Năm 2023, thanh tra ngành Thuế đã kiến nghị xử lý gần 61.600 tỷ đồng

Thông tin từ Cơ quan Thuế, công tác thanh tra, kiểm tra thuế đã chú trọng tập trung vào các ngành, lĩnh vực rủi ro cao, có khả năng thất thu như bất động sản, giao dịch liên kết, thương mại điện tử.

Ngành thuế đã ban hành Quy trình Kiểm tra thuế với mục tiêu tăng cường công tác thanh kiểm tra để ngăn chặn tình trạng gian lận, trốn thuế. (Ảnh: Vietnam+)
Ngành thuế đã ban hành Quy trình Kiểm tra thuế với mục tiêu tăng cường công tác thanh kiểm tra để ngăn chặn tình trạng gian lận, trốn thuế. (Ảnh: Vietnam+)

Năm 2023, thông tin từ Tổng cục Thuế cho biết toàn ngành đã thực hiện trên 66.200 cuộc thanh tra, kiểm tra, đạt 91% kế hoạch. Theo đó, tổng số tiền kiến nghị xử lý qua thanh tra, kiểm tra gần 61.600 tỷ đồng và bằng 97% so với cùng kỳ của năm 2022.

Theo báo cáo của Cơ quan Thuế, công tác thanh tra, kiểm tra thuế đã chú trọng tập trung vào các ngành, lĩnh vực có rủi ro cao, có khả năng thất thu như bất động sản, giao dịch liên kết, thương mại điện tử. Bên cạnh đó, nguyên tắc thanh tra, kiểm tra được áp dụng theo cơ chế quản lý rủi ro. Trên cơ sở đó, ngành đã ban hành Quy trình Kiểm tra thuế với mục tiêu tăng cường công tác thanh kiểm tra để ngăn chặn tình trạng gian lận, trốn thuế.

Cùng với đó, Tổng cục Thuế thông tin đã đẩy mạnh công tác đôn đốc thu nợ và tiến hành rà soát, phân tích, phân loại nợ, xác định rõ nguyên nhân từng khoản nợ để áp dụng biện pháp thu nợ. Tuy nhiên, chủ trương của ngành vẫn luôn chú trọng nắm bắt và tháo gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp, người nộp thuế để xử lý gia hạn nộp thuế, nộp dần tiền nợ. Song với doanh nghiệp có khả năng nộp thuế nhưng chây ỳ, Cơ quan Thuế kiên quyết áp dụng đầy đủ các biện pháp cưỡng chế thu nợ theo quy định pháp luật về thuế. Kết quả, trong năm 2023, toàn ngành Thuế đã thu hồi xấp xỉ 41.560 tỷ đồng; trong đó thu bằng biện pháp quản lý nợ là 37.600 tỷ đồng và thu bằng biện pháp cưỡng chế nợ trên 3.950 tỷ đồng.

Mặt khác, cơ quan thuế thực hiện đa dạng hình thức tuyên truyền và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả, tương tác giữa cơ quan thuế với người nộp thuế. Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế và 63 Cục Thuế trên toàn quốc liên tục cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật về thuế, các chính sách thuế mới và đẩy mạnh triển khai hỗ trợ giải đáp vướng mắc thông qua các hình thức trực tuyến. Kết quả, ngành Thuế đã giải quyết vướng mắc qua hình thức thư điện tử cho hơn 5,3 triệu lượt người nộp thuế và thực hiện hỗ trợ cho hơn 300.000 lượt người thông qua zalo, fanpage của Cơ quan Thuế.

Ngoài ra, toàn ngành cũng tổ chức trên 620 buổi đối thoại với 135.000 lượt người nộp thuế tham gia và 630 lớp tập huấn về các chính sách mới với 112.000 người tham dự. Cơ quan Thuế đã trực tiếp hướng dẫn cho khoảng 802.000 lượt người nộp thuế và 26.000 văn bản trả lời vướng mắc tại bộ phận “một cửa.”

Năm 2023, Hệ thống Khai thuế điện tử được triển khai tại 63/63 tỉnh, thành phố và 100% Chi cục Thuế trực thuộc với 99,9% doanh nghiệp tham gia sử dụng dịch vụ và hơn 15,6 triệu hồ sơ được tiếp nhận. Số liệu từ Cơ quan Thuế cho thấy toàn quốc có 922.650 doanh nghiệp đang kinh doanh, tăng hơn 4% so với cùng kỳ năm 2022.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, ngành Thuế đã quyết liệt chỉ đạo cơ quan thuế các cấp đẩy nhanh tiến độ giải quyết hoàn thuế giá trị gia tăng theo đúng quy định của pháp luật. Kết quả, Cơ quan Thuế đã ban hành trên 17.750 quyết định hoàn thuế với tổng số tiền là 135.875 tỷ đồng và bằng 84,9% ước thực hiện Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ, tương ứng 95% cùng kỳ năm 2022./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục