Tầm nhìn Ai Cập trong nỗ lực nối lại tiến trình hòa bình Trung Đông

Tổng thống Ai Cập El-Sisi gặp Thủ tướng Israel Naftali Bennett để tái khẳng định sự ủng hộ của Cairo với hòa bình trong khuôn khổ giải pháp hai nhà nước và nghị quyết quốc tế liên quan.
Tầm nhìn Ai Cập trong nỗ lực nối lại tiến trình hòa bình Trung Đông ảnh 1Thủ tướng Israel Naftali Bennett (trái) và Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah El-Sisi trong cuộc gặp ngày 13/9 tại thành phố Sharm El-Sheikh. (Nguồn: AFP)

Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah El-Sisi đã có cuộc tiếp đón Thủ tướng Israel Naftali Bennett tại thành phố biển Sharm El-Sheikh ngày 13/9, đánh dấu chuyến công du chính thức đầu tiên của người đứng đầu Chính phủ Israel đến Ai Cập trong một thập niên qua.

Cuộc gặp này được lên lịch từ tháng trước trong chuyến thăm của người đứng đầu Tổng cục Tình báo Ai Cập Abbas Kamel tới Jerusalem và là một phần trong nỗ lực không ngừng của Cairo nhằm hồi sinh tiến trình hòa bình Palestine-Israel.

Theo bài phân tích đăng trên tuần báo Al-Ahram của Ai Cập, Tổng thống El-Sisi đã sử dụng cuộc gặp này để tái khẳng định sự ủng hộ của Cairo đối với hòa bình trong khuôn khổ giải pháp hai nhà nước và các nghị quyết quốc tế liên quan, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của hỗ trợ quốc tế đối với nỗ lực tái thiết của Ai Cập ở các khu vực bị tàn phá trong cuộc không kích của Israel nhằm vào Dải Gaza vừa qua.

Trong khi đó, Thủ tướng Israel mô tả cuộc gặp nhà lãnh đạo Ai Cập có vai trò rất quan trọng khi hai bên đã tạo ra nền tảng liên kết sâu sắc cho tương lai.

Một nguồn tin giấu tên cho biết những nỗ lực của Cairo đã đưa “hồ sơ Palestine” trở lại vị trí quan trọng hàng đầu sau một thập kỷ xuống cấp. Những tuần gần đây đã chứng kiến hàng loạt hoạt động ngoại giao đa phương nhằm phục hồi tiến trình hòa bình Palestine-Israel.

Trong chuyến thăm tới Washington (Mỹ) của Thủ tướng Bennett vào tuần cuối cùng của tháng 8/2021, Tổng thống Mỹ Joe Biden nhấn mạnh rằng giải pháp hai nhà nước là "con đường khả thi duy nhất" để giải quyết lâu dài cuộc xung đột.

Bên cạnh đó, trong tuần đầu tiên của tháng 9 này, thành phố Sharm El-Sheikh cũng là địa điểm tổ chức hội nghị thượng đỉnh ba bên giữa Tổng thống El-Sisi, Quốc vương Jordan Abdullah II và Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas nhằm chia sẻ tầm nhìn trong nỗ lực nối lại đàm phán và tiến trình hòa bình trên cơ sở giải pháp hai nhà nước.

[Ai Cập và Israel phối hợp thúc đẩy tiến trình hòa bình Trung Đông]

Các thỏa thuận cho cuộc gặp giữa ông El-Sisi và ông Bennett đã được hoàn tất một tuần trước chuyến thăm của phái đoàn an ninh quốc gia Israel tới Ai Cập.

Theo các báo cáo và tuyên bố chính thức từ phía Israel, phái đoàn Israel đã trao đổi một loạt vấn đề với chính quyền Ai Cập, bao gồm việc nối lại hoạt động giao thông hàng không và phục hồi du lịch Israel đến thị trấn Taba (Ai Cập), vấn đề Palestine và khả năng hồi sinh tiến trình hòa bình hay Diễn đàn khí đốt Đông Địa Trung Hải và quan hệ kinh tế Ai Cập-Israel.

Nguồn tin Ai Cập nhấn mạnh rằng ưu tiên của Cairo là tập trung vào việc kiến tạo hòa bình và nỗ lực này đã nhận được sự ủng hộ của Tổng thống Biden. Ai Cập đang muốn nắm bắt những cơ hội mới trong bối cảnh triển vọng thực hiện “thỏa thuận thế kỷ” vốn do chính quyền tiền nhiệm tại Washington đề xuất, đã trở nên mờ nhạt.

Tuy nhiên, liệu có bất kỳ cơ hội thực sự nào để bắt đầu các cuộc đàm phán hòa bình?

Các nguồn thạo tin ở Cairo tiết lộ thỏa thuận thế kỷ có rất ít cơ hội để thổi một luồng sinh khí mới vào tiến trình đã đình trệ suốt 14 năm qua, và triển vọng thực tế hiện nay phụ thuộc đáng kể vào Mỹ và Israel. Kể từ khi trở thành Tổng thống Mỹ, ông Biden đã nhiều lần nhắc lại cam kết đối với giải pháp hai nhà nước và theo đuổi tất cả các lộ trình khả thi để đạt được mục tiêu này.

Tuy nhiên, tiến trình này còn tồn tại những yếu tố phức tạp. Minh chứng là trong chuyến thăm của Thủ tướng Bennett tới Washington, ông đã gắn kết quan điểm của Israel về Iran vào chương trình nghị sự. Đối với Israel, vấn đề này quan trọng hơn cả việc phục hồi các cuộc đàm phán hòa bình.

Yếu tố thứ hai tập trung vào nỗ lực của Israel trong việc thúc đẩy kế hoạch mà họ coi là “hòa bình kinh tế để đổi lấy an ninh.” Tổng thống Biden đã ám chỉ rằng chính quyền Washington có thể phối hợp với Thủ tướng Bennett về một kế hoạch như vậy cho đến khi xuất hiện một sáng kiến rõ ràng để phục hồi tiến trình hòa bình.

Trước đó, Ngoại trưởng Israel Yair Lapid đã vạch ra tầm nhìn của nước này trong việc thay đổi hiện trạng kinh tế của Gaza. Phát biểu tại Đại học Reichman ở Israel, ông Lapid nói rằng sự kết hợp giữa đầu tư quốc tế, hợp tác giữa Israel và Palestine có thể giúp cuộc sống của những người dân ở Gaza trở nên tốt đẹp hơn.

Ông nói: “Các điều kiện chính trị đối với Israel và Chính quyền Palestine (PA) không cho phép tiến triển ngoại giao, nhưng ở Gaza, chúng ta có thể và cần hành động ngay bây giờ.”

Cairo coi quan điểm của Israel là một nỗ lực nhằm ổn định thỏa thuận ngừng bắn với phong trào Hamas trong khi trì hoãn các vấn đề liên quan đến mối quan hệ của Israel với PA.

Trên thực tế, chủ đề về hòa bình kinh tế của Israel hầu như không mới. Nó từng được cựu Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu thúc đẩy vào năm 1996 và được đề xuất một lần nữa trong nhiệm kỳ 2007-2013 của cựu Thủ tướng Palestine Salam Fayyad.

Nguồn tin Ai Cập cho biết: “Đề xuất này không được chấp nhận đối với cả người Ai Cập và Palestine, mặc dù nó đã được đưa lên bàn thảo luận một lần nữa như một phần của thỏa thuận thế kỷ do Tổng thống Donald Trump khởi xướng.”

Khi đó, việc khởi động tiến trình hòa bình dường như bị mắc kẹt ngay từ bước đầu, với câu hỏi trọng tâm là liệu Israel có thể cam kết thực hiện bước đi can đảm hướng tới giải pháp hai nhà nước hay không? Các nhà quan sát ở Cairo tin rằng chính phủ liên minh mong manh của Thủ tướng Bennett sẽ sụp đổ nếu thực hiện quá nhiều động thái theo hướng này.

Họ cũng tin rằng ông Bennett không muốn theo đuổi một lộ trình chính sách đối ngoại sẽ mang lại cho đối tác liên minh của ông và Bộ trưởng Ngoại giao đương nhiệm Lapid - người sẽ đảm nhận vị trí thủ tướng trong hai năm theo thỏa thuận luân chuyển của chính phủ liên minh - một cơ hội để tỏa sáng.

Dư luận Ai Cập cho rằng những nỗ lực hiện tại là nhằm mở đường cho tiến trình hòa bình hiện chưa tồn tại một điểm chung nào. Mặc dù cơ hội nối lại tiến trình hòa bình Palestine-Israel vốn bị đình trệ từ lâu là rất mong manh, các nguồn tin từ Cairo nhận định rằng cuộc gặp giữa El-Sisi và Bennett đã mang lại một số kết quả tích cực.

Đã xuất hiện những tín hiệu đáng khích lệ về khả năng biến lệnh ngừng bắn ở Gaza do Ai Cập làm trung gian thành một thỏa thuận ngừng bắn lâu dài, qua đó ngăn chặn việc quay trở lại leo thang quân sự.

Bên cạnh đó, một số tiến bộ đã đạt được trong vấn đề trao đổi tù nhân và dọn đường cho nỗ lực tái thiết Gaza mà Ai Cập đang giám sát với sự hợp tác của Liên hợp quốc.

Mustafa Al-Barghouti, Tổng thư ký Sáng kiến Quốc gia Palestine, chia sẻ rằng những hoạt động ngoại giao bùng nổ gần đây, bao gồm cả cuộc gặp ở Sharm El-Sheikh giữa lãnh đạo Ai Cập và Israel, có thể góp phần giải quyết một số vấn đề, bao gồm duy trì lệnh ngừng bắn và đối xử tốt hơn đối với các tù nhân Palestine, song sẽ có ít tác động đến tiến trình hòa bình.

Không chỉ Thủ tướng Bennett và Ngoại trưởng Lapid mà toàn bộ tinh hoa xã hội của Israel đều là những nhân vật theo đường lối cánh hữu, và họ tin tưởng mạnh mẽ vào những gì mà “thỏa thuận thế kỷ” đưa ra. Vì vậy, những nỗ lực hiện tại có thể giúp cải thiện tình hình liên quan đến một số vấn đề, nhưng chừng nào sự nghiệp của người Palestine còn tiếp tục thì vẫn còn quá sớm để nói về bất kỳ bước đột phá nào./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục