Nhộn nhịp các kênh chợ online trong những ngày giãn cách xã hội

Trong những ngày Thủ đô đang thực hiện giãn cách xã hội, nhiều người tiêu dùng đã chuyển sang mua sắm trên các trang mạng mạng online thay vì đi chợ truyền thống để hạn chế dịch bệnh.
Người dân thay đổi thói quen đi chợ trong những ngày giãn cách xã hội. (Ảnh minh họa: Minh Hiếu/Vietnam+)
Người dân thay đổi thói quen đi chợ trong những ngày giãn cách xã hội. (Ảnh minh họa: Minh Hiếu/Vietnam+)

Trong những ngày giãn cách xã hội tại Thủ đô, để tăng cường các biện pháp phòng chống dịch COVID-19, người dân hạn chế tối đa việc ra đường, các khu chợ tự phát tạm ngưng hoạt động để chống dịch..., do vậy mà nhu cầu mua sắm thực phẩm và nhu yếu phẩm online ngày càng cao.

Chợ truyền thống: Ship tận nhà, giá không đổi

Thực hiện chỉ thị số 16 về việc cách ly xã hội để phòng, chống dịch COVID-19, các khu vực chợ tại quận, huyện đều phát phiếu đi chợ cho người dân trong khung giờ nhất định. Tuy nhiên, do lo ngại bệnh dịch nên các khu vực chợ đều vắng khách hơn, lượng hàng hóa thì nhiều mà tiêu thụ chậm dấn đến việc “ế ẩm.” Do vậy, các tiểu thương tại chợ đã đổi mới cách tiếp cận khách hàng.

Chị Nguyễn Lợi là một tiểu thương bán thịt lợn có tiếng tại chợ truyền thống khu vực Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Chị Lợi cho biết từ khi có dịch, nhiều khách quen mua hàng của chị đều hỏi đến việc đặt “ship” thịt giao tận nhà.

“Trước kia tôi chỉ nhận giao thịt cho những đơn hàng lớn như nhà hàng, cửa hàng phở,… nhưng nay dịch bệnh khiến các cửa hàng đóng cửa nên bán chậm hơn, tôi chuyển sang bán tại nhà, đi giao hàng cho các khách quen,” chị Lợi cho biết.

Thường ngày, chị Lợi chủ động gọi điện, nhắn tin cho khách hỏi cần mua loại thịt nào, số lượng bao nhiêu rồi lên ship cho khách. Để giữ chân khách hàng, giá thịt lợn nhà chị không thay đổi so với trước, như: Thịt thăn lợn giá 140 nghìn đồng/kg, ba chỉ giá 140 nghìn đồng/kg, sườn giá 150-180 nghìn đồng/kg, chân giò giá 130 nghìn đồng/kg…

Còn đối với anh Thiết, chủ tiệm rau trên chợ dân sinh phường Yên Sở (quận Hoàng Mai), trong những ngày phải nghỉ bán do đóng cửa chợ, anh đã chủ động rao bán trên các kênh bán hàng, chợ online khu vực để tìm kiếm nguồn khách tại địa bàn.

“Khách đặt đến đâu thì tôi đi ship đến đó, nhưng chỉ giao ở những khu vực cùng quận, cùng địa bàn bán hàng. Với những khách chỉ cách chỗ tôi dưới 3km thì tôi miễn phí ship. So với trước dịch, bán hàng thời điểm này chỉ bằng một phần, nhưng tôi vẫn phải duy trì kinh doanh,” anh Thiết nói.

Nhộn nhịp các kênh chợ online trong những ngày giãn cách xã hội ảnh 1Nhiều tiểu thương đã linh hoạt hình thức kinh doanh, từ bán truyền thống sang bán online tại các chợ dân cư, chung cư khu vực. (Ảnh chụp màn hình)

Bên cạnh đó, nhiều tiểu thương còn chủ động đẩy mạnh bán hàng online qua mạng xã hội. Từ trang cá nhân Facebook, Zalo đến các hội nhóm thuộc địa bàn quận, khu xóm, chung cư… đâu cũng là kênh bán hàng, đặc biệt là các mặt hàng rau củ, trái cây và đồ ăn vặt.

[Phiếu vào chợ: Biện pháp chống dịch để người dân đi chợ an toàn]

Chị Thùy Chi là một người chuyên bán hải sản tại khu chung cư HH Linh Đàm (quận Hoàng Mai, Hà Nội). Chị Chi cho biết số lượng đơn hàng của chị tăng lên 30-40% kể từ khi giãn cách xã hội. Do hàng của chị được vận chuyển trực tiếp từ Quảng Ninh lên, cấp đông liên tục nên luôn đảm bảo độ tươi mới.

Theo chị Chi, do còn phải chăm gia đình nên chị không dám nhận quá nhiều đơn, thường chị sẽ gom từ đầu tuần, đến thứ Năm thì chốt rồi thứ Sáu hàng được chuyển xuống ship tận nơi cho khách. Việc vận chuyển hàng xuống Hà Nội những ngày giãn cách có chậm hơn do xe phải qua nhiều chốt kiểm dịch.

 “Bình thường tôi sẽ giao hàng cho khách tận cửa căn hộ, nhưng do dịch bệnh nên khi khách đặt mua tôi đều giao hẹn trả ở sảnh tòa nhà để họ xuống lấy hoặc nếu tiện thì treo ở cửa cho khách, còn tiền thì đa phần khách chuyển khoản, số ít là trả tiền mặt,” chị Chi cho hay.

Siêu thị bán online tăng 70%

Trong thời gian này, việc các chợ truyền thống hạn chế mua bán cũng là lúc các siêu thị và điểm bán thực phẩm đẩy mạnh việc bán hàng trên các kênh trực tuyến và thương mại điện tử.

Theo thông tin, các đầu siêu thị ở Hà Nội như Vinmart, Big C, Co-op mart, BRG, … đều ghi nhận đơn mua hàng online của người dân trong những ngày qua đã tăng đột biến từ 50-70% so với thời điểm chưa giãn cách.

Chia sẻ với phóng viên, đại diện Bưu điện Hà Nội cho biết số lượt khách mua qua sàn thương mại điện tử Postmart.vn đạt con số gần hơn 1.000 đơn hàng tính từ ngày 24/7, trong đó sản lượng tiêu thụ các mặt hàng thiết yếu tại Hà Nội đạt hơn 7 tấn và có tốc độ tăng trưởng đạt 70% so với trước khi giãn cách.

“Người dân có xu hướng đặt hàng online tăng mạnh nên mọi khâu chuẩn bị hàng hóa, tìm kiếm nhà cung cấp có nguồn hàng chất lượng cũng đã được hệ thống siêu thị lên phương án về giá ưu đãi, bình ổn theo đúng chủ trương của Chính phủ,” đại diện Bưu điện Hà Nội cho hay.

Nhộn nhịp các kênh chợ online trong những ngày giãn cách xã hội ảnh 2Các siêu thị đẩy mạnh việc bán hàng online trong thời gian dịch bệnh. (Ảnh chụp màn hình)

Bên cạnh việc cung ứng sản phẩm, các siêu thị cũng đang áp dụng nhiều chính sách khuyến mại nhằm hỗ trợ khách hàng trong mùa dịch như giao hàng tận nhà miễn phí, tích điểm, tặng voucher, giảm giá một số sản phẩm… đồng thời đẩy mạnh việc thanh toán online, tránh lây lan dịch bệnh khi sử dụng tiền mặt.

[Sức mua tăng, chợ truyền thống và siêu thị Hà Nội đẩy mạnh bán online] 

Ngoài ra, một số các siêu thị còn triển khai dịch vụ “đi chợ hộ” bằng cách người mua sẽ tự chọn các sản phẩm thông qua website, ứng dụng,… sau đó đơn vị sẽ kết nối với các công ty vận chuyển như Grab, Be, Gojek… để giao hàng tận nhà,  giúp người tiêu dùng có thêm sự lựa chọn trong mùa dịch.

Tuy nhiên, đối với việc giao hàng trong thời gian dịch bệnh, để được hoạt động, các đơn vị như siêu thị, bưu chính... phải gửi danh sách nhân viên giao nhận và chịu trách nhiệm quản lý công tác phòng dịch về Sở Công Thương Hà Nội xác nhận và chuyển cho Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cấp “mã xác nhận” cho phép shipper vận chuyển hàng hóa.

Do vậy, đại diện Bưu điện Hà Nội cho biết đơn vị cũng đã có danh sách bưu tá được phép vận chuyển theo khu vực và cấp giấy thông hành theo đúng quy định và lên kế hoạch vận chuyển trực tiếp tới tay người mua đồng thời khi nhân viên thực hiện giao hàng luôn phải đảm bảo tuân thủ nghiêm quy tắc 5K của Bộ Y tế./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục