Philippines lên phương án sẵn sàng sơ tán công dân tại Iran và Iraq

Không chỉ riêng Philippines phải tính toán việc đưa công dân của mình tại Iran và Iraq về nước mà nhiều nước châu Á khác cũng đang phải đối mặt với vấn đề nan giải này.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte phát biểu tại Manila ngày 22/7/2019. (Ảnh: AFP/ TTXVN)
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte phát biểu tại Manila ngày 22/7/2019. (Ảnh: AFP/ TTXVN)

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã chỉ thị quân đội nước này sẵn sàng triển khai máy bay và tàu thủy trong trường hợp nhận lệnh tiến hành sơ tán hàng nghìn người lao động nước này tại Iraq.

Thông tin trên đã phản ánh quan ngại của giới chức Philippines trong bối cảnh bạo lực có nguy cơ gia tăng tại khu vực Trung Đông sau vụ Mỹ không kích sân bay quốc tế thủ đô Baghdad của Iraq.

Theo Thượng nghị sĩ Christopher Lawrence Go, ngày 5/1, Tổng thống Duterte đã chủ trì cuộc họp khẩn với các quan chức cấp cao các cơ quan sức mạnh, thảo luận về kế hoạch sơ tán công dân đang làm việc tại Iraq và Iran trong trường hợp cần thiết.

Ông đã chỉ thị các lực lượng vũ trang nước này chuẩn bị triển khai phương tiện và đặt trong tình trạng sẵn sàng cao.

Trong khi đó, Tham mưu trưởng quân đội Philippines, Trung tướng Felimon Santos Jr.  cho biết các lực lượng nước này đã xác định nhiệm vụ sơ tán không chỉ công dân tại Iraq và Iran mà còn tại các điểm nóng khác trong khu vực như Israel.

Hiện, nhiều phương án đã được tính đến đề phòng các tình huống xấu.

[Châu Á quan ngại về tình hình Trung Đông sau khi Mỹ sát hại tướng Iran]

Philippines hiện là nguồn cung lao động xuất khẩu hàng đầu thế giới với khoảng 10% dân số hơn 100 triệu người của nước này đang làm việc tại nước ngoài, chủ yếu là giúp việc gia đình, thợ xây, thuyền viên...

Theo Bộ Quốc phòng Philippines, hiện có hơn 7.000 người lao động Philippines cùng thân nhân đang lưu trú tại Iraq và Iran.

Không chỉ riêng Philippines phải tính toán việc đưa công dân của mình tại Iran và Iraq về nước, mà nhiều nước châu Á khác cũng đang phải đối mặt với vấn đề nan giải này.

Châu Á khiếm khoảng 40% số người xuất khẩu lao động và các nước Trung Đông là một điểm đến phổ biến.

Tuần trước, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc thông báo nước này sẽ tăng cường các biện pháp bảo hộ công dân cho khoảng 1.600 công dân nước này ở Iraq.

Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết New Delhi vẫn chưa có kế hoạch sơ tán công dân tại vùng đột ngột bất ổn.

Căng thẳng khu vực Trung Đông gia tăng sau khi một máy bay không người lái Mỹ không kích sân bay quốc tế ở thủ đô Baghdad của Iraq ngày 3/1 vừa qua khiến Tư lệnh đơn vị Quds thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), Thiếu tướng Qasem Soleimani thiệt mạng.

Iran đã tuyên bố sẽ có hành động đáp trả và Tổng thống Donald Trump cảnh báo các lực lượng Mỹ sẽ tấn công 52 mục tiêu của Iran nếu người Mỹ bị tấn công./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục