Nở rộ các dịch vụ mua sắm “tại gia” thời dịch bệnh COVID-19

Nở rộ các dịch vụ mua sắm “tại gia" thời dịch bệnh COVID-19

Trước tình hình dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (COVID-19) đang diễn biến phức tạp tại Việt Nam, nhiều dịch vụ mua sắm trực tuyến đã có sự tăng trưởng mạnh.
Nhiều người dân đã chuyển hướng sang "đi chợ online" thời dịch COVID-19. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Nhiều người dân đã chuyển hướng sang "đi chợ online" thời dịch COVID-19. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Khác với trước Tết Nguyên Đán, các trung tâm mua sắm, cửa hàng, quán ăn,… luôn đông khách thì những ngày gần đây lại rơi vào tình trạng vắng vẻ, bởi người tiêu dùng lo sợ lây nhiễm dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra (COVID-19) ở những chỗ đông người. Chính vì vậy, nhiều người tiêu dùng đã lựa chọn mua sắm trên các nền tảng trực tuyến, thay vì tới các cửa hàng, siêu thị... để tránh chỗ đông người.

Đứng trước nhu cầu đó, các doanh nghiệp đã phải đổi mới thói quen bán hàng của mình để chiều theo nhu cầu của “thượng đế”.

"online" lên ngôi thời dịch bệnh

Một thực tế là thời gian gần đây, nhiều trung tâm thương mại cũng như các cửa hàng ăn uống, càphê,.. đã đẩy mạnh bán hàng online thông qua mạng xã hội Facebook, Zalo, website. Thậm chí, họ cũng không ngần ngại điện thoại tư vấn trực tiếp cho khách hàng, rồi sau đó bố trí nhân viên hoặc đơn vị vận chuyển giao hàng đến tận nhà cho khách.

Đại diện một chuỗi cửa hàng đồ uống ở Hà Nội cho biết mặc dù lượng khách đến quán giảm đáng kể nhưng lượng khách mua online có xu hướng tăng mạnh.

“Để tăng lượng khách hàng mua sắm thời bệnh dịch, bên cạnh việc triển khai giảm giá sản phẩm, chúng tôi còn hỗ trợ vận chuyển miễn phí khi khách đặt hàng tại đây,” đại diện đó nói.

Bên cạnh việc hỗ trợ vận chuyển, các cửa hàng còn tung ra nhiều chương trình khác nhau như khuyến mãi, giảm giá, tặng khẩu trang, nước rửa tay cho khách mua hàng. Xu hướng mua hàng thay đổi, nhiều cửa hàng cũng phải điều chỉnh lại để không bị khách hàng “bỏ rơi”.

Nở rộ các dịch vụ mua sắm “tại gia" thời dịch bệnh COVID-19 ảnh 1Nhiều cửa hàng đồ ăn, uống đã đưa ra nhiều khuyến mãi để thu hút khách hàng mua sắm. (Ảnh chụp màn hình)

Một số chủ cửa hàng đã đăng ký mặt hàng của mình trên các trang bán hàng online như Tiki, Shopee, Lazada để dễ tiếp cận người mua hơn. Chị Nguyễn Thu Trang-chủ một shop quần áo trên phố Đội Cấn (Hà Nội), cho biết chị đã quyết định hỗ trợ người tiêu dùng bằng các hình thức khuyến mãi từ 20-50% trong suốt tháng 2, ngoài ra còn có cả miễn phí vận chuyển.

"Từ hôm kia của hàng mình quyết định miễn phí vận chuyển, giảm giá đến 50% nhiều sản phẩm, áp dụng cho cả bộ sưu tập mới... Nhờ vậy mà khách đặt mua online tăng gấp đôi," chị Trang nói.

Cũng chính nhờ việc áp dụng chính sách bàn hàng linh hoạt nên cửa hàng của chị Trang vẫn đảm bảo doanh thu bởi số lượng đơn hàng bán ra ổn định. Đặc biệt lượng khách mua về nhà hình thức trực tuyến cũng đã giúp cửa hàng giảm các chi phí duy trì phục vụ.

Theo ghi nhận của phóng viên, không chỉ các cửa hàng, người bán online có số lượng đơn hàng tăng vọt, mà ngay tại các hàng ăn có tiếng của Hà Nội, số lượng “đơn ship” thông qua các ứng dụng Grab, Now, GoViet… cũng tăng lên trông thấy.

Tìm hiểu tại một quán nộm đông khách phố Lò Đúc, do tâm lý lo ngại dịch bệnh của người dân nên lượng hàng bán trong ngày của quán giảm đi rõ rệt, ước tính khoảng 20-30%. Tuy nhiên, đơn hàng từ việc bán online đã tăng lên đáng kể, từ 15-20 đơn/ngày lên 30-40 đơn/ngày.

Cô Hương, chủ quán, cho biết lượng người mua thông qua các ứng dụng ăn uống trên mạng tăng đáng kể từ sau Tết. Bên cạnh đó, những khách thân quen của quán cũng tăng cường đến mua về, thay vì ngồi ăn tại quán.

Gần 12 giờ trưa, anh Quang Minh, tài xế Now Food cùng các đồng nghiệp có mặt tại một quán ăn ở phố Lạc Trung rồi nhanh nhẹn lấy hai phần cơm gà và cơm rang khách vừa đặt để giao tới địa chỉ ở quận Đống Đa. Theo quan sát, trong quán ăn này chỉ có vài thực khách ngồi ăn tại chỗ, trong khi đó số khách tới mua hộp cơm đem về và số tài xế tới nhận thức ăn đi giao lại khá đông.

Theo anh Minh, vào mùa dịch nhu cầu đặt đồ ăn qua ứng dụng cài sẵn trên điện thoại tăng đáng kể. "Hằng này tôi chỉ giao đủ 17 đơn hàng trong một ngày rồi nghỉ. Trước kia khách đặt ít, muốn đủ 17 đơn phải chờ giao hơn 4 tiếng đồng hồ, nhưng mấy bữa nay chỉ tầm hơn 2 tiếng đã đủ 17 đơn rồi, được nghỉ sớm hơn", anh Minh chia sẻ.

Cẩn trọng khi mua hàng trực tuyến

Mua sắm online tiện lợi là thế nhưng theo các chuyên gia, do việc chạy đua kinh doanh giữa các đơn vị bán hàng để chiếm thị phần nên người tiêu dùng phải thật cẩn trọng và chọn những địa chỉ, đơn vị vận chuyển uy tín để sử dụng dịch vụ.

Theo phản ánh của một số người dùng, một số shipper khi giao hàng đã mở hàng hoặc báo mất không rõ lý do. Anh Duy Hải (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết mua hàng trực tuyến có hạn chế là không thể trực tiếp thử, kiểm tra sản phẩm, chất lượng nhiều khi không được như kỳ vọng, hay việc giao hàng cũng phải chờ đợi. Tuy nhiên, theo anh Hải thì trong lúc dịch bệnh diễn biến như hiện nay, việc mua sắm online vẫn được gia đình anh và nhiều người tiêu dùng lựa chọn.

Theo tìm hiểu của phóng viên VietnamPlus, khi khách hàng mua sắm online trên các nền tảng trực tuyến hay ứng dụng thường sẽ có 2 phương thức thanh toán chính, đó là: Thanh toán trực tiếp qua thẻ ngân hàng và giao hàng thu tiền (COD – cash on delivery).

Thanh toán COD thường được người dùng sử dụng nhiều hơn thanh toán qua thẻ bởi tính cơ động và “an toàn” khi khashc hàng chỉ phải trả tiền sau khi nhận được hàng. Nhiều trang thương mại điện tử còn áp dụng hình thức mở hàng kiểm tra rồi mới trả tiền hay cho phép đổi trả nếu chất lượng hàng không đúng như quảng cáo...

Nở rộ các dịch vụ mua sắm “tại gia" thời dịch bệnh COVID-19 ảnh 2Dịch vụ giao hàng qua mạng đang là một trong những ngành nghề "đắt khách" bậc nhất hiện nay đối với giới trẻ. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Theo Phó giáo sư -Tiến sỹ Đinh Trọng Thịnh, để đảm bảo an toàn cho các giao dịch trực tuyến, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cần nâng cao tính an toàn, hiện đại hóa công nghệ và thiết bị. Cùng với đó, các ngân hàng, tổ chức tín dụng cần nâng cao chất lượng bảo mật ở mức cao nhất.

“Việc chống lại tội phạm kỹ thuật cao tương đối khó khăn nhưng chúng ta phải đảm bảo mức an toàn gần như tuyệt đối trong hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt. Từ đó tăng mức độ tin tưởng của người dân, thúc đẩy người dân sử dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt,” ông Đinh Trọng Thịnh nói.

Ngoài ra, người tiêu dùng cần nâng cao cảnh giác, không được cung cấp thông tin bảo mật cho bất kỳ ai, nên sử dụng phương thức xác thực 2 lớp để đảm bảo phòng tránh hacker cao nhất. Một số vụ mất tiền trong tài khoản gần đây cho thấy hầu hết nguyên nhân đều bắt nguồn từ sự thiếu cảnh giác của người dùng mà vô tình làm lộ thông tin cá nhân, thông tin tài khoản cũng như mã bảo mật. Do đó, tính cảnh giác của người dùng cần được đặc biệt nâng cao khi thanh toán online./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục