Nhịp tăng thị trường chứng khoán liệu có mở rộng?

Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa trải qua tuần giao dịch đầy thăng hoa. Hai chỉ số là VN-Index, HNX-Index đều chốt phiên cuối tuần (28/5) ở mức cao nhất lịch sử.
Nhịp tăng thị trường chứng khoán liệu có mở rộng? ảnh 1Bảng giá chứng khoán được cập nhật thường xuyên tại sàn HOSE. (Ảnh: Hứa Chung/TTXVN)

Nhận định về diễn biến thị trường tuần tới (từ 31/5-4/6), phần nhiều các công ty chứng khoán cho rằng, nhịp tăng của thị trường có thể mở rộng lên các ngưỡng cao mới.

Trong khi đó, vẫn có ý kiến nhận định, chỉ số đã bước vào vùng giằng co mạnh và nhạy cảm nên nhà đầu tư cần thận trọng trong tuần giao dịch tới.

Dòng tiền mạnh hỗ trợ thị trường

Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa trải qua tuần giao dịch đầy thăng hoa. Hai chỉ số là VN-Index, HNX-Index đều chốt phiên cuối tuần (28/5) ở mức cao nhất lịch sử.

Cùng đó, thanh khoản cũng lập kỷ lục với gần 31.000 tỷ đồng, thậm chí chỉ riêng sàn HOSE, thanh khoản đã đạt tới gần 24.800 tỷ đồng (hơn 1 tỷ USD). Dòng tiền "cuồn cuộn" chảy vào thị trường khiến HOSE lại phát sinh nghẽn lệnh trong những phiên giao dịch gần đây.

Theo Công ty cổ phần Chứng khoán MB-MBS, với những phiên khớp lệnh tỷ USD như hiện nay, nhịp tăng của thị trường hoàn toàn có thể mở rộng lên các ngưỡng cao mới.

Công ty cổ phần Chứng khoán SSI (SSI) cũng có góc nhìn lạc quan về diễn biến của thị trường trong tuần tới khi cho rằng, các tín hiệu tiếp tục củng cố cho xu hướng tăng giá hiện tại trên chỉ số VN-Index. Nhiều khả năng chỉ số sẽ tiếp tục đi lên hướng đến vùng 1.350-1.400. Vì vậy, những nhịp điều chỉnh ngắn nếu có sẽ tạo cơ hội gia tăng tỷ trọng cổ phiếu.

Các nhà phân tích từ Công ty cổ phần Chứng khoán BOS (BOS) nhận định, về kỹ thuật, chỉ số VN-Index đã bật tăng mạnh trở lại sau khi test lại vùng 1.300 điểm. Dòng tiền mạnh đang là yếu tố hỗ trợ cho thị trường.

Các chỉ báo kỹ thuật như cũng đồng thuận về khả năng nhịp tăng điểm kéo dài. Điều này khiến VN-Index có khả năng sẽ duy trì đà tăng trong ngắn hạn và hướng tới các ngưỡng kháng cự tiếp theo 1.340 điểm.

[Tuần 31/5-4/6: Chứng khoán bước vào giao đoạn giằng co giữa mua và bán]

Dù rất nhiều công ty chứng khoán đưa ra nhận định tích cực cho diễn biến thị trường tuần tới thì vẫn có những công ty chứng khoán có góc nhìn khá thận trọng.

Đơn cử trong báo cáo phân tích thị trường tuần từ 24 -28/5 của Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn-Hà Hội (SHS) nhận định, VN-Index có tuần tăng điểm thứ tư liên tiếp với giá trị giao dịch lập kỷ lục mới cho thấy dòng tiền vẫn đang đổ vào thị trường và tâm lý khá hưng phấn của nhà đầu tư.

Tuy nhiên, với việc chỉ số VN-Index kết tuần ngay trên ngưỡng 1.320 điểm, cũng là vùng mục tiêu của sóng tăng 5 (theo mô hình sóng Elliott) lần này trong khoảng 1.320-1.325 điểm. Vì vậy, đây có thể coi là vùng giằng co mạnh giữa bên mua và bên bán trong thời gian tới.

Sóng Elliott là công cụ phổ biến và được nhiều nhà đầu tư ứng dụng trong việc phân tích thị trường cũng như cổ phiếu. Theo nguyên tắc sóng Elliott, pha tăng của thị trường gồm có 5 bước sóng được gọi là sóng đẩy; trong đó, sóng 1, 3 và 5 là sóng tăng, sóng 2 và 4 là sóng giảm.

SHS cho rằng VN-Index dao động trong khoảng 1.320-1.325 điểm là vùng giá khá nhạy cảm và nhà đầu tư cần hết sức thận trọng trong tuần giao dịch tới.

Trong tuần giao dịch tiếp theo 31/5-4/6, thị trường có thể sẽ xuất hiện những phiên rung lắc khi áp lực chốt lời gia tăng tại vùng giá hiện tại, các nhà phân tích từ SHS nêu quan điểm.

Về diễn biến thị trường tuần qua, kết thúc tuần giao dịch từ 24-28/5, VN-Index đứng ở mức 1.320,46 điểm, tương ứng tăng 35,53 điểm so với tuần trước đó; HNX-Index tăng 12,47 điểm lên 310,46 điểm. UPCoM-Index tăng 4,48 điểm lên 86,11 điểm. Đây là mức cao kỷ lục lịch sử của cả 3 chỉ số.

Thanh khoản trên hai sàn gia tăng so với tuần trước với trung bình khoảng 26.300 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên hai sàn. Giá trị giao dịch trên HOSE tăng 4,2% lên 115.458 tỷ đồng; giá trị giao dịch trên HNX tăng 6,7% lên 16.125 tỷ đồng.

Thị trường tăng điểm giúp các nhóm ngành chủ chốt đa số đều kết tuần trong sắc xanh. Nhóm cổ phiếu trụ cột thị trường là ngân hàng tăng mạnh nhất với 5,8% giá trị vốn hóa.

Các mã trong nhóm như VPB tăng 1,2%, VCB tăng 2,9%, ACB tăng 3,7%, SHB tăng 3,8%, TCB tăng 4,3%, VIB tăng 4,9%, BID tăng 5,4%, CTG tăng 6,1%, MBB tăng 8,8%, TPB tăng 9,4%...

Tiếp theo là nhóm cổ phiếu nguyên vật liệu với mức tăng 4,8% giá trị vốn hóa, với các trụ cột trong ngành như HPG tăng 2,3%, NKG tăng 3,9%, HSG tăng 8,8%...

Nhóm hàng tiêu dùng tăng 2,4% giá trị vốn hóa. Các mã như: MSN tăng 0,5%, VNM tăng 2,1%, BHN tăng 3%, SAB tăng 7,5%...

Nhóm ngành công nghiệp tăng 2,3% giá trị vốn hóa, dược phẩm và y tế tăng 2,2%, công nghệ thông tin tăng 1,3%, tiện ích cộng đồng tăng 1%, tài chính tăng 0,6%.

Ở chiều ngược lại, nhóm dầu khí giảm 1,8% giá trị vốn hóa và dịch vụ tiêu dùng giảm 0,3%.

Về giao dịch khối ngoại, khối này tuần qua vẫn bán ròng, đây là tuần bán ròng thứ 4 liên tiếp của khối ngoại, nhưng mức bán đã giảm đi nhiều. Cụ thể, khối ngoại đã bán ròng hơn 270 tỷ đồng trong tuần qua. Các tuần trước đó, khối ngoại bán ròng hàng nghìn tỷ đồng.

Thực tế, thị trường chứng khoán các nước đa số đều chịu tác động bởi những diễn biến của nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ. Tuần qua, thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm đã tác động tích cực đến các thị trường chứng khoán trên thế giới; trong đó có thị trường chứng khoán Việt Nam.

Chứng khoán Mỹ thường không tăng vào tháng 6

Giới chuyên gia nhận định trong tuần tới, thị trường sẽ dồn nhiều chú ý vào báo cáo việc làm tháng 5/2021 của Mỹ, với dự báo nền kinh tế lớn nhất thế giới tạo được 674.000 việc làm vào tháng này. Giới đầu tư đặc biệt chú ý tới bản báo cáo này sau khi tháng Tư đã gây nhiều thất vọng với chỉ 266.000 việc làm mới.

Nhịp tăng thị trường chứng khoán liệu có mở rộng? ảnh 2Hoạt động tại sàn giao dịch chứng khoán New York, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ông George Goncalves, người đứng đầu bộ phận chiến lược vĩ mô tại công ty tư vấn tài chính MUFG cho biết, nếu hai tháng liên tiếp kỳ vọng việc làm tại Mỹ không được đáp ứng, thị trường sẽ trở nên căng thẳng.

Chuyên gia này hy vọng điều đó không xảy ra, để thị trường có thể lạc quan trước cuộc họp của Fed (dự kiến diễn ra vào ngày 15 -16/6) rằng nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn đang đi đúng hướng.

Song giới phân tích cũng lưu ý rằng tháng 6 trong lịch sử thường không phải là tháng các thị trường chứng khoán tăng mạnh. Trong 20 năm qua, số lần chứng khoán Mỹ tăng điểm trong tháng Sáu chỉ là 40%.

Theo công ty quản lý tài sản Bespoke Investment Group, tháng Sáu và tháng Chín thường là những tháng tồi tệ nhất đối với chứng khoán Phố Wall, viện dẫn mức giảm trung bình của Dow Jones là 0,7% trong giai đoạn này.

Về diễn biến thị trường chứng khoán Mỹ, phiên cuối tuần qua (28/5), chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 0,2% lên 34.529,45 điểm. Chỉ số tổng hợp S&P 500 tiến thêm 0,1% và kết thúc ở mức 4.204,11 điểm, trong khi Chỉ số công nghệ Nasdaq cũng tăng 0,1% lên 13.748,74 điểm.

Với mức tăng khiêm tốn trong phiên 28/5, tính chung trong cả tuần, S&P tăng 1,17%, Dow tăng 0,94% và Nasdaq tăng 2,06%. Còn trong cả tháng 5/2021, S&P tiến thêm 0,55%, Dow tăng 1,94% nhưng Nasdaq lại mất 1,53%.  Các thị trường sẽ đóng cửa vào thứ Hai tuần sau (31/5) để nghỉ lễ Ngày Tưởng niệm liệt sỹ của Mỹ.

Tại châu Á, hầu hết các thị trường chứng khoán tăng điểm trong phiên chiều 28/5, khi số liệu khả quan về số đơn xin trợ cấp thất nghiệp của Mỹ cũng cố tâm lý lạc quan về đà phục hồi của nền kinh tế lớn nhất thế giới này.

Khép lại phiên này, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 2,1% lên 29.149,41 điểm, nhờ đồng yen suy yếu.

Các thị trường chứng khoán Sydney và Đài Bắc đều tăng trên 1%. Sắc xanh cũng chi phối nhiều thị trường khác trong khu vực như Singapore, Seoul, Manila, Mumbai, Bangkok và Jakarta.

Trong khi đó, chỉ số Hang Seng tại Hong Kong (Trung Quốc) không mấy biến động và đóng phiên ở mức 29.124,41 điểm, còn chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải (Trung Quốc) giảm 0,2% xuống còn 3.600,78 điểm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục