Sau khi rút quân khỏi Afghanistan: Đâu sẽ là mục tiêu mới của Mỹ?

Giới quan sát đang đặt câu hỏi liệu một thời kỳ quân sự mới với sự hiện diện của một nước "thế chân Mỹ" nào đó sẽ xuất hiện ở Afghanistan hay không?
Sau khi rút quân khỏi Afghanistan: Đâu sẽ là mục tiêu mới của Mỹ? ảnh 1Binh sỹ Mỹ gác tại sân bay Kabul, Afghanistan, khi hoạt động sơ tán được tiến hành tại đây. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo TTXVN/AFP, sau hơn hai thập kỷ hiện diện tại Afghanistan, cuộc chiến dai dẳng nhất của Mỹ ở quốc gia Nam Á này đang đi đến hồi kết với với việc Washington đang phải đối mặt với một thất bại lịch sử tại Afghanistan khi chính quyền Kabul thất thủ trước bước tiến của Taliban.

Trong khi việc Washington dứt khoát đánh đổi hình ảnh của mình bằng quyết định rút quân đã phát đi những tín hiệu nhiều chiều đối với Bắc Kinh thì giới quan sát đang đặt câu hỏi liệu một thời kỳ quân sự mới với sự hiện diện của một nước "thế chân Mỹ" nào đó sẽ xuất hiện ở Afghanistan hay không?

Hình ảnh... "tả tơi"

Theo bình luận của Thời báo Hoàn Cầu, cuộc chiến "dài hơi" nhất của nước Mỹ, bắt đầu từ năm 2001, đang kết thúc trong sự nhục nhã toàn diện. Taliban đã chiếm được các vùng nông thôn, mọi thành phố lớn và giờ đây Kabul đã thất thủ thực sự.

Chính phủ bù nhìn của Mỹ ở Kabul đã sụp đổ chỉ bốn tháng sau khi Washington tuyên bố hồi tháng Tư rằng Mỹ sẽ rút quân. Điều đó cho thấy chính quyền Kabul và sự chiếm đóng của Mỹ chỉ nhận được sự ủng hộ vụn vặt của người dân bản địa: Điều kiện cho sự tồn tại của chế độ trước đây là quân đội và không quân của Mỹ. Ngược lại, Taliban rõ ràng nhận được sự ủng hộ đáng kể của người dân.

[Afghanistan: Mỹ điều động thêm nhân viên lãnh sự hỗ trợ sơ tán]

Trong khi đó, nhìn nhận diễn biến này, hãng tin AFP của Pháp đưa ra giọng điệu trầm lắng hơn khi nói rằng với sự sụp đổ nhanh chóng của chính quyền Kabul hôm 15/8, lễ kỷ niệm lần thứ 20 cuộc tấn công khủng bố 11/9 khiến Washington phát động cuộc chiến chống khủng bố ở Afghanistan sẽ được đánh dấu bằng một thực tế trớ trêu là Taliban đã giành lại quyền kiểm soát Afghanistan, cho dù Mỹ đã tiêu tốn hơn 2 nghìn tỷ USD và gần 2.500 quân nhân thiệt mạng trong cuộc chiến tại Afghanistan.

Đối với một số nhà quan sát, sự thất bại hoàn toàn nói trên chắc chắn hủy hoại hình ảnh của Mỹ trên trường quốc tế đúng vào lúc Tổng thống Joe Biden đang kêu gọi sự đoàn kết và ủng hộ của các nền dân chủ trong cuộc đối đầu với một Trung Quốc đang trỗi dậy.

Cựu Đại sứ Pakistan tại Mỹ Husain Haqqani bình luận trên AFP: "Nhìn vào cách thức mà chính quyền Afghanistan bị bỏ rơi khi các cuộc đàm phán hòa bình ở Doha bắt đầu, uy tín của Mỹ với vị thế là một đồng minh đã bị hủy hoại."

Ở trong nước, Biden đã vấp phải không ít chỉ trích gay gắt khi kế hoạch rút quân được triển khai chóng vánh, hậu quả là Mỹ phải vội vàng triển khai kế hoạch sơ tán nhân viên và công dân của mình ra khỏi quốc gia Nam Á này chỉ một tháng sau khi ông hạ thấp nguy cơ chính quyền Kabul sẽ nhanh chóng sụp đổ.

Trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin ABC của Mỹ, nghị sỹ đảng Cộng hòa có quan điểm cứng rắn, bà Liz Cheney bày tỏ quan ngại về hình ảnh của Mỹ: "Các đồng minh của chúng ta đang băn khoăn tự hỏi liệu họ còn có thể tin cậy vào chúng ta trong bất kỳ vấn đề gì nữa hay không?" Bà cũng cho rằng những hệ quả không chỉ xảy ra đối với riêng Afghanistan và rằng các thế lực thù địch của Mỹ giờ đây "nắm đằng chuôi" khi biết được rằng họ có thể đe dọa Mỹ.

Thời báo Hoàn Cầu dẫn nhận định của Martin Jacques, người gần đây vẫn là chuyên gia nghiên cứu cao cấp tại Khoa Chính trị và Nghiên cứu Quốc tế tại Đại học Cambridge, cho rằng thất bại của Mỹ ở Afghanistan sẽ có tác động lớn trên toàn thế giới.

Thất bại này đặt ra câu hỏi về năng lực lãnh đạo chính trị và quân sự của Mỹ, sự sẵn sàng của họ trong việc tham gia vào những vướng mắc quân sự hơn nữa, cũng như độ tin cậy và cam kết của họ với tư cách là một đồng minh.

Nếu Mỹ có thể thực hiện một tính toán sai lầm lớn như vậy và chịu thất bại thảm khốc như vậy ở Afghanistan, thì ai sẽ tin tưởng vào sự phán xét của họ ở Đông Á, hay Biển Đông?

Nhìn lại chiều dài lịch sử, ông Martin Jacques, hiện cũng là Giáo sư thỉnh giảng tại Viện Nghiên cứu Quan hệ Quốc tế Hiện đại thuộc Đại học Thanh Hoa, đồng thời là chuyên gia nghiên cứu cao cấp tại Viện Nghiên cứu Trung Quốc, Đại học Phúc Đán, cho rằng hai thập kỷ qua là một thảm họa đối với Mỹ.

Theo phân tích của vị giáo sư này, thời kỳ đơn cực của Mỹ rõ ràng đã chết và uy tín về sức mạnh quân sự của Mỹ đã bị suy giảm với những thất bại ở Iraq và Afghanistan, sau đó là cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất kể từ năm 1931 vào năm 2008.

Mỹ giờ bị coi là một siêu cường đang suy tàn nhanh chóng, một cái bóng mờ nhạt của những gì họ đã từng nương theo.

Ai sẽ "thế chân Mỹ" ở Afghanistan?

Trước những chỉ trích và bình luận tiêu cực về Mỹ, Trung Quốc đã chộp lấy cơ hội này để "té nước theo mưa."

Theo AFP, tờ Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc đã đăng tải bài phân tích với giọng điệu chói tai rằng tình hình Afghanistan cho thấy Washington là một "đối tác không đáng tin cậy khi luôn bỏ rơi đối tác và đồng minh để mưu cầu lợi ích cho riêng mình."

Richard Fontaine, phụ trách văn phòng của Trung tâm An ninh Mỹ Mới nhận định Bắc Kinh có thể hiểu rằng việc Mỹ sẵn sàng đánh đổi cái giá quá cao khi rút khỏi Afghanistan là một dấu hiệu cho thấy Washington rất nghiêm túc trong nỗ lực triển khai kế hoạch chuyển trọng tâm sang khu vực Thái Bình Dương.

Theo AFP, một số nhà hoạch định chính sách lập luận sự cần thiết duy trì một lực lượng còn lại khoảng 2.500 binh sỹ Mỹ ở Afghanistan. Tuy nhiên, Tổng thống Biden quyết định chấm dứt chiến tranh và không nên gây rủi ro hơn nữa đối với mạng sống của công dân Mỹ.

Theo Thời báo Hoàn Cầu, đã có những đồn đoán ở phương Tây rằng có lẽ Trung Quốc có thể thử sức tiếp theo ở Afghanistan. Tuy nhiên, báo này nói rằng cơ hội để Trung Quốc trở nên ngu ngốc như vậy là bằng không. Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) sẽ không có vai trò nào ở Afghanistan.

Về lâu dài, Trung Quốc sẽ coi trọng việc làm thế nào để hỗ trợ sự phát triển kinh tế của quốc gia Nam Á này, giống như những gì Bắc Kinh đã làm ở châu Phi, châu Mỹ Latin và Đông Nam Á. Sự phát triển là "danh thiếp" của Trung Quốc, vốn đặt ở trung tâm của Sáng kiến "Vành đai và Con đường."

Trung Quốc sẽ có một mối quan tâm lớn khác. Là một quốc gia có chung đường biên giới với Afghanistan, nước này sẽ tìm cách mang lại sự ổn định cho Afghanistan và cho khu vực rộng lớn hơn, đặc biệt là vì điều này cũng có tác động đến tình hình ở Tân Cương.

Hơn hết, Trung Quốc hiểu rằng bất ổn và chiến tranh là kẻ thù của sự phát triển kinh tế. Trong khi Mỹ theo đuổi việc mở rộng toàn cầu thì Trung Quốc lại đặt ưu tiên cho sự ổn định và phát triển của chính mình.

Thế nhưng, liệu sự tập trung của Trung Quốc vào phát triển kinh tế và khai thác tài nguyên có thể thay đổi cuộc chơi có lợi cho Bắc Kinh khi Mỹ và Nga đã thất bại hay không? Đây cũng là câu hỏi mà bà Rajeswari Pillai Rajagopalan, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu an ninh chiến lược và công nghệ Quỹ Nhà quan sát (ORF) Ấn Độ đặt ra khi bàn về vai trò của Trung Quốc trong việc ổn định Afghanistan trên trang mạng của tạp chí The Diplomat.

Theo nữ chuyên gia này, bất chấp lợi ích của Trung Quốc trong việc mở rộng Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan, Bắc Kinh vẫn hết sức thận trọng.

Trung Quốc có thể sẽ áp dụng cách tiếp cận nghe nghóng và không vội "nhảy" vào Afghanistan vốn đang chìm trong bạo lực. Trung Quốc sẽ không làm gì để đẩy mạnh Taliban vì lo ngại những hậu quả có thể xảy ra ở Tân Cương.

Ngoài ra, bà Rajagopalan cũng cho rằng với việc Mỹ đã sẵn sàng hoàn tất việc rút quân vào tháng tới, không chắc rằng bất kỳ một cường quốc nào hoặc thậm chí một nhóm cường quốc khu vực nào sẵn sàng nhúng tay vào, ngoại trừ Pakistan.

Trong khi đó, bất chấp lợi ích của Ấn Độ trong việc nhìn thấy một Afghanistan ổn định, đa sắc tộc, New Delhi không thích sự gần gũi về địa lý mà Pakistan có với Afghanistan. Đây là một hạn chế đáng kể sẽ ngăn cản bất kỳ hành động có ý nghĩa nào của Ấn Độ đối với tình hình ở Afghanistan.

Nữ chuyên gia này kết luận rằng tình hình ở Afghanistan chỉ có thể trở nên tồi tệ hơn. Vẫn còn phải chờ xem liệu Pakistan có đủ khích lệ và động cơ sau thành công ở Afghanistan để cố gắng phục hồi các mạng lưới khủng bố ở Kashmir hay không.

Phản ứng gay gắt hơn của Ấn Độ trong vài năm qua đối với hành động như vậy cho thấy khu vực rộng lớn hơn cũng có thể gặp bất ổn hơn nữa./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục