Iran và 3 nước châu Âu cảnh báo hậu quả nếu Mỹ bỏ thỏa thuận hạt nhân

Ngày 19/4, Iran cảnh báo Mỹ về những hệ quả "không dễ chịu" nếu Washington từ bỏ thỏa thuận hạt nhân năm 2015 (còn được gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện - JCPOA).
Iran và 3 nước châu Âu cảnh báo hậu quả nếu Mỹ bỏ thỏa thuận hạt nhân ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Real Iran)

Ngày 19/4, Iran cảnh báo Mỹ về những hệ quả "không dễ chịu" nếu Washington từ bỏ thỏa thuận hạt nhân năm 2015 (còn được gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện - JCPOA) được ký kết giữa Iran và Nhóm P5+1 (gồm 5 ủy viên thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc là Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Mỹ cùng với Đức).

Đài truyền hình nhà nước Iran dẫn lời Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif khi ông tới New York (Mỹ), nêu rõ Iran có một số phương án nếu Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân, đồng thời khẳng định phản ứng của Tehran với việc Mỹ từ bỏ thỏa thuận sẽ "không dễ chịu."

Theo thỏa thuận kể trên, Iran đồng ý kiềm chế chương trình hạt nhân. Đổi lại, các nước sẽ dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với Iran. Nhưng sau khi lên cầm quyền, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đe dọa rút khỏi thỏa thuận mà ông cho là "tồi tệ này."

Mới đây, ông chủ Nhà Trắng đã ra hạn chót vào ngày 12/5 cho Anh, Pháp, Đức để sửa chữa một số điều khoản trong thỏa thuận hạt nhân 2015, hoặc ông sẽ từ chối tiếp tục nới lỏng các biện pháp trừng phạt của Mỹ với Iran.

Cùng ngày, theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, khoảng 500 nghị sỹ Đức, Pháp và Anh kêu gọi Quốc hội Mỹ ủng hộ thỏa thuận hạt nhân Iran mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đe dọa từ bỏ. Trong một bức thư ngỏ đăng trên nhiều tờ báo, các chính trị gia đã cảnh báo việc loại bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran có thể là nguồn gốc cho một cuộc xung đột tàn khốc ở Trung Đông và xa hơn nữa.

Các nghị sỹ của 3 quốc gia trên đánh giá rằng, thỏa thuận hạt nhân Iran 2015 là một "bước đột phá quan trọng trong ngoại giao" giúp kiềm chế nguy cơ hạt nhân từ Iran. Với thỏa thuận này, các chương trình hạt nhân của Iran đã được giám sát chặt chẽ, tháo dỡ hầu hết các cơ sở làm giàu hạt nhân và giảm nguy cơ một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân.

Cùng ngày, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng đã có những phát biểu bày tỏ quan ngại về chương trình tên lửa đạn đạo của Iran và muốn tham vấn Tổng thống Trump nối lại thỏa thuận hạt nhân Iran./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục