TP.HCM: Đồng loạt điều chỉnh giá nhiều nhóm mặt hàng từ đầu tháng Tư

Theo một số doanh nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh, nguyên nhân giá hàng hóa trong chương trình bình ổn thị trường phải điều chỉnh tăng là do giá nguyên vật liệu đầu vào tăng lên.
TP.HCM: Đồng loạt điều chỉnh giá nhiều nhóm mặt hàng từ đầu tháng Tư ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Ngay từ đầu tháng Tư, tại thị trường Thành phố Hồ Chí Minh có nhiều mặt hàng đã điều chỉnh giá và áp dụng mức giá mới.

Thành phố Hồ Chí Minh đã đồng loạt điều chỉnh nhóm mặt hàng bình ổn giá cũng như các nhóm hàng hóa tiêu dùng thiết yếu khác, bên cạnh giá gas, xăng, dầu...

Hàng tiêu dùng thiết yếu tăng giá

Điển hình, nhiều thương hiệu gas cũng thông báo áp dụng mức giá mới từ hôm nay (ngày 1/4) và đã thực hiện điều chỉnh giá tăng so với thời điểm cuối tháng 3/2022. Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên dầu khí Thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Petro CO.,Ltd) thông báo giá bán let gas SP tăng 1.167 đồng/kg (đã VAT), tương đương 14.000 đồng bình 12kg. Giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng ở mức khoảng 516.000 đồng bình 12kg.

Tương tự, Công ty cổ phần kinh doanh LPG Việt Nam - PV Gas LPG Việt Nam thông báo giá bán bình PetroVietnam Gas tăng 1.167 đồng/kg, tương đương 14.000 đồng bình 12kg và 52.500 đồng bình 45kg so với tháng 3/2022.

Lý giải nguyên giá gas được điều chỉnh tăng, các đơn vị sản xuất, kinh doanh cho biết ngày 31/3, giá giá gas thế giới nhập khẩu theo hợp đồng (CP) bình quân tháng 4/2022 chính thức là 950 USD/tấn, tăng 42,5 USD/tấn so với tháng 3/2022.

Sở Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh cũng công bố giá bán các mặt hàng thiết yếu tham gia chương trình bình ổn thị trường của Thành phố Hồ Chí Minh năm 2022 và Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, áp dụng từ ngày 2/4. Trong số đó, nhóm rau củ quả và thủy hải sản sẽ có giá bán tùy vào thời điểm, nhưng đảm bảo phải thấp hơn ít nhất từ 5-10% so với giá bán thị trường.

Nhóm mặt hàng thịt lợn, gạo, đường ăn, muối ăn, dầu ăn... sữa, đồ khô, văn phòng phẩm... vẫn giữ nguyên như năm 2021. Cụ thể, thịt lợn đùi 104.000 đồng/kg, thịt lợn vai 130.000 đồng/kg, thịt lợn cốt lết 125.000 đồng/kg; gạo trắng thường 5% tấm là 14.500 đồng/kg (không bao bì) và 15.500 đồng/kg (bao bì PA/PE, túi 5kg), gạo Jasmine 15.500 đồng/kg (không bao bì) và 17.000 đồng/kg (bao bì PA/PE, túi 5kg)...

Một số mặt hàng khác gồm đường RE là 24.500 đồng/kg, đường tinh luyện An Khê là 25.000 đồng/kg và muối ăn iốt là 4.300 đồng/túi; dầu ăn thực vật Nakydaco là 40.500 đồng/lít, 81.000 đồng/bình 2 lít và 202.500 đồng/can 5 lít, dầu ăn Cooking là 40.300 đồng/lít.

[Tiếp tục chủ động điều hành giá đồng bộ, hiệu quả, linh hoạt]

Riêng giá bán nhóm hàng thịt gia cầm được điều chỉnh tăng từ 7-14% so với năm 2021; trứng gia cầm tăng 6-7%... Giá bán mới của mặt hàng thịt gà ta là 90.000 đồng/kg, thịt gà tam hoàng 67.000 đồng/kg, gà công nghiệp 45.000 đồng/kg và thịt vịt 68.000 đồng/kg; trứng gà lên 29.500 đồng/vỉ 10 trứng, trứng vịt 35.000 đồng/vỉ 10 trứng...

Theo một số doanh nghiệp tham gia Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu của Thành phố Hồ Chí Minh, nguyên nhân hàng hóa trong chương trình bắt buộc phải điều chỉnh tăng giá là do giá nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất, kinh doanh tăng, kéo theo giá thành sản phẩm tăng. Điển hình sau 7 lần điều chỉnh tăng thì giá xăng có xu hướng giảm nhưng mức giảm nhỏ giọt so với mức tăng phi mã trước đó, nên cộng đồng doanh nghiệp cũng bị động với giải pháp ứng phó biến động thị trường.

Dù vậy, trên tinh thần phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị sản xuất, nhà bán lẻ... các doanh nghiệp tham gia bình ổn giá đã không ngừng nỗ lực giữ giá cả hàng hóa ổn định đến hết tháng 3/2022. Đồng thời, bước sang tháng 4/2022, doanh nghiệp tham gia bình ổn giá mới áp dụng mặt bằng giá mới.

Ông Phạm Thanh Hùng, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Ba Huân, đánh giá giá bán trứng gia cầm các loại theo Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu của Thành phố Hồ Chí Minh chỉ điều chỉnh tăng bình quân khoảng 5%, trong khi hiện nay chi phí đầu vào sản xuất đã tăng hơn 20%. Bên cạnh đó, Ba Huân sẽ tăng trọng lượng trứng gia cầm tham gia bình ổn giá so với trước đây, tùy theo chủng loại sản phẩm.

Áp lực lên sức mua, tiêu dùng

Khảo sát thực tế, tại mạng lưới chợ truyền thống ở Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy nhiều nhóm mặt hàng như nông sản, rau củ, quả, trái cây, thịt lợn... có giá bán rẻ và nguồn cung dồi dào. Hiện tại, một số mặt hàng như dưa hấu chỉ có giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng là 6.000 đồng/kg, bưởi da xanh 25.000-49.000 đồng/kg, thơm 20.000 đồng/3 trái...

Trong khi đó, các nhà bán lẻ ở kênh bán lẻ hiện đại như Saigon Co.op, LOTTE Mart, AEON Mall... liên tục chạy chương trình khuyến mãi, giảm giá luân phiên đa dạng ngành hàng để chia sẻ bớt khó khăn và tạo điều kiện thuận lợi cho người người tiêu dùng mua sắm. Đặc biệt, những chương trình này tập trung vào nhóm mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, gồm: lương thực, thực phẩm, đồ dùng gia đình, hóa mỹ phẩm, thời trang, may mặc.

Tuy vậy, một số nhà bán lẻ trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho hay họ vẫn tiếp tục chịu áp lực khi liên tục nhận được đề nghị tăng giá của nhà cung cấp, đơn vị sản xuất ở nhiều nhóm ngành hàng. Các đơn vị đề xuất mức tăng phổ biến từ 5-10% so với mức giá bán hiện tại.

TP.HCM: Đồng loạt điều chỉnh giá nhiều nhóm mặt hàng từ đầu tháng Tư ảnh 2Người dân mua hàng tại siêu thị. (Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)

Việc điều chỉnh giá tăng bán lẻ đến tay người tiêu dùng sẽ giúp các bên phần nào bù đắp chi phí đầu vào sản xuất và chi phí vận chuyển tăng trong thời gian hiện tại. Nhưng một số nhà bán lẻ quan ngại, điều chỉnh tăng giá sẽ kéo giảm sức mua trên thị trường và ảnh hưởng đến doanh số vì người dân vốn đã thắt chặt chi tiêu trong thời gian qua do tình hình dịch bệnh, thu nhập giảm sút...

Với bối cảnh nhiều mặt hàng hóa tiêu dùng thiết yếu điều chỉnh giá và áp dụng ngay từ những ngày đầu tháng Tư, chị Ánh Nguyệt tại thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng gia đình đang phải cân đối lại mức thu nhập và chi tiêu để ứng phó với mặt bằng giá mới.

Tuy người dân đã thích nghi với những cơn bão giá trong giai đoạn dịch bệnh vừa qua nhưng ở trạng thái bình thường mới, thu nhập người lao động chưa ổn định và cải thiện hơn trước thì biến động giá cả những nhóm mặt hàng tiêu dùng thiết yếu sẽ tác động không nhỏ đến đời sống hằng ngày.

Chị Mỹ Trang, nhân viên văn phòng quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh cho hay để mua sắm tiết kiệm mà vẫn đảm bảo nhu cầu hàng ngày, gia đình ưu tiên mua sắm những nhóm ngành hàng có khuyến mãi, giảm giá tại nhiều kênh bán lẻ.

Hiện nay, không ít mặt hàng nông sản Việt có giá rất cạnh tranh nên người dân có thể mua sắm, tiêu dùng, thay vì lựa chọn các mặt hàng nhập khẩu giá cao.

Báo cáo của Cục Thống kê Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho thấy một số nguyên nhân dẫn đến tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm là do thu nhập, cũng như thói quen tiêu dùng của người dân có sự thay đổi... dẫn đến sức mua chưa đạt như kỳ vọng.

Trong quý 1/2022, các chương trình kích cầu, bình ổn giá của thành phố, cũng như các đơn vị kinh doanh vẫn đang được duy trì hiệu quả, không xảy ra hiện tượng khan hàng, sốt hàng trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 3/2022 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đạt 92.690 tỷ đồng, tăng 8,4% so với tháng trước và tăng 3% so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý 1/2022 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đạt 266.942 tỷ đồng, giảm 4,8% so với cùng kỳ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục