Tổng thống Vladimir Putin hâm nóng cuộc bầu cử Duma Quốc gia Nga

Tổng thống Nga Vladimir Putin hé lộ cuộc bầu cử này sẽ là cuộc chạy đua rất nóng với sự tham gia của nhiều chính đảng hơn trong bối cảnh tầm quan trọng của Duma Quốc gia đã gia tăng đáng kể.
Tổng thống Vladimir Putin hâm nóng cuộc bầu cử Duma Quốc gia Nga ảnh 1Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc họp báo cuối năm thường niên qua video ở ngoại ô Moskva ngày 17/12/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Cuộc họp báo lớn thường niên diễn ra trong năm 2020 của Tổng thống Nga Vladimir Putin có lẽ là buồn tẻ nhất trong lịch sử của định dạng này. Vì ảnh hưởng của dịch viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 gây ra (COVID-19), sự kiện được rút gọn và Tổng thống không xuất hiện trực tiếp trước đông đảo phóng viên tại Trung tâm Thương mại Quốc tế như mọi năm. Ông trả lời trực tuyến các câu hỏi từ dinh thự ở ngoại ô Moskva.

Tại cuộc họp báo, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã trả lời nhiều câu hỏi được cho là nhạy cảm về các vấn đề đối nội, đối ngoại và cá nhân ông cũng như các thành viên trong gia đình. Đáng chú ý, trả lời quan tâm của người dân về cuộc bầu cử Duma Quốc gia sẽ diễn ra vào tháng 9/2021, Tổng thống Nga hé lộ cuộc bầu cử này sẽ là cuộc chạy đua rất nóng với sự tham gia của nhiều chính đảng hơn trong bối cảnh việc sửa đổi Hiến pháp vừa qua đã gia tăng đáng kể tầm quan trọng của Duma Quốc gia trong việc thành lập chính phủ. Theo Tổng thống Putin, các đại biểu sẽ tham gia quyết định nhân sự không chỉ vị trí thủ tưởng mà còn cả các phó thủ tướng và bộ trưởng.

Nhà lãnh đạo Nga cho biết hệ thống chính trị của nước này cho phép nhiều đảng tham gia vào các cuộc bầu cử quốc gia. Theo đó, tối đa 16 đảng có thể tham gia bầu cử trong năm 2021 mà không cần thu thập chữ ký. Tuyên bố của ông Putin góp phần làm nóng thêm cuộc chạy đua của các đảng phái chính trị ở Nga trong cuộc bầu cử vào Duma Quốc gia năm 2021. Mặc dù còn 9 tháng nữa mới diễn ra ngày bỏ phiếu quyết định, nhưng ngay lúc này các chính đảng đang tất bật chuẩn bị hành trang cho cuộc bầu cử quan trọng nhất trong năm tới với những nhiệm vụ không hề đơn giản.

Đảng Nước Nga Thống nhất

Đảng Nước Nga Thống nhất đang chiếm 337 trong tổng số 450 ghế của Duma Quốc gia Nga. Theo các nguồn tin công khai, ban lãnh đạo đảng đề ra nhiệm vụ giành được hơn 66% số ghế trong cuộc bầu cử sắp tới. Điều này sẽ duy trì nguyên ưu thế của đảng Nước Nga Thống nhất tại Hạ viện, củng cố vai trò là đảng cầm quyền và thông qua tất cả các luật cần thiết cho hoạt động của Chính phủ và những gì Văn phòng tổng thống đề xuất. Tuy nhiên, kế hoạch tham vọng này có thể đối mặt với một số rủi ro.

Thứ nhất, theo Cơ quan thăm dò dư luận toàn Nga (VTsIOM), mức tín nhiệm của công chúng đối với đảng Nước Nga Thống nhất vẫn giữ ở mức 30% trong 2 năm gần đây mà không có sự gia tăng đáng kể, bất chấp những nỗ lực lớn của các đội tình nguyện viên trong giai đoạn COVID-19. Nguyên nhân của tình trạng này là do dự luật tăng tuổi nghỉ hưu do đảng này đề xuất và được thông qua tại Hạ viện gây phẫn nộ trên diện rộng.

Thứ hai, việc đánh giá tích cực hay tiêu cực đối với “đảng cầm quyền” phần lớn phụ thuộc vào mức độ nổi tiếng của Tổng thống Putin trong xã hội Nga. Mọi yếu tố tiêu cực ảnh hưởng đến hình ảnh của ông Putin, cũng như những khó khăn trong việc thực hiện các dự án quốc gia và các vấn đề phức tạp có thể xảy ra trong quá trình tiêm chủng đều có thể ảnh hưởng tiêu cực đến vị thế chính trị của Nước Nga Thống nhất.

Tổng thống Vladimir Putin hâm nóng cuộc bầu cử Duma Quốc gia Nga ảnh 2Một phiên họp của Duma Quốc gia ở Moskva, Nga, ngày 22/7/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Để khắc phục những rủi ro này, giới chuyên gia dự đoán đảng Nước Nga Thống nhất có thể đề ra các biện pháp khả thi, như đổi mới nhân sự lãnh đạo của đảng, tăng cường tiếp xúc trực tiếp với cử tri và ưu tiên những việc làm thực sự có lợi cho người dân. Tuy nhiên, dù những biện pháp này có đạt kết quả khả quan, đảng Nước Nga Thống nhất vẫn phải đối mặt với những khó khăn mang tính kỹ thuật từ chính Điện Kremlin.

Báo Vedomosti dẫn nguồn tin nội bộ đảng Nước Nga Thống nhất tiết lộ rằng đảng này có kế hoạch giới thiệu các ứng cử viên mạnh tại tất cả các khu vực bầu cử để giành được chiến thắng áp đảo trước các đảng phái khác. Tuy nhiên, theo “chỉ đạo” từ Văn phòng Tổng thống, đảng Nước Nga Thống nhất sẽ phải “nhường” chiến thắng cho một số ứng cử viên từ các đảng phái đối lập có thỏa thuận ngầm với Điện Kremlin.

Theo đó, đảng Nước Nga Thống nhất có thể không có chiến thắng tại ít nhất từ 10 đến 20 điểm bầu cử trong tổng số 225 điểm trên cả nước. Nguồn tin của Vedomosti cũng nhấn mạng thông lệ này đã được áp dụng trong cuộc bầu cử địa phương diễn ra vào tháng 7 vừa qua.

Đảng Cộng sản Liên bang Nga

Chủ đề đổi mới nhân sự được quan tâm không chỉ với Nước Nga Thống nhất. Đảng Cộng sản sẽ tổ chức đại hội đảng và bầu lại Ban Chấp hành Trung ương trước cuộc bầu cử vào tháng 9/2021. Với 43 ghế tại Hạ viện, vị trí hiện tại của những người cộng sản có vẻ lung lay trong cuộc bầu cử sắp tới. Trong mắt cử tri, Đảng Cộng sản Liên bang Nga không đủ quyết liệt trong việc phản đối các dự luật tai tiếng đang được thông qua và cho đến gần đây vẫn chưa thể xác định được lập trường của họ liên quan đến các sửa đổi Hiến pháp.

Hơn thế nữa, Ủy ban Trung ương đảng Cộng sản Liên bang Nga lại muốn "rút" cựu Thống đốc Irkutsk Sergei Levchenko vốn là ứng cử viên sáng giá khỏi cuộc chạy đua ở địa phương và nhường lại vị thế cho đảng Nước Nga Thống nhất để đổi lấy những đảm bảo khác từ Điện Kremlin. Đây bị xem là một tính toán khó hiểu.

Đảng Dân chủ tự do

Chỉ kém Đảng Cộng sản Liên bang Nga 3 ghế tại Duma Quốc gia nhưng Đảng Dân chủ tự do (LDPR) đã gặp phải bê bối lớn liên quan đến vụ bắt giữ khẩn cấp Thống đốc vùng Khabarovsk Sergei Furgal, thành viên quan trọng của đảng này. Vì tính chất nhạy cảm của vụ việc này, phe LDPR trong Duma Quốc gia không thể ủng hộ tuyệt đối với thành viên của đảng mình, nhưng cũng không tìm được người thay thế xứng đáng ở Khabarovsk.

Trong khi đó, phong cách làm việc thiếu chỉn chu của Quyền Thống đốc Mikhail Degtyarev, người được giới thiệu và bổ nhiệm theo sự áp đặt từ Điện Kremlin, đã dẫn đến những chia rẽ trong nội bộ. Điều này làm cho triển vọng duy trì vị thế dẫn đầu ở một số khu vực của đảng LDPR trở nên viển vông.

[Hạ viện Nga xem xét dự luật cho phép Tổng thống Putin tái tranh cử]

Không giống như đảng Nước Nga Thống nhất và Đảng Cộng sản Liên bang Nga, LDPR đi đầu với chủ trương đổi mới hàng ngũ lãnh đạo đảng và tổ chức đại hội trước tiên. Hội đồng tối cao của đảng đã được mở rộng thành 14 người và có 9 gương mặt mới, trong đó nổi bật là các nhà hoạt động chính trị Sergei Natarov từ thành phố Krasnoyarsk và Alexei Didenko từ tỉnh Tomsk.

Đảng Nước Nga công bằng

Đây không phải là thời điểm tuyệt vời nhất đối với đảng Nước Nga công bằng và cá nhân Chủ tịch đảng Sergei Mironov. Hiện giữ 22 ghế trong Duma Quốc gia, song chính đảng này vừa trải qua cuộc bầu cử địa phương không thành công vào tháng 7 vừa qua.

Gần đây, đã xuất hiện các thông tin nói rằng đảng này quan tâm đến việc tạo ra một “khối liên minh các đảng nhỏ.” Một số đối tác đáng chú ý trong các cuộc đàm phán được nêu tên là đảng Tổ quốc, đảng Vì sự thật, Đảng của những người hưu trí, đảng Những người yêu nước Nga. Hiện chưa rõ thực hư thông tin trên trong khi Valery Gartung - nhân vật thứ hai lãnh đạo các nghị sỹ của đảng này trong Duma Quốc gia - từ chối thừa nhận về bất kỳ cuộc đàm phán có liên quan. Ông Gartung khẳng định đảng không cần đến sự giúp đỡ hay dựa vào chính đảng khác để vượt qua giai đoạn khó khăn.

Đảng Tổ quốc

Nhiều chuyên gia cho rằng rất khó để đánh giá triển vọng của đảng Tổ quốc trong cuộc bầu cử Duma Quốc gia sắp tới. Một mặt, đảng này không chủ động tham gia vào các cuộc đối đầu chính trị và không tham gia các khối và liên minh, ngoại trừ các liên hệ mập mờ với đảng Nước Nga Công bằng.

Mặt khác, Chủ tịch đảng Aleksey Zhuravlev không được biết đến nhiều với các hoạt động tại Hạ viện, nhưng lại nổi tiếng với những phát biểu giật gân và lặp đi lặp lại. Kết quả là đảng này không gây được sự chú ý của các cử tri và không có nhiều sự ủng hộ.

Đảng Nền tảng Công dân

Chỉ chiếm được 1 ghế trong Duma Quốc gia Nga giống như đảng Tổ quốc, nhưng đảng Nền tảng Công dân lại tránh được những bê bối đáng kể. Chủ tịch đảng Rifat Shaikhutdinov được đánh giá là một nghị sỹ chuyên cần, kiệm lời, ít xuất hiện trên các phương tiện truyền thông đại chúng nhưng hành động tích cực và năng nổ hơn so với lãnh đạo đảng Tổ quốc.

Chính trị gia Rifat Shaikhutdinov khẳng định đảng sẽ tự mình vận động cho cuộc bầu cử Duma Quốc gia vào tháng 9 tới theo danh sách các ứng cử viên và không liên minh với bất kỳ đảng phái nào, mặc dù nhiều đề xuất đang được đưa ra. Ông Shaikhutdinov nhấn mạnh, đảng này cần liên minh chiến lược lâu dài, không phải "các mục tiêu chiến thuật ngắn hạn"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục