RUSI: Dự án "Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ" đối mặt nhiều trở ngại

Dự án "Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ" đầy tham vọng nhằm cung cấp khí đốt cho châu Âu vẫn đang đối mặt với nhiều trở ngại về tài chính và luật pháp.
RUSI: Dự án "Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ" đối mặt nhiều trở ngại ảnh 1Bộ trưởng Năng lượng Thổ Nhĩ Kỳ Berat Albayrak (phải) và người đồng cấp Nga Alexander Novak (trái) tại lễ ký thỏa thuận về dự án Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo nhận định hôm 24/10 của Viện Nghiên cứu Hoàng gia Anh về quốc phòng - an ninh (RUSI), mặc dù đã được ký kết tại Istanbul nhân chuyến công du gần đây của Tổng thống Nga Vladimir Putin, nhưng dự án "Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ" đầy tham vọng nhằm cung cấp khí đốt cho châu Âu vẫn đối mặt với nhiều trở ngại về tài chính và luật pháp.

Sau nhiều lần trì hoãn, dự án "Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ" đã được ông Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đặt bút ký hôm 10/10 vừa qua ở Istanbul, nhằm thiết lập hệ thống đường ống dẫn khí dưới lòng Biển Đen từ Nga sang Thổ Nhĩ Kỳ và có thể vươn tới châu Âu.

Dự án này sẽ thay thế cho dự án "Dòng chảy phương Nam" từ Nga sang Bulgaria và qua Serbia, Hungary, Slovenia đến Áo.

Suốt một thời gian dài, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga từng không thể nhất trí về việc giảm giá bán khí đốt theo yêu cầu của Ankara.

Trong bối cảnh mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Phương Tây lâm vào tình trạng căng thẳng, thì việc ký kết thỏa thuận này đã gửi đi nhiều thông điệp mang tính chiến lược của Nga.

Liên minh châu Âu (EU) từ lâu vẫn tìm cách thoát ra khỏi sự lệ thuộc vào nguồn khí đốt của Nga, và họ có kế hoạch xây dựng Hành lang khí đốt phương Nam.

Mặc dù vậy, bằng bước chạy "nước rút" ở Istanbul, ông Putin có thể làm phá sản mọi cố gắng đảm bảo nguồn cung khí đốt qua hành lang này.

Dự án "Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ" có tổng công suất 63 tỷ m3, với 4 đường ống song song nhau.

Tuy nhiên, tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga từng tuyên bố họ sẽ giảm một nửa công suất. Bởi trên thực tế, mức cầu khí đốt tại thị trường Thổ Nhĩ Kỳ và châu Âu cũng không quá cao để có thể đảm bảo mọi chi phí xây dựng.

Bên cạnh đó, Gazprom cũng sẽ phải ký kết thêm nhiều thỏa thuận với EU.

Theo luật của EU, không một công ty đơn lẻ nào được phép vận hành đường ống mới tới Hy Lạp và châu Âu. Bởi vậy, sự tham gia của bên thứ ba là điều bắt buộc./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục