Quốc hội Ba Lan thông qua kế hoạch cải cách Tòa án Tối cao

Quốc hội Ba Lan ngày 20/7 đã thông qua dự luật cải cách Tòa án Tối cao, bất chấp các cuộc biểu tình phản đối trên đường phố và đe dọa trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU).
Quốc hội Ba Lan thông qua kế hoạch cải cách Tòa án Tối cao ảnh 1Một cuộc họp của Quốc hội Ba Lan. (Nguồn: Politico Europe)

Quốc hội Ba Lan ngày 20/7 đã thông qua dự luật cải cách Tòa án Tối cao, bất chấp các cuộc biểu tình phản đối trên đường phố và đe dọa trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU).

Hạ viện, vốn do đảng Luật pháp và Công lý (PiS) bảo thủ kiểm soát, đã thông qua dự luật trên với 235 phiếu thuận, 192 phiếu chống và 23 phiếu trắng, trao cho Bộ trưởng Tư pháp quyền lực chọn các thẩm phán Tòa án Tối cao.

Đây là thay đổi mới nhất trong một loạt cải cách tư pháp gây tranh cãi mà đảng PiS khẳng định là cần thiết để hệ thống tư pháp hoạt động hiệu quả hơn và chống tham nhũng.

[EU cảnh báo trừng phạt Ba Lan liên quan vấn đề cải cách tư pháp]

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Frans Timmermans cho rằng hoạt động cải cách tư pháp của Chính phủ Ba Lan sẽ khiến hệ thống tư pháp mất đi tính độc lập và chịu sự kiểm soát tuyệt đối của chính phủ.

Ông cảnh báo nếu Ba Lan không ngừng kế hoạch cải cách này, EC có thể họp để đưa ra các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc đối với Ba Lan, đồng thời để ngỏ khả năng xem xét tước quyền bỏ phiếu của Ba Lan trong tổ chức 28 thành viên này - một biện pháp trừng phạt chưa từng có tiền lệ của EU.

Theo luật pháp Ba Lan, dự luật trên sẽ phải được Thượng viện thông qua và được Tổng thống Andrzej Duda​ ban hành trước khi chính thức trở thành luật. Thượng viện hiện cũng do PiS kiểm soát.

Tổng thống Duda, một luật sư chuyển sang làm chính trị, là người có quan hệ mật thiết với đảng PiS. Ngày 20/7, ông đã từ chối gặp Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk, người đã bày tỏ lo ngại về tình hình này.

Đảng PiS lên nắm quyền từ cuối năm 2015 sau 8 năm ở phe đối lập và bắt đầu khởi xướng một loạt thay đổi trong nhiều lĩnh vực như tư pháp và truyền thông. Hàng chục nghìn người đã biểu tình ở thủ đô Vácsava và nhiều thành phố khác của Ba Lan trong tuần này nhằm phản đối cải cách tư pháp.

Hồi tuần trước, hai viện đã thông qua dự luật trao quyền cho Quốc hội chọn các thành viên Hội đồng Tư pháp Quốc gia, cơ quan giám sát việc chọn thẩm phán nhằm đảm bảo tính độc lập của tòa án.

Quốc hội cũng đã phê chuẩn một dự luật thứ hai, theo đó Bộ trưởng Tư pháp sẽ chọn người đứng đầu các cơ quan trực thuộc tòa án tối cao. Hiện các dự luật này đang chờ tổng thống ký ban hành để chính thức có hiệu lực./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục