Pakistan phản đối cuộc trưng cầu ý dân của người Kurd tại Iraq

Bộ Ngoại giao Pakistan khẳng định cuộc trưng cầu ý dân vi phạm hiến pháp Iraq và là hành vi bất hợp pháp, tiềm ẩn các nguy cơ đe dọa hòa bình và an ninh của Iraq nói riêng và toàn bộ khu vực nói chung
Pakistan phản đối cuộc trưng cầu ý dân của người Kurd tại Iraq ảnh 1Người Kurd bỏ phiếu tham gia cuộc trưng cầu ý dân ở tỉnh Arbil, thủ phủ Khu tự trị người Kurd, miền bắc Iraq. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Dư luận quốc tế tiếp tục bày tỏ quan ngại về cuộc trưng cầu ý dân của người Kurd tại miền Bắc Iraq, coi đây là hành động nguy hiểm, đe dọa an ninh và sự ổn định trong khu vực.

Tuyên bố ngày 2/10 của Bộ Ngoại giao Pakistan khẳng định cuộc trưng cầu ý dân vi phạm hiến pháp Iraq và là hành vi bất hợp pháp, tiềm ẩn các nguy cơ đe dọa hòa bình và an ninh của Iraq nói riêng và toàn bộ khu vực nói chung.

Bộ trên khẳng định Pakistan hoàn toàn ủng hộ sự thống nhất, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Iraq, cùng nước này và cộng đồng quốc tế phản đối hành động của chính quyền địa phương người Kurd.

Bất chấp việc chính quyền trung ương Iraq và cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các nước trong khu vực, phản đối mạnh mẽ và cảnh báo về các hệ lụy tiêu cực, Chính quyền tự trị người Kurd (KRG) của miền Bắc Iraq vẫn tiến hành cuộc trưng cầu ý dân về độc lập vào ngày 25/9 vừa qua.

[Thủ tướng Iraq gửi thông điệp cam kết bảo vệ người Kurd]

Iraq với sự hậu thuẫn của Thổ Nhĩ Kỳ và Iran tuyên bố lãnh đạo cộng đồng người Kurd cần hủy kết quả trưng cầu ý dân nếu không muốn hứng chịu các biện pháp trừng phạt, bị quốc tế cô lập và có khả năng bị can thiệp quân sự. Các nước Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và Syria vốn có cộng đồng người Kurd sinh sống đều từ chối công nhận kết quả cuộc trưng cầu, trong khi Mỹ cũng đã lên tiếng khẳng định không công nhận động thái "đơn phương" này của cộng đồng người Kurd.

Các biện pháp phản đối mạnh mẽ đã được đưa ra như Iran và Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố ngừng mọi giao dịch về dầu mỏ với KRG và chỉ phối hợp với Chính phủ Iraq trong hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của nước này. Bộ Quốc phòng Iraq đang cân nhắc kế hoạch phối hợp với hai nước trên kiểm soát các đường biên giới của khu tự trị người Kurd. Nhiều hãng hàng không Thổ Nhĩ Kỳ đã ngừng các chuyến bay đi và đến khu vực người Kurd.

Trong khi đó, Nhóm Nghiên cứu khủng hoảng quốc tế (ICG), có trụ sở tại Brussels (Bỉ), nhận định cuộc trưng cầu ý dân về độc lập sẽ không thể giúp khu tự trị của người Kurd trở thành một nhà nước độc lập, bất kể kết quả cuộc bỏ phiếu ra sao, vì sự kiện này đơn thuần chỉ là động thái mang tính tham vấn và không ràng buộc về mặt pháp lý./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục