Mong manh hy vọng huy chương cho đoàn Thể thao Việt Nam

Sau thất bại của niềm hy vọng giành huy chương lớn nhất là xạ thủ Hoàng Xuân Vinh và lực sỹ Thạch Kim Tuấn, cơ hội giành huy chương tại Olympic Tokyo của Thể thao Việt Nam vẫn còn nhưng rất mong manh.
Mong manh hy vọng huy chương cho đoàn Thể thao Việt Nam ảnh 1Đoàn thể thao Việt Nam diễu hành tại lễ khai mạc Olympic Tokyo 2020 trên sân vận động Olympic ở Tokyo (Nhật Bản), ngày 23/7/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Sau thất bại của 2 niềm hy vọng giành huy chương lớn nhất là xạ thủ Hoàng Xuân Vinh và lực sỹ Thạch Kim Tuấn, cơ hội giành huy chương tại Olympic Tokyo 2020 của Thể thao Việt Nam vẫn còn nhưng rất mong manh.

Thất bại về tâm lý 

Thạch Kim Tuấn đã đánh mất mình trong cuộc thi đấu tại Olympic Tokyo theo một kịch bản thực sự khiến các nhà chuyên môn thất vọng. Lực sỹ từng nằm trong top 5 thế giới môn cử tạ ở hạng 61kg thậm chí đã không có mặt trên bảng xếp hạng chung cuộc do không có thành tích ở nội dung đẩy với 2 lần không hoàn thành mức tạ 150kg và phạm quy ở lần cử 153kg. Trước đó, Thạch Kim Tuấn cũng chỉ đạt thành tích 126kg với lần hoàn thành động tác duy nhất trong 3 lần cử ở nội dung cử giật.

Mọi thông số chuyên môn ở Olympic Tokyo đều kém rất xa so với thành tích của Thạch Kim Tuấn trong các cuộc thi đấu ở hạng 61kg (trước đó là hạng 56kg) kể từ năm 2018 theo sự điều chỉnh của Liên đoàn Cử tạ thế giới.

Theo dõi phần thi đấu của Thạch Kim Tuấn, ông Đỗ Đình Kháng, Tổng thư ký Liên đoàn Cử tạ - Thể hình Việt Nam nhận định: “Thành tích của Tuấn rất thấp do tâm lý thi đấu không tốt. Trong tập luyện cũng như ở nhiều giải đấu trước đó, thành tích tổng cử của Tuấn thường xuyên từ mức 295kg trở lên.”

Trước đó, xạ thủ Hoàng Xuân Vinh, nhà đương kim vô địch Olympic nội dung 10m súng ngắn hơi cũng đã không thể giành quyền vào chung kết với thành tích 573 điểm, thấp hơn rất nhiều so với thành tích trong tập luyện từ 580 điểm đến 582 điểm, hay mức 581 điểm từng đưa anh vào chung kết tại Olympic Rio vào năm 2016. Nguyên nhân của thất bại được chính Hoàng Xuân Vinh lý giải là do anh bị căng cứng tâm lý kể từ loạt bắn thứ 4 trong 6 loạt bắn tại vòng đấu loại.

Yếu tố tâm lý, thiếu bản lĩnh trong thi đấu đang là nguyên nhân lớn nhất khiến các tuyển thủ của đoàn Thể thao Việt Nam không đạt mục tiêu đầu tiên là vượt qua chính mình tại Olympic, kể cả đối với các niềm hy vọng lớn nhất, có kinh nghiệm thi đấu quốc tế dày dặn và thành tích đã được khẳng định ở nhiều giải đấu trước đó.

Đơn cử như cuộc thi đấu ở môn cử tạ, chưa cần Thạch Kim Tuấn phải làm được điều gì quá sức, chỉ cần lực sỹ 27 tuổi giữ vững được thành tích tổng cử 295kg như anh vẫn thường xuyên làm được là đã có thể giành tấm Huy chương Đồng tại Olympic. Đây là điều thực sự tiếc nuối cho cá nhân Thạch Kim Tuấn, cũng như với đoàn Thể thao Việt Nam, bởi để giành huy chương, đôi khi không nhất thiết phải đạt được thành tích đặc biệt xuất sắc.

[Olympic Tokyo: Siêu sao Simone Biles bật khóc sau khi mắc lỗi khó tin]

Cơ hội mong manh

Với việc các niềm hy vọng lớn nhất lần lượt rời cuộc chơi, trong số 5 môn mà đoàn Thể thao Việt Nam đang và sẽ còn thi đấu gồm cầu lông, cử tạ, quyền Anh, bơi và điền kinh, cơ hội giành huy chương Olympic vẫn còn nhưng là cực kỳ mong manh và đòi hỏi các tuyển thủ phải có sự nỗ lực rất lớn để vượt qua chính mình trong các cuộc thi đấu. Bởi không khó để nhận thấy, đoàn Thể thao Việt Nam không có vận động viên Vận động viên nằm trong nhóm Vận động viên đạt tới đẳng cấp hàng đầu thế giới thời điểm hiện tại.

Ở môn cầu lông, thất bại của Nguyễn Tiến Minh trước Anders Antonsen (Đan Mạch) với tỷ số 0-2 (13/21, 13/21), coi như đã khép lại cơ hội đi tiếp của tay vợt này. Trong khi đó, Nguyễn Thùy Linh sẽ đối diện với thử thách đầy khó khăn trước tay vợt số 1 thế giới Tai Tzu Ying (Đài Loan, Trung Quốc) ở trận đấu tiếp theo và thực sự không có nhiều cơ hội để vào Tứ kết khi chỉ có 1 tấm vé duy nhất đi tiếp sau 3 trận đấu ở vòng bảng.

Với môn điền kinh, Quách Thị Lan chưa vào cuộc ở nội dung 400m rào nữ, song nhìn vào thành tích tốt nhất đạt được vào năm 2018 là 55 giây 30, chỉ cao hơn chút ít so với chuẩn A dự Olympic Tokyo là 55 giây 40 đủ cho thấy, nhà đương kim vô địch ASIAD 18 sẽ phải nỗ lực rất lớn mới có thể vượt qua vòng đấu loại, trước khi nhắm tới một mục tiêu cao hơn ở cuộc thi đấu với rất nhiều chân chạy xuất sắc nhất hiện nay của thế giới.

Ở môn quyền Anh, sau khi Nguyễn Thị Tâm nói lời chia tay ở hạng dưới 51kg, Nguyễn Văn Đương trở thành niềm hy vọng cuối cùng của đoàn Thể thao Việt Nam ở môn thể thao này. Thách thức rất lớn đang chờ đợi võ sỹ 25 tuổi phía trước, khi anh cần giành chiến thắng ít nhất 2 trận nữa mới có thể góp mặt ở vòng tranh huy chương ở hạng 52-57kg.

Trong đó, có thể Nguyễn Văn Đương sẽ đối đầu với Albert Batyrgaziev, võ sỹ người Nga giành ngôi vô địch vòng loại châu Âu ở Tứ kết.

Lúc này, hy vọng lớn nhất còn lại của đoàn Thể thao Việt Nam tiếp tục được đặt ở môn cử tạ với Hoàng Thị Duyên - nhà vô địch SEA Games 30. Thành tích tốt nhất trong sự của Hoàng Thị Duyên là mức tổng cử 223kg (cử giật 110kg, cử đẩy 123kg) tại giải.

Vô địch thế giới vào năm 2018 và ổn định ở mức 210kg - 216kg tại các giải quốc tế trong 3 năm qua. Nếu như có thể tái lập được thành tích 223kg trong cuộc thi đấu tại Olympic Tokyo, nữ lực sỹ 25 tuổi người Lào Cai có thể mở ra một hy vọng tranh chấp huy chương cho đoàn Thể thao Việt Nam trong các cuộc thi đấu cuối cùng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục