Thanh Hóa: Xây "kiềng ba chân" cho ngành thủy sản

Với lợi thế bờ biển dài trên 100km, Thanh Hóa đang thực hiện nhiều giải pháp nhằm tái cơ cấu ngành thủy sản theo thế "kiềng 3 chân.
Với lợi thế bờ biển dài trên 100km, tỉnh Thanh Hóa đang thực hiện nhiều giải pháp nhằm tái cơ cấu ngành thủy sản theo thế "kiềng 3 chân" là phát triển đồng bộ cả đánh bắt, nuôi trồng và hậu cần nghề cá.

Tỉnh đặt mục tiêu từ nay đến năm 2015, giá trị sản xuất thủy sản tăng bình quân từ 8-9%/năm. Mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản trên 10.000ha, trong đó nuôi mặn, lợ đạt 7.400ha.

Sản lượng nuôi trồng đạt khoảng 28.400 tấn. Diện tích nuôi trồng thủy sản kết hợp với lúa đạt 2.000ha tại các huyện Quảng Xương, Hậu Lộc, Hoằng Hóa và Nga Sơn.

Bên cạnh đó, tỉnh sẽ phát triển đội tàu có công suất lớn, đủ sức vươn khơi, mở rộng ngư trường khai thác, đồng thời xây dựng đội tàu chuyên thu mua, chế biến và cung cấp dịch vụ hậu cần nhằm nâng cao hiệu quả khai thác và chế biến hải sản.

Tỉnh cũng ổn định vùng sản xuất muối từ 250-300ha tại các xã Hòa Lộc, Hải Lộc (Hậu Lộc) và Hải Châu (Tĩnh Gia).

Để đạt được mục tiêu đó, tỉnh tập trung tổ chức khai thác hải sản theo hình thức tổ, đội sản xuất nhằm đảm bảo an toàn cho người và phương tiện trên biển, nâng cao hiệu quả sản xuất.

Ngành nông nghiệp phối hợp với các địa phương đổi mới công tác quản lý, nâng cao hiệu quả khai thác cảng cá, bến cá tạo điều kiện phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá.

Ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, thủy lợi cho vùng nuôi tôm công nghiệp, nuôi cá tập trung, xây dựng Trung tâm nghiên cứu và sản xuất giống thủy sản, khu neo đậu tránh trú bão cho nghề cá Lạch Trường. Các địa phương cũng chú trọng phát triển hình thức nuôi xen ghép, luân canh để tăng hiệu quả sản xuất, chủ động xây dựng các mô hình thực hiện quy phạm thực hành nuôi trồng thủy sản tốt đối với tôm chân trắng, tôm sú.

Đồng thời nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất giống tôm chân trắng sạch bệnh và các giống cá có giá trị kinh tế cao nhằm chủ động nguồn giống chất lượng và tăng hiệu quả sản xuất cho người nuôi. Đặc biệt các địa phương sẽ thường xuyên tổng kết các mô hình nuôi trồng và khai thác thủy sản có hiệu quả để nhân ra diện rộng...

Theo đánh giá của của các cơ quan chức năng, trong 2 năm gần đây, việc phát triển ngành thủy sản tại 6 huyện vùng ven biển đã được chú trọng vào cả 3 mặt là khai thác, nuôi trồng và dịch vụ hậu cần nghề cá.

Tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản tại các huyện ven biển chiếm gần 80% tổng sản lượng toàn tỉnh và tăng 16% so với năm 2010.

Trong đó, năng lực khai thác và hiệu quả khai thác ngày càng phát triển, nhất là đối với đội tàu khai thác xa bờ có công suất từ 90CV trở lên.

Hiện toàn tỉnh có trên 7.800 tàu cá với tổng công suất 361.319CV, công suất bình quân tăng 17,6CV so với năm 2010, trong đó có 1.032 tàu khai thác xa bờ, chiếm 14,2% số tàu khai thác, tăng 272 tàu so với năm 2010.

Bên cạnh đó, tại các địa phương còn thành lập các đội tàu công suất lớn thường xuyên có mặt tại các ngư trường để tham gia làm dịch vụ trên biển.

Với nhiệm vụ cung cấp xăng dầu, đá lạnh và các loại thực phẩm thiết yếu, đồng thời thu mua hải sản của các tàu đánh bắt, gần 100 tàu cá dịch vụ trên biển đã và đang tạo thuận lợi cho việc đánh bắt, tiêu thụ hải sản có hiệu quả hơn.

Dịch vụ hậu cần nghề cá tại các bến cá, cửa lạch và các cơ sở thu mua, chế biến thủy hải sản tại cũng được phát triển theo hướng bền vững tại các địa phương.

Cùng với việc khai thác và dịch vụ hậu cần nghề cá, nuôi trồng thủy sản cũng được đẩy mạnh. Các địa phương đã chủ động xác định đối tượng nuôi trồng chủ lực dựa trên điều kiện của từng địa bàn.

Đồng thời nâng cao việc quản lý môi trường, dịch bệnh, chất lượng con giống... Nhiều mô hình đã và đang mạng lại hiệu quả kinh tế cao đang được nhân rộng như nuôi cá lóc thâm canh trong bể ximăng, nuôi bán thâm canh trong ao đất ở một số xã bãi ngang các huyện Quảng Xương, Tĩnh Gia, thị xã Sầm Sơn; cá rô đầu vuông; nuôi ngao và cá biển, tôm sú, tôm chân trắng, cua xanh...

Phát triển kinh tế xã hội vùng ven biển là 1 trong 5 chương trình trọng tâm của tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2010-2015, trong đó, việc phát triển ngành thủy sản được xem là hướng đi chủ đạo.

Tỉnh cũng xác định phát triển thủy sản là nguồn tạo việc làm và thu nhập chính của đa số dân cư vùng biển. Tập trung tái cơ cấu ngành thủy sản cũng là nền tảng để đảm bảo ổn định tình hình kinh tế, xã hội và là điều kiện quan trọng để vùng ven biển phát triển bền vững./.

Nguyễn Mai Hương (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục