Khả năng hợp tác hai miền Triều Tiên sớm trở lại quỹ đạo

Chính phủ Hàn Quốc đã liên tục tìm cách hỗ trợ nhằm góp phần làm tăng nguồn cung năng lượng ở Triều Tiên. Đây cũng là cơ sở cho thấy sự hợp tác giữa hai miền Triều Tiên sẽ sớm trở lại quỹ đạo.
Khả năng hợp tác hai miền Triều Tiên sớm trở lại quỹ đạo ảnh 1 (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trong bài phát biểu chào mừng kỷ niệm 74 năm ngày Hàn Quốc thoát khỏi ách đô hộ của thực dân Nhật (15/8/2019), Tổng thống Moon Jae-in đã đưa ra cam kết nỗ lực xây dựng một nền kinh tế hòa bình với Triều Tiên như một biện pháp cụ thể nhằm hiện thực hóa quá trình thống nhất hai miền. 

Tổng thống Moon Jae-in nhận định một Hàn Quốc bị chia rẽ và tình hình an ninh bất ổn, đang gây bất lợi cho việc hợp tác kinh tế ở khu vực Đông Á, đồng thời khẳng định hòa bình và ổn định khu vực sẽ góp phần phát triển kinh tế.

Trên thực tế, chính quyền của Tổng thống Moon Jae-in luôn đề cập đến vấn đề hợp tác kinh tế song phương với Bình Nhưỡng trong các dự án xây dựng tuyến đường sắt xuyên biên giới cũng như các dự án xã hội khác, một phần trong nỗ lực hướng tới cải thiện quan hệ liên Triều.

Trong bối cảnh đại dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Corona chủng mới (COVID-19) đang lây lan ra quy mô toàn cầu, chính giới Hàn Quốc gần đây đã đề cập đến khả năng tái khởi động khu công nghiệp chung Kaesong (biểu tượng của sự hợp tác kinh tế liên Triều do có sự kết hợp vốn và công nghệ của Hàn Quốc với nguồn lao động giá rẻ của Triều Tiên) vốn bị đình chỉ hoạt động từ tháng 2/2016, để sản xuất khẩu trang.

Cũng giống như bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, Triều Tiên rất coi trọng ngành công nghiệp điện, một trong những ngành đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế. Phóng viên Kang Mi-jin của tờ "Daily NK" mới đây đã đưa ra một số thông tin hữu ích về tình hình năng lượng của Triều Tiên đồng thời gợi ý về cơ hội hợp tác mới giữa Seoul và Bình Nhưỡng trong lĩnh vực này.

Từ phụ thuộc nhiều vào thủy điện

Theo số liệu của Cục thống kê quốc gia Hàn Quốc, chỉ tính riêng trong năm 2016, 54% nguồn cung cấp điện của Triều Tiên là từ thủy điện, tiếp đến là từ nhiệt điện với 46%. Trong khi đó, ở Hàn Quốc điện năng sản xuất từ các nhà máy nhiệt điện chiếm 65%, năng lượng từ các nhà máy điện hạt nhân khoảng 30% và khoảng 3,6% là từ nguồn năng lượng tái tạo. Mặc dù Triều Tiên sản xuất được một lượng than rất lớn song các nhà máy nhiệt điện của nước này vẫn hoạt động kém hiệu quả, phần nhiều do trang thiết bị lỗi thời, không có khả năng cung ứng nhiều điện và thường xuyên hỏng hóc. Đây chính là lý do Triều Tiên chuyển sang tăng cường sản xuất điện năng từ nước. Thực tế, chi phí đầu tư cho thủy điện của nước này là tương đối thấp.

Đến nguồn cung không ổn định

Triều Tiên thường xuyên bị thiếu nước, một phần do hạn hán. Điều này cũng trở thành yếu tố khiến nguồn cung điện năng từ thủy điện của nước này không ổn định.

Theo Cục thống kê quốc gia Hàn Quốc, lượng điện mà Triều Tiên sản xuất được trong năm 2018 là 24,9 tỷ kWh, chỉ bằng 1/23 của Hàn Quốc với 570,6 tỷ kWh.

Đây cũng là mức chênh lớn nhất kể từ khi dữ liệu liên quan về năng lượng của Hàn Quốc và Triều Tiên bắt đầu được tổng hợp kể từ năm 1965. Chênh lệch lớn về năng lực sản xuất điện cũng phản ánh sự khác biệt rõ rệt trong đời sống của người dân ở hai miền Triều Tiên.

Gần đây, người dân Triều Tiên đã phần nào khắc phục được tình trạng thiếu năng lượng bằng cách chuyển sang sử dụng năng lượng Mặt Trời. Hôm 21/3, trang mạng tuyên truyền đối ngoại "Triều Tiên ngày nay" của chính quyền Bình Nhưỡng cho biết hệ thống sản xuất năng lượng Mặt Trời của nước này đã tăng 2,5 lần so với năm 2019.

Theo đó, Triều Tiên khuyến khích người dân nhận hoặc tự lắp đặt các tấm pin năng lượng Mặt Trời, đồng thời tạo điều kiện cấp giấy phép giao dịch nhanh cho mục đích sử dụng đó. Thực tế, nhiều người đã phải tự bỏ tiền ra để mua các tấm pin năng lượng Mặt Trời để khắc phục tình trạng thiếu điện.

Khuyến khích vai trò tự lực của người dân

Triều Tiên khuyến khích người dân tự giải quyết vấn đề thiếu điện đồng thời kêu gọi các chính quyền địa phương dồn toàn tâm toàn trí để đạt được mục tiêu "tự lực điện năng". 

Tờ "Lao động", Cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Triều Tiên, ngày 25/3, đã đưa tin về tình hình cạnh tranh "khốc liệt" giữa các địa phương của nước này để phát triển công nghiệp.

Bài báo ca ngợi các tỉnh, thành phố và quận huyện đã phát huy tiềm năng "tự thân" để khắc phục vấn đề thiếu hụt năng lượng, nhất là điện năng. Bằng cách này, Triều Tiên dường như đã thúc đẩy được sự cạnh tranh trong lĩnh vực sản xuất năng lượng giữa các địa phương trên cả nước.

Cơ hội cho sự hợp tác liên Triều

Mặc dù Triều Tiên đã nỗ lực sử dụng nhiều biện pháp khác nhau nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt năng lượng song thực tế cho thấy nước này vẫn thiếu điện nghiêm trọng. 

Trước tình hình đó, chính phủ Hàn Quốc đã liên tục tìm cách hỗ trợ nhằm góp phần làm tăng nguồn cung năng lượng ở Triều Tiên. Nhiều chuyên gia đã đề xuất phương án các công ty Hàn Quốc tham gia dự án cải tạo các nhà máy điện cũ ở Triều Tiên.

Bên cạnh đó, Hàn Quốc cũng có thể cùng tham gia xây dựng một tổ hợp năng lượng liên Triều tại thành phố Nampo, tỉnh Nam Pyongan ở Đông Bắc Triều Tiên, để tăng cường hợp tác giữa hai bên.

Nhà báo Kang Mi-jin kết luận: đó chỉ là một trong số khá nhiều dự án hợp tác đầy triển vọng về năng lượng mang tính khả thi cao giữa Hàn Quốc và Triều Tiên. Đây cũng là cơ sở cho thấy sự hợp tác giữa hai miền Triều Tiên sẽ sớm trở lại quỹ đạo, tạo đà cho việc tái khởi động tiến trình đàm phán phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục