Laptop, linh kiện máy tính “bão giá” vì thiếu hụt nguồn cung

Tiền kỹ thuật số và dịch bệnh COVID-19 đang quay cuồng trên khắp thế giới dẫn đến việc linh kiện máy tính và laptop thiếu hụt nguồn cung trầm trọng và tăng giá mạnh.
Nhiều mẫu laptop, card màn hình đang trong tình trạng cháy hàng, tăng giá cao. (Ảnh minh hoạ: Minh Hiếu/Vietnam+)
Nhiều mẫu laptop, card màn hình đang trong tình trạng cháy hàng, tăng giá cao. (Ảnh minh hoạ: Minh Hiếu/Vietnam+)

Trong bối cảnh ngày càng phát triển công nghệ số như hiện nay, việc sử dụng máy tinh cá nhân-laptop đang là xu hướng tất yếu. Đặc biệt, dịch bệnh COVID-19 đang diễn ra khiến nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam, nên người dân đang phải dần quen với làm việc online tại nhà khiến nhu cầu mua sắm máy tính, laptop tăng mạnh.

Tuy nhiên, nguồn cầu thì lớn mà nguồn cung lại hạn chế đã khiến tình trạng khan hàng, cháy hàng xảy ra từ cuối năm ngoái cho đến năm nay đồng thời giá linh kiện máy tính, laptop cũng được đẩy lên nhanh chóng.

Giá laptop tăng cao, card đồ hoạ cháy hàng

Khảo sát một số cửa hàng máy tính trên địa bàn Hà Nội như HanoiComputer, An Phát, Phong Vũ... cho thấy không chỉ khan hiếm mà hầu hết các mẫu laptop đã bắt đầu tăng giá vùn vụt.

Theo các hệ thống kinh doanh máy tính, từ tháng Hai, hãng Dell đã có động thái áp dụng giá mới tăng thêm từ 250 nghìn đến 2,5 triệu đồng/sản phẩm. HP cũng đã điều chỉnh giá mới cho các sản phẩm Pavilion sử dụng chip Intel Core i thế hệ thứ 11. 

Cụ thể, từ đầu tháng Tư, thương hiệu laptop Acer đã áp dụng bảng giá mới tăng từ 5-10% tùy từng sản phẩm. Theo đó, mẫu Acer Nitro 5 AN515-44-R9JM tăng từ 21 lên 22 triệu đồng, còn mẫu Nitro 5 AN515-55-5923 có giá 24 triệu đồng, tăng 2 triệu đồng so với trước. Tương tự, sản phẩm laptop nhãn hiệu HP, Dell, Asus,... cũng đã “rục rịch” tăng giá từ vài trăm cho đến hơn 1 triệu đồng/sản phẩm.

Anh Đức Huy, chủ cửa hàng máy tính VD Store (phố Trung Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết hiện giá laptop đều đã tăng hơn so với vài tháng trước nếu so sánh với cùng 1 model, điều này khá nghịch lý bởi theo chu kỳ thì 1 model laptop sẽ thường theo xu hướng giảm giá dần chứ ít khi tăng ngược.

Bên cạnh laptop, việc mua linh kiện máy tính, đặc biệt là card đồ họa ngày càng trở nên khó khăn. Nhiều mẫu card đồ hoạ tăng giá hàng chục triệu đồng, thậm chí card đồ họa đã qua sử dụng vẫn có thể bán được giá cao hơn giá mua ban đầu, do bị gom hàng để đào tiền điện tử. Thời điểm đầu năm, nhiều cửa hàng laptop ghi nhận doanh số tăng tới hơn 500%.

Các mẫu card đồ họa liên tục tăng giá tại Việt Nam. Nhiều mẫu tăng gấp đôi, như GeForce GTX 1660 Super giá khoảng 4,9 triệu đồng đầu năm 2020, nay có giá 10 triệu đồng. Nhiều mẫu card cao cấp như RTX 3080/3090 tăng hàng chục triệu đồng, lên mức 40 đến 90 triệu đồng.

Laptop, linh kiện máy tính “bão giá” vì thiếu hụt nguồn cung ảnh 1Mẫu card màn hình RTX 3080 trong ảnh có giá 49.990.000 đồng tại TNC Store. (Ảnh: Minh Hiếu/Vietnam+)

Thậm chí, cơn sốt giá card đồ họa còn lan sang cả những mặt hàng cũ. Trên các "chợ" mua bán linh kiện máy tính, VGA cũ trở thành món hàng được săn lùng, từ những mẫu VGA giá vài triệu đồng cho đến những sản phẩm vài chục triệu đồng. Chẳng hạn, mẫu card đồ họa AMD RX580 giá khoảng 4 triệu đồng năm 2019, nay vẫn có thể bán lại với giá 7 đến 9 triệu đồng. Hay Nvidia RTX2080 có giá ban đầu 15 triệu đồng nay được nhiều người chấp nhận mua với giá 25-30 triệu đồng, dù đã qua sử dụng. Thậm chí, nhiều VGA hỏng, "chết" cũng được thu mua với giá cả triệu đồng.

Theo anh Huy, nguyên nhân chính dẫn đến việc tăng giá cao “chót vót” đối với laptop và các linh kiện đi kèm là do nhu cầu sử dụng thiết bị điện tử tăng cao do dịch COVID-19. Bên cạnh đó, các thiên tai thời gian gần đây cũng ảnh hưởng nặng nề đến sản lượng chip. Điển hình là bão tuyết ở Texas dẫn đến mất điện và làm sụt giảm sản lượng chip nhớ từ nhà máy Samsung. Ngoài ra, “cơn sốt” tiền số Bitcoin cũng góp phần không nhỏ dẫn đến tình trạng thiếu chip như hiện nay, với lượng tiêu thụ khổng lồ khiến card đồ họa khan hiếm trên toàn cầu.

“Hiện tại VD cũng đang thiếu khá nhiều 1 số model hot đến từ Asus hay Lenovo, một số model chạy RTX3000 Series cũng chỉ về nhỏ giọt, bán hết là lại phải chờ lô hàng tiếp theo khá lâu,” anh Huy cho biết.

Nhu cầu máy tính cá nhân vẫn sẽ tăng

Việc laptop tăng giá đã được dự báo từ trước. Hồi cuối tháng 3/2021, trang Gizchina đã dự báo hai hãng laptop Acer và Asus sẽ điều chỉnh giá từ 5 đến 10% đồng thời cho rằng đây là đợt tăng giá đáng kể nhất của thị trường laptop 10 năm trở lại đây. Trang này dẫn lời một số nguồn tin trong ngành cho rằng dịch bệnh khiến nhu cầu sử dụng các sản phẩm công nghệ tăng, nguồn cung chip không đủ đáp ứng, dẫn đến tăng giá chip và kéo theo là mức giá của các sản phẩm đầu cuối như laptop cũng tăng theo.

Gizchina dẫn lời Chen Junsheng - Chủ tịch của Acer, cho biết hãng hiện chỉ có thể đáp ứng được khoảng một phần ba số đơn hàng. Trong khi đó, Asus cũng có chênh lệch cung-cầu khoảng 25 đến 30%.

Quay trở lại thị trường Việt, anh Nguyễn Ngọc Trường, trưởng cửa hàng máy tính TNC (phố Trần Đại Nghĩa, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) tiết lộ hiện tại các hãng máy tính cũng chưa thể đưa ra được thời gian nguồn hàng sẽ ổn định trở lại. Đại diện các hệ thống bán lẻ đều dự đoán sớm nhất đến quý 4/2021, hàng hóa mới cơ bản đáp ứng đầy đủ nhu cầu tại thị trường Việt Nam.

[Doanh nghiệp điện tử đối mặt với thiếu hụt nguyên liệu sản xuất]

Tuy nhiên, có thể thấy bên cạnh việc tăng giá thì nhu cầu sử dụng laptop/máy tính cá nhân của người dùng đang ngày càng phát triển hơn, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang diễn ra khiến nhiều nơi trên thế giới, trong  đó có cả Việt Nam đang dần quen với việc làm việc online tại nhà (work from home).

“Tuy là mùa thấp điểm nhưng khách hàng đến với cửa hàng TNC trong dịp quý 1 và đầu quý 2 tăng trưởng rất tốt và đều so với cùng kỳ. Hiện tại, TNC chủ yếu tập trung vào phân khúc gaming điểm thêm vài mã văn phòng hot,” anh Nguyễn Ngọc Trường cho biết.

Laptop, linh kiện máy tính “bão giá” vì thiếu hụt nguồn cung ảnh 2Những mẫu laptop mỏng, nhẹ cấu hình cao là xu hướng của nhiều khách hàng. (Ảnh minh hoạ: Tinh tế)

Theo anh Trường, phân khúc bán tốt nhất vẫn là máy tính tầm trung với thiết kế, cấu hình và giá đều hợp lý cho những nhu cầu học tập và làm việc cơ bản. Tuy nhiên, phân khúc giá cận cao cấp và cao cấp (hơn 20 triệu) mới là nhóm có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất khi có sự đóng góp đáng kể từ máy tính gaming và máy tính mỏng, nhẹ. 

Máy tính đang dần trở thành sản phẩm thiết yếu được chú trọng như thời kỳ bùng nổ smartphone 5 năm trước, khi mọi mọi thứ: học tập, làm việc, mua sắm, giải trí giờ đã được “online hoá”. Do đó, việc nâng cấp và sở hữu cho riêng mình một laptop đang dần trở thành tiêu chuẩn. Hơn nữa, máy tính ngày nay rất đa dạng mẫu mã, cấu hình, phân khúc giá,... giúp việc cá nhân hoá cho mỗi nhóm người dùng ngày càng dễ dàng hơn.

Chia sẻ về xu hướng tiêu dùng cũng như sức mua trong dịp Hè năm nay, anh Trường cho biết hiện tại do laptop chỉ tăng giá nhẹ, ngoài ra cấu hình laptop cũng tốt hơn rất nhiều so với cùng tầm tiền 1 năm về trước nên sức mua trong mùa cao điểm Hè sẽ không hề suy giảm thậm chí còn tăng hơn năm trước. "Các dòng máy tính có thiết kế đẹp với người dùng phổ thông và máy tính có cấu hình cao mà vẫn mỏng, nhẹ với người dùng chơi game đang là xu hướng tiêu dùng giai đoạn nửa sau của năm 2021"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục