Nghị sỹ Mỹ phản đối tách trẻ em nhập cư trái phép khỏi cha mẹ

Dự luật Keep Families Together (Giữ Gia đình bên nhau) được toàn bộ 32 thượng nghị sỹ Dân chủ ủng hộ, theo đó cấm việc chia tách các các gia đình nhập cư không có giấy tờ đầy đủ
Nghị sỹ Mỹ phản đối tách trẻ em nhập cư trái phép khỏi cha mẹ ảnh 1Người di cư tìm kiếm khả năng nhập cư vào Mỹ, chờ đợi tại khu vực Tijuana thuộc biên giới Mỹ-Mexico ngày 12/11/2017. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 12/6, các thượng nghị sỹ đảng Dân chủ Mỹ đã kêu gọi chấm dứt việc tách các trẻ em trong các gia đình nhập cư bất hợp pháp khỏi cha mẹ mình, đồng thời đề xuất một dự luật cấm quyết định gây tranh cãi này của chính quyền Tổng thống Donald Trump.

Dự luật Keep Families Together (Giữ Gia đình bên nhau) được toàn bộ 32 thượng nghị sỹ Dân chủ ủng hộ, theo đó cấm việc chia tách các các gia đình nhập cư không có giấy tờ đầy đủ.

Dự luật nêu rõ các cơ quan chức năng Mỹ không được tách trẻ em khỏi bố mẹ "chỉ vì mục đính của chính sách là ngăn chặn các cá nhân nhập cư vào Mỹ hay vì mục đích đảm bảo việc tuân thủ luật nhập cư dân sự."

Theo Thượng nghị sỹ Dianne Feinstein, số liệu của Cơ quan Hải quan và bảo vệ biên giới Mỹ cho thấy trong khoảng thời gian 14 ngày của tháng 5 có 658 trẻ em đã bị tách khỏi 638 gia đình nhập cư, tương đương 47 trẻ em bị tách khỏi gia đình mỗi ngày.

[Mỹ công bố quy định mới về quy chế tị nạn tại biên giới]

Thượng nghị sỹ Feinstein nhấn mạnh: "Đây không phải nước Mỹ mà chúng tôi biết và chúng tôi ở đây để cố chấm dứt việc này."

Tuy nhiên, dự luật được cho là chỉ mang tính biểu tượng do không có bất kỳ nghị sĩ Cộng hòa nào ủng hộ trong khi các nhà lãnh đạo quốc hội chưa thể hiện ý định tiến hành bỏ phiếu.

Dự luật cho thấy sự phản đối mạnh mẽ đối với chính sách "không có sự khoan dung" của Tổng thống Donald Trump, có hiệu lực từ tháng 5 nhằm ngăn chặn hàng nghìn gia đình nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ mỗi tháng rồi xin tị nạn.

Quyết định của Tổng thống Trump đã gây ra làn sóng chỉ trích cả trong nước Mỹ và trên thế giới. Liên hợp quốc cho rằng chính sách này vi phạm nghiêm trọng quyền của trẻ em, đồng thời yêu cầu không việc thực thi chính sách này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục