LHQ yêu cầu Israel dỡ bỏ lệnh phong tỏa Gaza

Nghị quyết của Hội đồng Nhân quyền yêu cầu Israel trả tự do cho tất cả những người bị giam giữ và trả lại toàn bộ vật dụng trên tàu.
Ngày 2/6 Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc đã quyết định cử đội điều tra quốc tế độc lập đến Dải Gaza để xác định Israel có vi phạm luật quốc tế hay không trong vụ tấn công đội tàu nhân đạo trên hải phận quốc tế hôm 31/5.

Với 32 phiếu thuận, 3 phiếu chống (Italy, Hà Lan và Mỹ) và 9 phiếu trắng, nghị quyết của Hội đồng Nhân quyền lên án vụ tấn công và yêu cầu Israel trả tự do cho tất cả những người bị giam giữ và trả lại toàn bộ vật dụng trên tàu.

Nghị quyết cũng kêu gọi Nhà nước Do Thái lập tức dỡ bỏ lệnh phong tỏa Gada.

Yêu cầu Israel dỡ bỏ phong tỏa Gaza

Ngày 2/6, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã yêu cầu Israel dỡ bỏ phong tỏa Gaza ngay lập tức và nhấn mạnh sự phong tỏa này là "sai lầm, phản tác dụng" và chính là nguyên nhân dẫn đến vụ việc tồi tệ ngày 31/5.

Tổng thư ký Liên đoàn Arập, ông Amr al-Moussa sau cuộc họp bộ trưởng các nước thuộc liên đoàn ngày 3/6 cho biết các nước Arập cũng sẽ đề nghị Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc yêu cầu Israel ngừng phong tỏa Gaza.

Vụ việc trên là trọng tâm cuộc hội đàm giữa Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas và Đặc phái viên Mỹ về vấn đề Trung Đông George Mitchell tối 2/6 tại Ramallah.

Trưởng đoàn đàm phán Palestine Saeb Erakat cho biết tại cuộc gặp kéo dài 2 giờ, Tổng thống Abbas đã yêu cầu Tel Aviv chấm dứt phong tỏa Dải Gaza.

Các cuộc thảo luận cũng tập trung vào vấn đề an ninh và biên giới của một Nhà nước Palestine trong tương lai. Tuy nhiên, ông Mitchell không đưa ra bất cứ bình luận gì sau cuộc hội đàm trên.

Tại Washington, người phát ngôn của Nhà Trắng Bill Burton ngày 2/6 tuyên bố Tổng thống Barack Obama vẫn cam kết đảm bảo an ninh cho Israel và cố gắng không để xảy ra một vụ tấn công tương tự.

Washington phản ứng chừng mực

Thư ký báo chí của Nhà Trắng, ông Robert Gibbs trước đó đã khẳng định "Israel là đồng minh quan trọng" và Washington không thay đổi sự ủng hộ đối với an ninh của nước này.

Một số tờ báo ở Mỹ nhận xét chính quyền Tổng thống Obama phản ứng chừng mực trước vụ tấn công của Israel trên hải phận quốc tế. Washington mới chỉ ký vào nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc lên án cuộc tấn công này nhưng không lên án đích danh Israel.

Trong diễn biến liên quan, Tổng thống Obama ngày 2/6 quyết định ngừng kế hoạch chuyển Đại sứ quán Mỹ tại Israel từ Tel Aviv sang Jerusalem. Ông Obama cho rằng quyết định trên là "cần thiết để bảo vệ các lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ."

Do tính nhạy cảm của Jerusalem, hai người tiền nhiệm của Tổng thống Obama là Bill Clinton và George W. Bush cũng đã nhiều lần đình chỉ việc di dời đại sứ quán.

Israel chủ trương tiếp tục phong tỏa

Về phía Israel, Thủ tướng Benjamin Netanyahu tối 2/6 đã tỏ chủ trương tiếp tục phong tỏa đường biển xung quanh Dải Gaza, với lý do để khu vực này không trở thành một cảng của Iran đe dọa Địa Trung Hải.

Phát biểu trên truyền hình, ông Netanyahu nói đội tàu bị tấn công nói trên đến Gaza "vì hoạt động khủng bố" và khẳng định Nhà nước Do Thái sẽ "tiếp tục sử dụng quyền phòng vệ."

Ông Netanyahu cho rằng Iran đang tiếp tục chuyển vũ khí cho Phong trào Hồi giáo Hamas, đặc biệt là rocket và tên lửa dùng để bắn vào lãnh thổ Israel xung quanh Dải Gaza, ngoại ô Tel Aviv và Đông Jerusalem.

Thủ tướng Israel nhấn mạnh nhiệm vụ của nước này là "ngăn chặn vũ khí tuồn vào Gaza qua đường bộ, đường không và đường thủy."

Cùng ngày, toàn bộ các nhà hoạt động ủng hộ Palestine bị Israel giam giữ sau cuộc tấn công hôm 31/5 đã được trả tự do và chờ về nước. Hiện chưa có thông tin cụ thể về tình trạng của những người bị thương đang được điều trị tại các bệnh viện của Israel.

Theo truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ, chiếc chuyên cơ chở hai nhà hoạt động bị thương nặng từ Israel đã về đến thủ đô Ankara.

Trong khi đó, quân đội Israel cho biết Phong trào Hamas không cho mang vào Dải Gaza số hàng viện trợ mà Tel Aviv thu giữ trong vụ tấn công hôm 31/5.

Theo phát ngôn viên quân đội Israel, 20 chiếc xe tải chở số hàng trên không vào được Gaza do Hamas chặn lại và không tiếp nhận.

Người phát ngôn của Hamas không bình luận về thông tin này của phía Israel, song khẳng định nhà chức trách Gaza chưa nhận bất kỳ hàng cứu trợ nào, đồng thời nhấn mạnh ưu tiên hàng đầu việc trả tự do và đưa về nước các nhà hoạt động nhân đạo. Hamas cũng cho rằng việc giao hàng viện trợ cần có sự phối hợp của Thổ Nhĩ Kỳ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục