Sri Lanka tăng thuế để ứng phó với khủng hoảng kinh tế

Từ ngày 31/5, VAT tăng từ 8% lên 12% nhằm giúp tăng thu nhập của chính phủ thêm 180 triệu USD; trong khi thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ tăng từ 24% lên 30% từ tháng 10 tới.
Sri Lanka tăng thuế để ứng phó với khủng hoảng kinh tế ảnh 1Người dân mua thực phẩm tại khu chợ ở Colombo, Sri Lanka. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo Reuters và THX, ngày 31/5, Chính phủ Sri Lanka thông báo tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) và thuế thu nhập doanh nghiệp trong một cuộc cải cách thuế nhằm tăng tối đa thu nhập của chính phủ trong bối cảnh nước này đang rơi vào khủng hoảng kinh tế.

Cụ thể, từ ngày 31/5, VAT tăng từ 8% lên 12% nhằm giúp tăng thu nhập của chính phủ thêm 65 tỷ rupee Sri Lanka (180,56 triệu USD). Trong khi đó, thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ tăng từ 24% lên 30% từ tháng 10 tới, nhằm mang lại thêm 52 tỷ rupee Sri Lanka cho ngân khố quốc gia Sri Lanka.

Tuyên bố từ Văn phòng Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremesinghe cho biết chính phủ nước này cũng áp đặt thuế thu nhập từ tiền lương và giảm bớt việc miễn thuế cho những người nộp thuế cá nhân.

Thủ tướng Wickremesinghe cho biết các biện pháp cải cách thuế này là cần thiết do tình trạng tài chính không bền vững hiện nay của chính phủ. Thủ tướng Wickremesinghe dự kiến sẽ đệ trình dự chi ngân sách trong vài tuần tới.

Trong khi đó, Ngân hàng trung ương Sri Lanka thông báo sẽ đảm bảo cho các nhà nhập khẩu tiếp cận đủ ngoại hối thông qua khu vực ngân hàng để nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu.

[Lạm phát của Sri Lanka trong tháng Tư đã tăng lên mức 33,8%]

Sri Lanka đang đương đầu với cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng, thiếu thốn thực phẩm, nhiên liệu và thuốc men trong khi lạm phát cao kỷ lục và không đủ điện sử dụng. Cuộc sống người dân khó khăn dẫn tới những bất ổn chính trị và xã hội leo thang.

Sri Lanka đang đàm phán với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) về các gói cứu trợ và cần đàm phán tái cơ cấu nợ với các chủ nợ. Trước đó, Chính phủ Sri Lanka cho biết cần 3-4 tỷ USD để thoát khỏi khủng hoảng hiện tại.

Ngày 15/5, tân Thủ tướng Wickremesinghe đã tổ chức các cuộc thảo luận với đại diện Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển châu Á nhằm tìm nguồn hỗ trợ để khắc phục các vấn đề trong chuỗi cung ứng dược phẩm, thực phẩm và phân bón./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục