăng tính cạnh tranh và công khai minh bạch trong tổ chức phát hành trái phiếu. Và sắp tới đây, phương thức đấu thầu đa giá sẽ được Kho bạc Nhà nước triển khai chính thức, nhằm tạo thêm tính linh hoạt trong việc xác định kết quả đấu thầu.

"Công tác phát hành trái phiếu Chính phủ đã khẳng định được vai trò là công cụ tái cơ cấu nợ công, giúp nợ công giảm tỷ trọng vay nước ngoài từ 73,6% năm 2010 xuống mức 63,4% (năm 2015) và 34,8% (năm 2021). Lãi suất bình quân huy động đã giảm từ khoảng 10% (năm 2009) xuống khoảng 2% (năm 2021), thông qua đó góp phần tái cơ cấu nợ công theo hướng an toàn, bền vững và tái cơ cấu giảm các đỉnh nợ rơi vào một số năm trở nên đồng đều hơn," đại diện của HNX nhấn mạnh.

Huy động hơn 2,47 triệu tỷ đồng trên thị trường trái phiếu Chính phủ ảnh 3(Nguồn: HNX)

Về mục tiêu phát triển thị trường trái phiếu Chính phủ trong các năm tới, HNX cho hay sẽ bám sát các quan điểm phát triển của thị trường chứng khoán trong giai đoạn mới với định hướng phát triển cả về quy mô và chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh của các tổ chức tham gia thị trường; trong đó chú trọng đổi mới, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến cũng như tiếp cận với các thông lệ và chuẩn mực quốc tế.

Cụ thể trên thị trường sơ cấp, HNX sẽ tập trung vào đa dạng hóa các sản phẩm trái phiếu, tăng quy mô các mã trái phiếu đồng thời đa dạng hóa các kỳ hạn phát hành, chủ động nghiệp vụ hoán đổi, mua lại để tái cơ cấu danh mục nợ trái phiếu Chính phủ.

Trên thị trường giao dịch thứ cấp, HNX cũng cho hay đang nghiên cứu để tăng cường vai trò của nhà tạo lập thị trường trái phiếu Chính phủ. Bên cạnh đó, HNX cũng chú trọng đẩy mạnh phát triển cơ sở nhà đầu tư dài hạn (như quỹ hưu trí tự nguyện, quỹ bảo hiểm liên kết) nhằm thu hút sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài, các định chế đầu tư chuyên nghiệp trên thế giới tham gia đầu tư vào trái phiếu Chính phủ Việt Nam nói chung và trái phiếu Chính phủ xanh nói riêng.

Ngoài ra, HNX cho biết trong thời gian tới sẽ tập trung phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ cả về chính sách, về sản phẩm, về giám sát thị trường và đẩy mạnh công tác phổ biến, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhà đầu tư./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục