Tương lai sáng nào dành cho ngành hồ tiêu Việt Nam?

Giá hồ tiêu tăng trong mấy tháng qua giúp nông dân phấn khởi vì sau thời gian trữ tiêu cũng đến thời điểm xuất bán, tăng lợi nhuận, còn doanh nghiệp cũng sẽ được vực dậy sau thời gian trầm lắng.
Vườn tiêu tại huyện đảo Phú Quốc. (Ảnh: Lê Sen/TTXVN)
Vườn tiêu tại huyện đảo Phú Quốc. (Ảnh: Lê Sen/TTXVN)

Sau chu kỳ 5 năm biến động theo chiều hướng giảm, cho đến thời điểm này, giá hồ tiêu đang dần khôi phục.

Biến động giá hồ tiêu theo đà tăng đã tạo động lực cho nông dân trồng tiêu và vực dậy các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu tiêu Việt Nam.

Điều này dự báo một tương lai sáng hơn cho ngành hồ tiêu Việt Nam sau khoảng thời gian biến động đầy khó khăn.

Nông dân phấn khởi

Hiện nay, giá hồ tiêu tăng trở lại, với mức dao động từ 70.000-80.000 đồng/kg, có khu vực tăng hơn 80.000 đồng/kg như tại Đắk Lắk, Đắk Nông. Với mức giá này, người trồng tiêu đã có thể yên tâm, phấn khởi.

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích sản xuất hồ tiêu cả nước tính đến cuối năm 2020 đạt 130.000 ha, giảm 22.000 ha so với năm 2018 (là thời kỳ giá hồ tiêu đạt mức cao nhất từ trước cho đến nay); trong đó, diện tích cho thu hoạch là 110.000 ha.

[Người nông dân cần thận trọng khi giá thu mua hồ tiêu tăng cao]

Điều này cho thấy, biến động giá hồ tiêu giảm dần trong 5 năm qua đã tác động mạnh đến nguồn thu nhập của người trồng tiêu. Sản xuất hồ tiêu phải tuân theo quy luật của thế giới.

Đến nay, sau thời gian giảm giá để điều chỉnh nguồn cung toàn cầu, giá hồ tiêu khôi phục, mang lại niềm vui cho người dân trồng tiêu. Tuy nhiên, nhiều nông dân trồng tiêu vẫn còn rất thận trọng, không vì giá tiêu tăng mà vội vàng tăng diện tích, chuyển sang trồng tiêu ồ ạt như trước đây.

Theo bà Nguyễn Thị Lùng, nông dân trồng 1ha tiêu tại phường Xuân Lập, thành phố Long Khánh, tỉnh Đồng Nai, dù giá tiêu đang đà tăng, nhưng gia đình vẫn chuyên tâm chăm sóc những vườn cây của gia đình.

Sau thời gian tiêu giảm giá, bà Lùng đã thực hiện trồng xen các loại cây khác trong vườn tiêu như bưởi da xanh, mít để tăng thu nhập bù lại cho cây tiêu mất giá. Sau 3 năm trồng xen hai loại cây này trong vườn tiêu, cả hai đều cho thu hoạch tốt.

Chính vì vậy, hiện nay bà Lùng chỉ cần chăm sóc lại vườn tiêu, đồng thời, gia đình cũng không vội vàng bán tiêu. Bởi, theo bà Lùng, dù giá tiêu tăng cao nhưng vẫn chưa bù đắp được những chi phí đầu tư trong mấy năm qua. Bà trữ tiêu và chăm sóc vườn tiêu song song để tăng năng suất cho cây tiêu. Sau khi thu hoạch đồng loạt thì bán tiêu cũng không muộn.

Còn ông Trần Hữu Thắng, Giám đốc Hợp tác xã Hồ tiêu Xuân Thọ, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai chia sẻ, mấy năm trở lại đây, diện tích tiêu trên địa bàn xã Xuân Thọ giảm mạnh vì giá tiêu xuống thấp, nông dân không đủ điều kiện chăm sóc nên nhiều vườn bị suy yếu, già cỗi sớm. Để tăng giá trị cho cây tiêu, nông dân trồng tiêu chuyển hướng sang làm tiêu sạch.

Sau thu hoạch, nông dân cũng quan tâm đến việc phân loại tiêu. Tiêu lép không bị loại bỏ lãng phí mà cung cấp cho doanh nghiệp làm dầu tiêu xuất khẩu. Giá tiêu tăng cao trở lại tạo động lực cho nhà vườn mạnh dạn đầu tư vì vùng đất này rất thích hợp cho cây tiêu phát triển.

Nhiều nông dân trong xã có vườn tiêu già cỗi đang tính chuyện trồng lại vườn tiêu. Với giá tiêu bán ra đạt từ 75.000-80.000 đồng/kg như hiện nay, nông dân trồng tiêu đã có lợi nhuận tốt.

Theo đó, tại địa phương này, nông dân trồng tiêu rất quan tâm chăm sóc vườn trồng để có thể thu được năng suất hiệu quả của loại cây trồng này.

Khởi sắc mới cho doanh nghiệp

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tính đến cuối tháng 6, xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam đạt 154.000 tấn, kim ngạch 496 triệu USD, giảm 7% về lượng, tăng 39% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020, nhờ giá hồ tiêu tăng trong 5 tháng liên tiếp.

Tương lai sáng nào dành cho ngành hồ tiêu Việt Nam? ảnh 1Nông dân tại xã Ea Bhốk, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk, phơi tiêu sau khi thu hoạch. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Đại diện Hiệp hội Hồ tiêu quốc tế (IPC) cho biết hiện tại, nguồn cung hồ tiêu toàn cầu giảm do diện tích sản xuất hồ tiêu toàn cầu giảm. Điều này đã đẩy giá hồ tiêu tăng cao bởi nhu cầu tiêu dùng không hề giảm theo nguồn cung.

Thêm vào đó, biến đổi khí hậu trong những năm gần đây đã gây bất lợi cho cây hồ tiêu phát triển, bệnh chết nhanh, chết chậm vẫn ra ra trên cây tiêu, chăm sóc hồ tiêu ngày càng khó khăn hơn đã khiến cho năng suất hồ tiêu giảm.

Giá hồ tiêu tăng trong mấy tháng qua giúp nông dân phấn khởi vì sau thời gian trữ tiêu cũng đến thời điểm xuất bán, tăng lợi nhuận, còn doanh nghiệp cũng sẽ được vực dậy sau thời gian trầm lắng.

Ông Nguyễn Văn Lâm, đại diện Công ty Trách nhiệm hữu hạn Chế biến gia vị Nedspice Việt Nam (Bình Dương), một doanh nghiệp thu mua tiêu tại Đồng Nai, cho biết giá hồ tiêu tăng là do thị trường điều chỉnh, không phải doanh nghiệp hay nông dân có thể tự điều chỉnh được.

Giá hồ tiêu tăng “nóng” trong thời gian gần đây là tin vui của ngành hồ tiêu Việt Nam, cũng vì lý do nguồn cung tiêu giảm mạnh, không còn tình trạng cung vượt cầu như thời gian trước đó.

Tuy nhiên, doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam đang chịu áp lực cạnh tranh lớn từ các nước bởi khi hồ tiêu tăng giá, sẽ có hiện tượng tranh mua nguyên liệu; nông dân, thương lái đua nhau trữ tiêu khiến doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó về nguồn cung và khó ký những đơn hàng dài hạn.

Ông Nguyễn Văn Lâm cho biết doanh nghiệp chỉ có thể ký kết những đơn hàng xuất khẩu ngắn hạn để có thể ứng phó với biến động của giá hồ tiêu nguyên liệu, tránh được rủi ro về biến động giá tiếp theo.

Đồng thời, với cách ứng phó này, doanh nghiệp sẽ có thể thu được lợi nhuận cao hơn để tiếp tục xuất khẩu khi thị trường điều chỉnh liên tục.

Chính vì vậy, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam cần có phương án ứng phó linh hoạt để có thể tận dụng được lợi thế trước các biến động của giá hồ tiêu.

Với đà tăng giá hồ tiêu hiện nay, ngành hồ tiêu Việt Nam với nhiều tiềm năng phát triển đang có động lực trở lại vị thế xuất khẩu tỷ USD như 5 năm trước đây./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục