Kiểm soát an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản

Theo kết quả kiểm tra 2 tháng đầu năm, tỷ lệ cơ sở sản xuất kinh doanh nông sản và giết mổ gia súc gia cầm xếp loại C vẫn còn cao.
Kết quả kiểm tra trong hai tháng đầu năm nay cho thấy, tỷ lệ cơ sở sản xuất kinh doanh nông sản và cơ sở giết mổ gia súc gia cầm xếp loại C vẫn còn ở mức cao; trong tổng số 108 mẫu vật tư nông nghiệp có đến 1/4 mẫu không đạt chất lượng.

Thông tin trên được ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản và thủy sản cho biết tại cuộc họp giao ban chuyên ngành này chiều 4/3, tại Hà Nội.

Trước thực trạng đó, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát đã chỉ đạo các đơn vị tiếp tục thực hiện các giải pháp để kiểm soát triệt để chất lượng an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản.

Thông tư 14 phải triển khai trên diện rộng

Thông tư 14/2011/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ban hành ngày 29/3/2011 quy định việc kiểm tra, đánh giá cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông lâm thủy sản nhằm kiểm tra, kiểm soát, đánh giá, giám sát chất lượng cơ sở kinh doanh. Nhưng theo báo cáo của Cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản cho thấy, sau gần hai năm triển khai, việc thực hiện Thông tư 14 còn rất chậm.

Trong hai tháng đầu năm nay đã có 1.045 lượt kiểm tra cơ sở kinh doanh nông lâm thủy sản triển khai tại 22 tỉnh, thành; thanh kiểm tra 262 cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp phát hiện 36 cơ sở vi phạm và phát hiện 27 mẫu trên tổng số 108 mẫu kiểm tra vi phạm về chỉ tiêu chất lượng. Dịp Tết Nguyên đán Quý Tỵ, các đoàn kiểm tra liên ngành phát hiện 24 trên tổng số 172 cơ sở không đạt yêu cầu về an toàn thực phẩm.

Ông Nguyễn Như Tiệp, cho biết thêm trong tháng Ba này, Cục sẽ trình Bộ ban hành văn bản chỉ đạo địa phương tập trung vào triển khai Thông tư 14 trên diện rộng và hoàn thiện các chương trình giám sát an toàn thực phẩm năm 2013 đối với một số sản phẩm động vật, thực vật, thủy sản chủ lực, rủi ro cao như rau, quả, chè, sản phẩm thịt gia súc, gia cầm, sản phẩm thủy sản.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh rằng trong số 59 tỉnh triển khai thực hiện Thông tư 14, kết quả còn chậm, chưa được đồng đều, chưa đầy đủ loại hình cơ sở. Vì vậy, cần đề xuất giải pháp cụ thể để các tỉnh triển khai mạnh mẽ hơn để tạo sự chuyển biến trên thực tiễn. Đặc biệt, phải chú trọng bốn tỉnh gồm An Giang, Hà Nam, Nam Định và Thái Bình chưa có báo cáo tình hình triển khai Thông tư 14, phải làm rõ nguyên nhân và thực tế triển khai cũng như những vướng mắc trong quá trình thực hiện thông tư để rút kinh nghiệm.

Theo Bộ trưởng, để thúc đẩy việc triển khai thực hiện Thông tư 14 đạt hiệu quả phải tăng cường việc kiểm tra tại các địa phương và các đơn vị chức năng phải họp với các địa phương để đôn đốc, chỉ đạo, có cách làm hay, cách làm hiệu quả, thậm chí nêu rõ điển hình tiên tiến để phổ biến cho các địa phương khác nhân rộng.

Thúc đẩy hình thành chuỗi thực phẩm an toàn

Cũng liên quan đến chất lượng an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản, ông Nguyễn Như Tiệp nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kiểm soát chuỗi cung cấp thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn.

Theo đó, Cục đã hoàn thành việc khảo sát, xây dựng mô hình mẫu kiểm soát an toàn thực phẩm chuỗi nông thủy sản tại Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh. Đồng thời, từ tháng Ba này, Cục tổ chức, phổ biến, hướng dẫn một số địa phương khác triển khai xây dựng mô hình thí điểm kiểm soát an toàn thực phẩm chuỗi nông sản rau, thịt tại 8 tỉnh phía Bắc và thủy sản tại 4 tỉnh phía Nam.

Thời gian tới, Cục tiếp tục thí điểm kiểm soát chuỗi cung cấp thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn. Hiện, Cục đã cho lấy mẫu 3 sản phẩm rau ở tỉnh Vĩnh Phúc, thực phẩm ở Bắc Ninh và cá ở Thành phố Hồ Chí Minh để đánh giá nguy cơ rủi ro hướng đến thực hiện quản lý theo chuỗi. Việc lấy mẫu để xác định từng công đoạn, xem xét chỉ tiêu nào bị phát hiện và có rủi ro cao, từ đó xây dựng mô hình kiểm soát. Tuy nhiên, công việc này đòi hỏi từng cơ sở sản xuất phải xây dựng hệ thống đảm bảo chất lượng cùng với sự giám sát cộng đồng cộng và việc kiểm tra định kỳ và đột xuất của cơ quan có thẩm quyền để hình thành “1 chuỗi” quản lý chất lượng từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ sản phẩm.

Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng nhấn mạnh rằng để kết hợp quản lý theo hệ thống, theo chuỗi thì phải phân tích, đánh giá nguy cơ rủi ro, nếu không biết nguy cơ rủi ro ở khâu nào thì việc quản lý rất phân tán, kém hiệu quả.

Bên cạnh đó, để thúc đẩy việc hình thành chuỗi thực phẩm an toàn cần phải tập trung vào khâu trọng điểm và làm rõ sản phẩm. Như đối với sản phẩm rau hay chè, việc thúc đẩy kiểm soát an toàn thực phẩm chuỗi không chỉ là kiểm tra hay hô hào mà các đơn vị chức năng như Cục trồng trọt, Cục bảo vệ thực vật, Cục quản lý chất lượng cùng các đơn vị liên quan phải rà lại tất cả các công đoạn và phải có giải pháp cho từng công đoạn hợp lý mới tạo được sự chuyển biến.

Về việc kiểm soát an toàn thực phẩm theo chuỗi, ông Nguyễn Như Tiệp cho biết hiện, mới đang làm thí điểm nên cần thời gian khoảng 6 tháng mới có thể tổng kết, sơ kết, đánh giá kết quả, rút ra những kinh nghiệm từ đó điều chỉnh và tiếp tục thí điểm, triển khai trên diện rộng để mô hình kiểm soát an toàn thực phẩm theo chuỗi “vận hành” đạt hiệu quả cao./.

Thu Hà (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục