Nhiều nghị sỹ Iraq tẩy chay cuộc bầu chọn tổng thống vào ngày 7/2

Động thái tẩy chay bầu cử tổng thống Iraq của phong trào Sadrist được coi là thông điệp gửi tới các đảng người Kurd rằng họ phải lựa chọn một ứng cử viên tổng thống đại diện cho cộng đồng người Kurd.
Nhiều nghị sỹ Iraq tẩy chay cuộc bầu chọn tổng thống vào ngày 7/2 ảnh 1Đương kim Tổng thống Barham Salih. (Nguồn: Reuters)

Phong trào Sadrist của giáo sỹ Hồi giáo dòng Shiite, Muqtada al-Sadr, vốn giành nhiều ghế nhất trong cuộc bầu cử Quốc hội Iraq hồi năm 2021, sẽ không tham gia cuộc bầu chọn tổng thống sắp diễn ra và ngừng các cuộc tham vấn nhằm thành lập chính phủ mới.

Quốc hội Iraq dự kiến sẽ nhóm họp vào ngày 7/2 nhằm bầu chọn tổng thống mới trong số 25 ứng cử viên đã đăng ký ‎tranh cử.

Đương kim Tổng thống Barham Salih đại diện cho Liên minh Ái quốc thuộc đảng người Kurd và cựu Bộ trưởng Tài chính và ngoại giao Hoshyar Zebari thuộc đảng Dân chủ người Kurd cũng đang nỗ lực để giành vị trí mang tính nghi thức này.

Ngày 5/2, Hãng thông tấn nhà nước Iraq (INA) dẫn lời người đứng đầu Khối Sadrist Hassan Al-Adhari nêu rõ: “Theo chỉ đạo của lãnh đạo phong trào Sadrist, ông Sayyed Muqtada al-Sadr, chúng tôi đã quyết định tẩy chay phiên bỏ phiếu vào ngày 7/2 tới nhằm bầu ra tổng thống của đất nước."

Ông cũng cho biết thêm rằng họ đã đình chỉ các cuộc đàm phán với các khối khác trong quốc hội liên quan đến việc lập ra chính phủ mới.

Theo bản tin, động thái này của phong trào Sadrist được coi là thông điệp gửi tới các đảng người Kurd rằng họ phải lựa chọn một ứng cử viên tổng thống đại diện cho cộng đồng người Kurd. Ông Al-Sadr và những người ủng hộ mong muốn các nhóm dân tộc và tôn giáo khác nhau có đại diện một cách bình đẳng trong Chính phủ Iraq.

[Ông Mohammed al-Halbousi được bầu làm Chủ tịch Quốc hội Iraq]

Trước đó, ngày 10/1, Chủ tịch Quốc hội Iraq Mohammed al-Halboosi đã thông báo đăng ký ứng cử viên cho cuộc bầu cử tổng thống. Các ứng viên có 15 ngày đăng ký để chạy đua tranh cử.

Tháng 10 năm ngoái, Iraq đã tiến hành sớm cuộc bầu cử quốc hội với 160 đảng phái tham gia tranh cử. Phong trào Sadrist của chính trị gia theo dòng Hồi giáo Shi'ite - ông Muqtada al-Sadr - đã giành được 73 ghế trong tổng số 329 ghế của Quốc hội Iraq, theo sau là liên minh Taqaddum với 38 ghế.

Liên minh Nhà nước Pháp luật đứng thứ 3 khi giành được 37 ghế. Sau đó, liên minh Fatah không thừa nhận kết quả bầu cử và coi đó là bất hợp pháp.

Theo cơ cấu chia sẻ quyền lực ở Iraq, tổng thống sẽ do người Kurd đảm nhiệm, Chủ tịch Quốc hội là người Hồi giáo dòng Sunni và thủ tướng sẽ là người Hồi giáo dòng Shi'ite. Tổng thống sẽ yêu cầu liên minh lớn nhất trong quốc hội đề cử thủ tướng để thành lập chính phủ trong vòng 30 ngày./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục