Lực lượng Houthi tấn công cơ sở lọc dầu của Saudi Arabia

Lực lượng Houthi tại Yemen tuyên bố đã sử dụng 6 thiết bị bay không người lái mang vật liệu nổ trong một loạt vụ tấn công vào các cơ sở lọc dầu của Saudi Aramco của Saudi Arabia.
Lực lượng Houthi tấn công cơ sở lọc dầu của Saudi Arabia ảnh 1Một bể chứa dầu bị hư hỏng sau vụ tấn công bằng tên lửa do lực lượng Houthi ở Yemen tiến hành nhằm vào nhà máy phân phối các sản phẩm dầu mỏ phía Bắc thành phố Jeddah, Saudi Arabia ngày 24/11/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày 19/3, Bộ Năng lượng Saudi Arabia cho biết một cơ sở lọc dầu ở thủ đô Riyadh của nước này đã bị tấn công bằng các thiết bị bay không người lái.

Thông báo của Bộ Năng lượng Saudi Arabia nêu rõ cơ sở lọc dầu trên thuộc Tập đoàn dầu mỏ quốc doanh Saudi Aramco.

Vụ tấn công không gây thiệt hại về người và làm gián đoạn nguồn cung dầu, nhưng gây hỏa hoạn. Lực lượng chức năng đã nhanh chóng dập tắt đám cháy.

[Máy bay không người lái của Houthi tấn công sân bay Saudi Arabia]

Trước đó cùng ngày, lực lượng Houthi tại Yemen tuyên bố đã sử dụng 6 thiết bị bay không người lái mang vật liệu nổ trong một loạt vụ tấn công vào các cơ sở lọc dầu của Saudi Aramco của Saudi Arabia.

Thời gian gần đây, lực lượng Houthi đã tăng cường các vụ tấn công qua biên giới nhằm vào Saudi Arabia, trong bối cảnh Mỹ và Liên hợp quốc đang thúc đẩy lệnh ngừng bắn để khôi phục tiến trình hòa đàm chính trị bị đình trệ lâu nay.

Mới đây nhất, ngày 7/3, Houthi đã phát động cuộc tấn công vào trung tâm ngành dầu mỏ của Saudi Arabia, trong đó có cơ sở lọc dầu quan trọng Saudi Aramco ở Ras Tanura. Mỹ và Liên hợp quốc đã lên án vụ tấn công này.

Yemen rơi vào cuộc nội chiến kể từ năm 2014 khi các tay súng của Houthi đánh chiếm thủ đô Sanaa và chính phủ của Tổng thống Mansour Hadi phải lưu vong.

Năm 2015, một liên minh quân sự giữa các quốc gia Arab do Saudi Arabia đứng đầu can thiệp vào Yemen để hỗ trợ chính quyền Tổng thống Hadi khôi phục quyền lực.

Theo Liên hợp quốc, đến nay, xung đột tại Yemen đã cướp đi sinh mạng của hàng chục nghìn người, phần lớn là dân thường, gây ra cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất thế giới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục