Luật phá sản: Cần mở rộng thẩm quyền tòa án các cấp

Tòa án nhân dân cấp tỉnh mới có thẩm quyền tiến hành thủ tục phá sản sẽ quá tải, do hiện có rất nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã qui mô nhỏ.

Hôm nay (13/11), Tòa án Nhân dân Tối cao sẽ trình bày nội dung dự án Luật Phá sản (sửa đổi) đồng thời Ban thường vụ Quốc hội cũng đưa ra báo cáo thẩm tra dự án Luật.

Trước đó, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã phối hợp với Chính phủ, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, các cơ quan hữu quan thẩm tra cho ý kiến về Dự án Luật. Tiếp thu các ý kiến đóng góp, Tòa án nhân dân tối cao đã chỉnh lý một số điểm tại Dự án Luật.

Cụ thể, tiêu chí xác định doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản là khi khoản nợ không có bảo đảm hoặc chỉ được bảo đảm một phần đã đến hạn, không có tranh chấp và chủ nợ đã có yêu cầu thanh toán nhưng doanh nghiệp, hợp tác xã sau khi đã áp dụng các biện pháp tài chính cần thiết mà vẫn không có khả năng thanh toán được khoản nợ đến hạn đó.

Tuy nhiên, luật sư Võ Thanh Vị, Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất, Dự thảo nên bổ sung các biện pháp xử lý và chế tài vi phạm pháp luật khi các doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản mà không nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.

Theo Dự thảo, quản tài viên (luật sư được cấp chứng chỉ hành nghề quản tài viên) do Tòa án chỉ định sẽ được giao quản lý, thanh lý tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã khi lâm vào tình trạng phá sản.

Nhưng, ông Trần Quốc Bình, Phó chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Phú Thọ cho rằng, như vậy là chưa phù hợp vì một người quyết định khối lượng lớn tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã sẽ không thể khách quan được.

“Nên giao việc quản lý và thanh lý tài sản cho cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp với tòa án tiến hành thủ tục phá sản,” ông Bình kiến nghị.

Bên cạnh đó, ông Vị cũng cho rằng, cần quy định cụ thể hơn trách nhiệm của Quản tài viên khi vi phạm pháp luật hoặc không hoàn thành nhiệm vụ được giao, chứ không chỉ áp dụng biện pháp bị thay thế hoặc bị bãi nhiệm.

Ngoài ra, một số đại diện doanh nghiệp đề xuất, việc phân chia giá trị tài sản tại doanh nghiệp, hợp tác xã tuyên bố phá sản nên ưu tiên cho các khoản nợ tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã trước khi thanh toán các nghĩa vụ đối với nhà nước.

Về vấn đề này, Tòa án nhân dân tối cao cho rằng, đây là trách nhiệm của doanh nghiệp, hợp tác xã đối với cộng đồng và xã hội được pháp luật quy định. Do đó, Dự thảo cần giữ phương án ưu tiên thanh toán đối với các khoản nợ ngân sách nhà nước trước khi thanh toán cho các chủ nợ.

Việc phân cấp thẩm quyền tòa án tại Dự thảo vẫn thu hút nhiều ý kiến quan tâm. Ông Bình quan ngại, chỉ tòa án nhân dân cấp tỉnh mới có thẩm quyền tiến hành thủ tục phá sản sẽ gây quá tải, vì trên thực tế đang có rất nhiều hợp tác xã quy mô nhỏ, chủ yếu được đăng ký kinh doanh ở cấp huyện.

Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho biết, các ý kiến, đóng góp dự án Luật Phá sản từ phía cộng đồng chủ yếu vẫn xoay quanh vấn đề mở rộng thẩm quyền của tòa án nhân dân cấp huyện, tăng thời hạn quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản lên 60 ngày, tăng thời gian niêm yết danh sách người mắc nợ lên 30 ngày để đảm bảo quyền lợi các bên, không nên có sự phân biệt giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác (điều này góp phần hạn chế tình trạng đảo nợ, giấu nợ, bơm thêm vốn duy trì doanh nghiệp kém hiệu quả, phản ánh không trung thực thực trạng hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước)./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục