Thủ tướng Israel bác đề xuất cải cách tư pháp của tổng thống

Tổng thống Israel khẳng định kế hoạch cải cách tư pháp của ông đưa ra một sự thỏa hiệp, phản ánh lập trường của nhiều bộ phận trong xã hội Israel. Tuy nhiên, Thủ tướng Netanyahu bác bỏ kế hoạch này.
Thủ tướng Israel bác đề xuất cải cách tư pháp của tổng thống ảnh 1Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 15/3, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã bác bản dự thảo về cải cách tư pháp do Tổng thống Issac Herzog đề xuất, đồng thời khẳng định sẽ tiếp tục thúc đẩy kế hoạch cải cách tư pháp của chính phủ.

Theo phóng viên TTXVN tại Tel Aviv, trước đó cùng ngày, Tổng thống Herzog đã trình bày bản dự thảo có tên "Khuôn khổ Nhân dân" thay cho kế hoạch cải cách tư pháp gây tranh cãi của chính phủ.

Bản dự thảo này được ông Herzog công bố sau nhiều tuần đàm phán với các bộ trưởng trong chính phủ liên minh ở Israel, các nghị sỹ đối lập và các chuyên gia pháp lý.

[Israel: Biểu tình phản đối cải cách bước sang tuần thứ 10 liên tiếp]

Tổng thống Israel khẳng định kế hoạch cải cách tư pháp của ông đưa ra một sự thỏa hiệp, phản ánh lập trường của nhiều bộ phận trong xã hội Israel.

Tuy nhiên, Thủ tướng Netanyahu đã bác bỏ kế hoạch trên.

Phát biểu tại sân bay trước khi lên đường thăm chính thức Đức, ông cho rằng đề xuất này không giúp giải quyết tình hình hiện tại và không mang lại "sự cân bằng cần thiết" cho chính quyền Israel.

Ngay sau khi nhậm chức cách đây gần 3 tháng, Thủ tướng Netanyahu đã công bố giai đoạn đầu tiên của kế hoạch cải cách tư pháp, bao gồm thông qua sửa đổi một số nội dung luật.

Trong dự luật, Chính phủ Israel sẽ thay đổi thành phần ủy ban bổ nhiệm thẩm phán gồm 9 thành viên, hạn chế ảnh hưởng của các chuyên gia pháp lý, tăng quyền hạn của chính phủ trong việc lựa chọn thẩm phán.

Dự luật không cho phép Tòa án Tối cao ra phán quyết bác những luật cơ bản mà Quốc hội thông qua. Quốc hội cũng có quyền bác các quyết định của Tòa án Tối cao chỉ với 61/120 phiếu.

Thủ tướng Netanyahu và những người ủng hộ nói rằng những cải tổ này là cần thiết để khôi phục sự cân bằng trong hệ thống và hạn chế các thẩm phán lạm quyền khi can thiệp vào lĩnh vực chính trị.

Tuy nhiên, kế hoạch cải cách này đã vấp phải những phản ứng gay gắt của các Tổng chưởng lý, Chánh án Tòa án Tối cao, giới thẩm phán và châm ngòi cho làn sóng biểu tình trên cả nước.

Người dân Israel cho rằng kế hoạch nhằm hạn chế quyền lực của Tòa án Tối cao và đe dọa vai trò độc lập của ngành tư pháp.

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Israel (BOI) Amir Yaron cho rằng kế hoạch cải cách có thể làm suy yếu tính độc lập của hệ thống tòa án và về lâu dài có thể gây ra tình trạng "chảy máu chất xám./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục