Lệnh ngừng bắn tại Donbass sẽ được thực thi từ ngày 20/2

Các ngoại trưởng Nhóm Bộ tứ Normandy đều ủng hộ quyết định mà Nhóm Tiếp xúc về vấn đề Ukraine vừa thống nhất, theo đó một lệnh ngừng bắn và rút vũ khí hạng nặng sẽ được thực thi từ ngày 20/2.
Lệnh ngừng bắn tại Donbass sẽ được thực thi từ ngày 20/2 ảnh 1Ngoại trưởng các nước thuộc Nhóm Bộ tứ Normandy (từ trái sang): Ukraine - Pavlo Klimkin, Pháp - Jean-Marc Ayrault, Nga - Sergei Lavrov và Đức - Sigmar Gabriel sau cuộc đàm phán ở Munich ngày 18/2. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 18/2, các ngoại trưởng Nhóm Bộ tứ Normandy (gồm Nga, Pháp, Đức và Ukraine) đã nhóm họp bên lề Hội nghị An ninh quốc tế đang diễn ra tại thành phố Munich của Đức, trong đó thảo luận tiến trình thực hiện thỏa thuận về giải quyết hòa bình cuộc xung đột tại Donbass, miền Đông Ukraine.

Phát biểu sau cuộc gặp, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết các ngoại trưởng Nhóm Bộ tứ Normandy đã xem xét tiến trình thực hiện thỏa thuận mà tổng thống 3 nước Nga, Pháp, Ukraine và Thủ tướng Đức đạt được hồi tháng 11 năm ngoái tại Berlin, nhưng nhận thấy chưa có kết quả lớn nào.

Thỏa thuận này quy định thành lập các khu vực an toàn ở đường giới tuyến và tự nguyện rút các loại vũ khí hạng nặng, Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) tiến hành giám sát thường xuyên cả ngày lẫn đêm tại cả các khu vực an toàn ở đường giới tuyến và những khu vực mà vũ khí hạng nặng được cất giữ.

Các bên đều nhất trí cần đề ra một lộ trình nêu rõ tất cả các bước thực thi phần chính trị trong thỏa thuận hòa bình Minsk 2.

Dù không đạt được kết quả lớn trong việc thực thi thỏa thuận nói trên, nhưng Ngoại trưởng Nga cho biết các bộ trưởng đều ủng hộ quyết định mà Nhóm Tiếp xúc về vấn đề Ukraine vừa thống nhất, theo đó một lệnh ngừng bắn và rút vũ khí hạng nặng sẽ được thực thi từ ngày 20/2 tới.

Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel nhấn mạnh Nhóm Bộ tứ Normandy sẽ sử dụng ảnh hưởng của mình để duy trì lệnh ngừng bắn mới này.

Ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault khẳng định việc thực thi thỏa thuận hòa bình Minsk vẫn là giải pháp duy nhất để giải quyết cuộc xung đột tại miền Đông Ukraine. Theo ông, không có biện pháp nào có thể thay thế thỏa thuận Minsk.

Trong khi đó, phía Nga cũng hy vọng rằng chính quyền Kiev và lực lượng đòi độc lập ở Donbass sẽ nhất trí trao đổi tù nhân theo nguyên tắc "một đổi một."

Về phần mình, Ngoại trưởng Ukraine Pavel Klimkin cho biết việc soạn thảo lộ trình giải quyết cuộc khủng hoảng tại Donbass sẽ được tiếp tục trong thời gian tới.

Người đứng đầu ngành ngoại giao Nga cũng thông báo các ngoại trưởng Nhóm Bộ tứ Normandy đều chỉ trích việc phong tỏa khu vực Donbass, cho rằng hành động này là không thể chấp nhận được, đồng thời yêu cầu ngừng ngay hành động này.

Khu vực Donbass bị các phần tử cực đoan phong tỏa bằng cách ngăn chặn hoạt động của hệ thống giao thông đường sắt và đường bộ, đồng thời đe dọa cắt đứt hoàn toàn hệ thống liên lạc với khu vực này của Ukraine.

Thỏa thuận Minsk được coi là cơ sở để giải quyết hòa bình cuộc xung đột tại Donbass.

Thỏa thuận này không chỉ đề ra cơ chế ngừng bắn, rút vũ khí, ân xá, khôi phục quan hệ kinh tế, mà còn tiến hành cải cách hiến pháp sâu rộng tại Ukraine. Tuy nhiên, đến nay, các bên xung đột vẫn cáo buộc nhau chưa thực thi triệt để thỏa thuận này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục